Theo thống kê, lồng ruột ở người lớn chiếm tỷ lệ từ 1-5% còn lồng ruột ở trẻ em chiếm tỷ lệ 90% và 5% các trường hợp tắc ruột. Các trường hợp lồng ruột ở trẻ em thường không rõ nguyên nhân, nhưng ở người lớn thì ngược lại: hơn 90% nguyên nhân do u, chủ yếu là u ở ruột non và đại tràng, một số khác do viêm hạch mạc treo, viêm hồi manh tràng mạn, có túi thừa meckel, manh tràng di động. Do hiếm gặp ở người lớn nên đa phần các ca lồng ruột ở người lớn thường bị bỏ sót, chẩn đoán muộn.
Bệnh nhân nam, 81 tuổi, nặng 36kg, tiền sử tăng huyết áp, vào Bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển - Uông Bí (Quảng Ninh) do nôn, đau trướng bụng. Sau khi khám và kết quả phim chụp Xquang, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị lồng ruột non do có khối u ruột non. Các bác sĩ đánh giá cụ ông tuổi cao, gầy yếu kèm bệnh nền tăng huyết áp đòi hỏi quá trình phẫu thuật cần diễn ra khẩn trương và chính xác cao hơn. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị lồng 2 đoạn ruột non. Khắp ruột đều có u nằm ở các vị trí khác nhau. Đoạn lồng ruột thứ nhất dài khoảng 15cm. Đoạn thứ hai cách đoạn ruột thứ nhất khoảng 50cm và có một u kích thước 1,5cm gây lồng ruột trên một đoạn dài khoảng 10cm. Kiểm tra toàn bộ ruột non còn có 3 khối u kích thước khoảng 1cm ở các vị trí khác nhau. Sau đó bác sĩ chỉ định tháo lồng ruột cho người bệnh và cắt đoạn ruột non có khối lồng. Các khối u sau phẫu thuật được gửi xét nghiệm sinh thiết mô bệnh học.
Đây không phải là trường hợp hiếm mà trước đó bệnh viện cũng đã tiếp nhận được bệnh nhân bị lồng ruột là nữ, 38 tuổi trú tại Hạ Long - Quảng Ninh.
Toàn bộ khối lồng ruột trong ổ bụng người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết
Lồng ruột là tình trạng đoạn ruột phía trên chui vào đoạn ruột phía dưới. Có nhiều kiểu lồng ruột khác nhau như lồng hồi - hồi tràng, hồi - đại tràng, lồng đại - đại tràng. Ở người lớn, ít khi gặp lồng ruột cấp tính, mà thường gặp lồng ruột mạn tính hơn. Bệnh thường phối hợp với các nguyên nhân tắc ở thành ruột như khối u, túi thừa.
Triệu chứng của lồng ruột người lớn là hội chứng tắc ruột. Bệnh thường khởi phát bằng đau bụng. Bệnh nhân thường đau bụng thành cơn, khởi phát từ từ hoặc dữ dội. Bệnh nhân tìm đủ tư thế để giảm đau nhưng thường không có hiệu quả. Bệnh nhân lồng ruột thường xuất hiện nôn đồng thời với cơn đau. Tính chất nôn phụ thuộc vào vị trí lồng tuột, nôn nhiều và sớm trong lồng ruột cao và nôn muộn hoặc chỉ buồn nôn khi ở vị trí thấp. Bí trung đại tiện cũng là một triệu chứng thường gặp trong lồng ruột.
Phải làm gì?
Tùy theo vị trí mà lồng ruột được phân loại như: lồng ruột hồi - đại tràng, lồng ruột hồi - manh tràng, lồng ruột hồi - hồi - đại tràng. Ở người lớn, lồng ruột do nguyên nhân cụ thể chiếm 90-95% các trường hợp. Đa số do các nguyên nhân lành tính do các khôi u lành tính, ruột thừa, túi thừa Merkel và dính ruột. 25% số trường hợp lồng ruột non là do tổn thương ác tính, còn ở ruột già là 50%.
Thông thường sau khi khám có biểu hiện nghi ngờ các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm để chẩn đoán, trong đó chỉ định CT bụng. Đây là công cụ chẩn đoán hữu ích nhất không chỉ trong chẩn đoán lồng ruột với độ chính xác đến 78% mà còn giúp xác định được nguyên nhân gây lồng ruột.
Đối với điều trị lồng ruột thì ở trẻ nhỏ, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp bơm hơi tháo lồng hoặc phẫu thuật. Lồng ruột ở người lớn thì chỉ phẫu thuật mới giải quyết được dứt điểm nguyên nhân gây lồng ruột và tránh nguy cơ tái phát.
Tóm lại, lồng ruột ở người lớn là bệnh hiếm gặp. Chẩn đoán sớm bằng siêu âm hay CT sẽ giúp bệnh nhân được phẫu thuật kịp thời và ngăn ngừa được các biến chứng như xuất huyết, hoại tử hay thủng ruột. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ, nhất là đau bụng (chiếm 71-100%), tiếp theo là buồn nôn và nôn (chiếm 40-60%)... cần đến cơ sở y tế sớm nhất để được khám và chẩn đoán điều trị kịp thời.