Người lớn có mắc viêm não Nhật Bản không?

12-06-2022 14:07 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ em nhưng câu hỏi đặt ra vậy người lớn có mắc phải căn bệnh này không? Nếu người lớn mắc phải thì có nguy hiểm không?... Bài viết dưới đây giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1. Viêm não Nhật Bản ở người lớn có xảy ra hay không?

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản, song chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ từ 2-6 tuổi, chiếm 75% tổng số trẻ mắc. Người lớn ít mắc bệnh do đa số đã có miễn dịch mắc phải, tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ mắc bệnh nhất định.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính của hệ thần kinh trung ương, gây tổn thương các tế bào thần kinh. Tên gọi viêm não Nhật Bản có nguồn gốc từ một vụ dịch xảy ra năm 1924 tại Nhật Bản với hơn 6000 người mắc bệnh, nhiều người tử vong. Năm 1933, các nhà khoa học Nhật Bản đã xác định được tác nhân gây bệnh, đặt tên là virus viêm não Nhật Bản, một loại Arbovirus nhóm B (họ Togaviridae, giống Flavivirus).

Người lớn có mắc viêm não Nhật Bản không? - Ảnh 1.

Nhóm tuổi hay gặp viêm não Nhật Bản ở người lớn là từ 16-45 tuổi.

Các nguồn lây nhiễm chính là chim hoang dã và động vật nuôi. Chim, lợn là ổ chứa virus viêm não Nhật Bản trong môi trường tự nhiên. Muỗi hút máu của chim và lợn bị nhiễm bệnh, sau đó cắn người và truyền virus sang người.

Tại Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Các ổ dịch thường nằm ở những vùng trồng lúa nước kết hợp chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả (nhãn, vải..) và nuôi lợn. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm nhất từ tháng 5 - 8.

2. Đặc điểm viêm não Nhật Bản ở người lớn

Viêm não Nhật Bản ở người lớn không xảy ra dịch, phần lớn tập trung tháng 5-8 chiếm 56,7%. Theo một nghiên cứu, nhóm tuổi hay gặp viêm não Nhật Bản ở người lớn là từ 16-45, tỷ lệ nữ hơn nam 66,7%.

Thể điển hình viêm não Nhật Bản ở người lớn diễn biến bán cấp với 3 biểu hiện: Rối loạn ý thức xuất hiện sớm; Rối loạn vận động mang tính chất lan toả và thay đổi; Rối loạn thực vật.

Thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh viêm não Nhật Bản người lớn là 1 tuần (5-14 ngày). Bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao 39-40 độ, đau đầu, buồn nôn, nôn. Bệnh viêm não Nhật Bản người lớn tiến triển rất nhanh, đầu tiên là sốt cao, sau đó nôn mửa, cứng cổ, tăng trương lực cơ, co giật, lú lẫn, buồn ngủ toàn thân, lú lẫn, sau đó hôn mê trong vòng 1-3 ngày đầu.

Giai đoạn toàn phát của bệnh viêm não Nhật Bản người lớn cũng giống như ở trẻ em, khi đó virus viêm não xâm nhập vào nhu mô não và tủy sống và làm tổn thương các tế bào thần kinh. Các triệu chứng xuất hiện từ giai đoạn khởi phát không thuyên giảm mà mức độ nặng dần lên.

Giai đoạn này thường rất ngắn, với tổn thương não nổi bật và tổn thương thần kinh khu trú, ví dụ bệnh nhân rối loạn ý thức, lú lẫn, có khi hôn mê sâu, liệt một phần hoặc liệt toàn thân. Các biểu hiện ở hệ thần kinh tự chủ như: ra mồ hôi nhiều, da mẩn đỏ, xanh xao, rối loạn hô hấp, tăng tiết dịch khí quản, mạch yếu, tụt huyết áp ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng sống. Bệnh nhân tử vong thường ở giai đoạn này, bệnh nhân vượt qua giai đoạn này tiên lượng tốt hơn.

3. Nguy hiểm khi người lớn mắc viêm não Nhật Bản

Người lớn mắc bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao và thường để lại những di chứng nặng nề. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm: viêm phổi, viêm phế quản, viêm phổi phế quản do bội nhiễm vi khuẩn; nhiễm trùng đường tiết niệu do đặt ống thông hoặc dẫn lưu ống thông; loét tì đè và huyết khối do nằm lâu và các chứng viêm rối loạn dinh dưỡng khác.

Các di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn có thể là: liệt hoặc liệt tứ chi, mất ngôn ngữ, vũ đạo, bệnh Parkinson, động kinh, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nặng, rối loạn tâm thần hoặc giao cảm nặng, rối loạn chuyển hóa, giảm thính lực, điếc...

4. Điều trị bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn

Tương tự như trẻ em, hiện người lớn mắc bệnh viêm não Nhật Bản cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị triệu chứng là chủ yếu. Để ngăn chặn nguy cơ tử vong và giảm thiểu các biến chứng, di chứng, việc điều trị kịp thời, tích cực tại các cơ sở y tế là rất quan trọng để giảm bớt phần nào các triệu chứng, cứu người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch như dùng thuốc hạ sốt, chống co giật, chống suy thở, chống phù não, bồi phụ nước, điện giải và chăm sóc dinh dưỡng. Sau đó điều trị những di chứng phục hồi vận động, tâm thần kinh.

5. Phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản cần: Giữ gìn vệ sinh môi trường nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi.

Ngủ màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp chống và diệt muỗi trong các hộ gia đình.

Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay. Việc tiêm chủng sẽ được áp dụng cho trẻ em từ 9 tháng tuổi hoặc 12 tháng tuổi trở lên có bao gồm cả người lớn. 

Vì vậy, mọi người cần chủ động tiêm ngừa viêm não Nhật Bản để được bảo vệ trước bệnh lý nguy hiểm này nhất là những địa phương có nguy cao mắc bệnh hoặc đang có bệnh viêm não Nhật Bản, cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng bệnh.

Viêm não Nhật Bản: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết sớm và phương pháp điều trị Viêm não Nhật Bản: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết sớm và phương pháp điều trị

SKĐS - Viêm não Nhật Bản còn được gọi là viêm não mùa hè, viêm não B. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh có diễn biến nặng, nguy cơ tử vong và di chứng cao.


Video có thể bạn quan tâm

Khu trải nghiệm Big Sun bị tháo dỡ làm nhiều người tiếc nuối


BS. Lê Đức
Ý kiến của bạn