Người lớn có bị chứng tăng động?

13-02-2019 20:27 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nhiều người đã nghe nói về chứng tăng động giảm chú ý (ADHD: attention deficit hyperactive disorder). Nói về chứng bệnh này có thể làm cho bạn nghĩ ngay đến những đứa trẻ gặp khó khăn trong tập trung chú ý, đi kèm với tính hiếu động hoặc bốc đồng.

Nhưng theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, người lớn cũng có thể bị ADHD và chiếm khoảng 4-5% trong người lớn ở Hoa Kỳ. Nhưng chỉ một số ít người lớn được chẩn đoán hoặc điều trị đối với ADHD. Nếu không được chẩn đoán và không được điều trị kịp thời, ADHD có thể dẫn đến các vấn đề về tinh thần và thể chất nghiêm trọng làm cho người mắc ADHD và gia đình của họ rất khó khăn để có một cuộc sống bình thường hàng ngày.

Dấu hiệu của ADHD ở người lớn

Một người mắc ADHD có thể có một thời gian khó tập trung, khó hoàn thành công việc đúng giờ và theo chỉ dẫn, khó khăn tổ chức các nhiệm vụ, thậm chí khó nhớ các thông tin. ADHD ở người lớn khác nhau ở từng người riêng biệt. Ở một số người, các dấu hiệu và triệu chứng nêu trên có thể có tác động lớn, trong khi ở những người khác, có thể không có vấn đề gì lớn hoặc đôi khi tùy theo các tình huống cụ thể.

ADHD ở người lớn có thể dẫn đến tâm trạng lâng lâng, lòng tự trọng thấp, chán nản mạn tính, lo âu, trầm cảm; khó tập trung, tính bốc đồng, khó khăn kiểm soát sự tức giận, kỹ năng tổ chức kém, quên mọi thứ, có vấn đề trong quan hệ xã hội, khó khăn trong công việc.

ADHD có thể gây ra một số vấn đề trong học tập, công tác, sinh hoạt. Chẳng hạn như gặp rắc rối thường xuyên, lưu ban, bỏ học, hiệu suất làm việc kém, thay đổi công việc liên tục, không thành công, không hài lòng với công việc. Trong cuộc sống: trầm cảm, lo âu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ma túy. Trong quan hệ hôn nhân, ADHD có thể gây ra một số vấn đề liên quan như: ly hôn, kết hôn một vài lần.Não của người bình thường (trái) và não của người bị ADHD.

Não của người bình thường (trái) và não của người bị ADHD.

Làm sao nhận biết?

Nếu bạn nghĩ rằng bạn hoặc người mà bạn biết có ADHD ở tuổi trưởng thành, cần phải chẩn đoán sớm nhất có thể và được điều trị đúng để có thể có cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chẩn đoán ADHD ở người trưởng thành không phải là một công việc dễ dàng vì các dấu chứng và triệu chứng của ADHD như trầm cảm, lo lắng, tập trung kém, các vấn đề về mối quan hệ... có thể có những nguyên nhân đan xen và chi phối khác.

Không có xét nghiệm hoặc kiểm tra đơn lẻ và đặc hiệu nào có thể giúp chẩn đoán xác định ADHD ở người lớn. Tuy nhiên, việc chẩn đoán ADHD ở tuổi trưởng thành sẽ đòi hỏi một cuộc kiểm tra sức khỏe hoàn chỉnh giúp loại trừ bất kỳ nguyên nhân nào có thể gây ra những dấu chứng và triệu chứng nhất định mà một người đang trải qua. Những thông tin về lịch sử gia đình, cá nhân, mối quan hệ và các bài kiểm tra tâm lý sẽ giúp đánh giá bất kỳ thông tin về các dấu chứng nghi ngờ với công cụ thang đánh giá tầm soát ADHD.

Ðiều trị kết hợp

Một khi chẩn đoán đúng được thực hiện, người lớn ADHD được điều trị bằng thuốc, giáo dục, tư vấn tâm lý và huấn luyện. Các phương pháp điều trị thường được kết hợp với nhau, có thể giúp làm giảm nhiều dấu chứng và triệu chứng của ADHD, nhưng khó khăn để có thể chữa khỏi một cách hoàn toàn trên một cá nhân cụ thể.

Thuốc: Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị ADHD ở người lớn bao gồm chất kích thích như amphetamine hoặc methylphenidate. Những chất kích thích này hoạt động bằng cách điều chỉnh nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh khác nhau trong não. Các thuốc khác thường được kê toa cho ADHD ở người lớn là một số thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, luôn chú ý đến bất kỳ phản ứng phụ nào có thể gặp khi sử dụng các loại thuốc để điều trị ADHD.

Tư vấn tâm lý: Một khi được chẩn đoán bị ADHD ở tuổi trưởng thành, cần phải tư vấn tâm lý để một người có thể học các kỹ năng có thể giúp tự giải quyết các triệu chứng ADHD hàng ngày như: học cách quản lý sự tức giận tốt hơn; tìm hiểu cách quản lý thời gian tốt hơn, tổ chức tốt hơn mọi thứ; tìm hiểu cách để có mối quan hệ tốt đẹp hơn với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Các loại tư vấn tâm lý thông thường được sử dụng khi điều trị ADHD ở người lớn bao gồm:

Liệu pháp gia đình và tư vấn hôn nhân sẽ giúp một người được chẩn đoán bị ADHD ở tuổi trưởng thành cải thiện mối quan hệ của họ với gia đình và bạn tình, cũng như hướng dẫn những thành viên khác trong gia đình làm thế nào để đối phó với một người bị ADHD trong gia đình.

Liệu pháp hành vi nhận thức sẽ giúp người được chẩn đoán ADHD ở tuổi trưởng thành học các kỹ năng cụ thể cần thiết trong cuộc sống hàng ngày, cũng như để quản lý các dấu chứng và triệu chứng nhất định của rối loạn ADHD có ảnh hưởng đến môi trường trường học, nơi làm việc và ở nhà.

Thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục

Quan trọng là phải nhận biết được các dấu chứng của ADHD ở tuổi trưởng thành, từ đó có thể được các giải pháp can thiệp đúng cách. Một số lời khuyên sau đây có thể rất hữu ích: lập danh sách những việc bạn cần làm mỗi ngày; sử dụng bảng kiểm mục nếu cần thiết và đảm bảo không làm nhiều việc chỉ trong một ngày; viết ghi chú để nhớ những điều quan trọng bạn cần làm mỗi ngày; lưu ý những thứ cần được ghi nhớ trong cuốn sổ tay của bạn; làm việc theo một thói quen hàng ngày, do đó bạn không bị lẫn lộn; hướng đến một cuộc sống lành mạnh bằng cách ăn uống tốt và hoạt động thể chất tích cực; giấc ngủ tốt và nghỉ ngơi là điều mà mọi người cần làm; cần nhận sự giúp đỡ từ các thành viên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.


TS.BS. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn