Mẹ lây bệnh từ con
Theo thông tin từ BV Đại học Y dược TP.HCM, các bác sĩ tại khoa Da liễu-Thẩm mỹ da bệnh viện này vừa ghi nhận một trường hợp mắc tay chân miệng (TCM) hy hữu ở người lớn.
Bệnh nhân là chị P.T.D. (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình,TP.HCM), đi khám vì nghi bị bệnh chàm. Khi tới đăng ký khám tại BV Đại học Y dược TP. HCM, với các biểu hiện thương tổn trên da, nhân viên y tế nghi ngờ bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc, bệnh nhân được chuyển đến khám tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da.
Tại đây, các bác sĩ khám lâm sàng, xác định bệnh nhân bị các bóng nước không chỉ ở lòng bàn tay, bàn chân mà còn ở cả vị trí khuỷu tay, chân, nếp gấp của da nên rất dễ bị nhầm với bệnh chàm và bệnh viêm da tiếp xúc. Khi điều tra bệnh sử, được biết, bệnh nhân đang chăm con 9 tháng tuổi mắc bệnh TCM tại BV Nhi đồng 1. Các bác sĩ đã thực hiện xét nghiệm, kết quả xác định bệnh nhân mắc bệnh TCM, đây là trường hợp nhiễm TCM hy hữu ở người lớn.
Bệnh nhân P.T.D. lây nhiễm TCM trong quá trình chăm sóc cho con
Theo giới chuyên môn, người lớn mắc TCM thường khó nhận biết hơn ở trẻ nhỏ. Tỷ lệ mắc bệnh thường ít gặp, các dấu hiệu TCM ở người lớn dễ bị nhầm lẫn với một số vấn đề da liễu thường gặp như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da côn trùng, chàm... Khi có những biểu hiện nghi ngờ và yếu tố tiếp xúc với nguồn lây, người bệnh cần được thực hiện xét nghiệm để xác định chính xác bệnh, có những chỉ định điều trị đúng. Người lớn mắc TCM thường chủ quan do bệnh nhẹ, nhưng đây lại là một nguồn lây truyền rất nguy hiểm; do người bệnh thường là nội trợ chính trong gia đình, hàng ngày thực hiện chăm sóc con cái, đặc biệt là trẻ em, nếu không phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể lây truyền cho các thành viên còn lại trong gia đình. Thậm chí đây là nguồn lây truyền xuyên vùng (trans-regional spread) trên thế giới.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tháng 9/2020, trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận 6.358 ca tay TCM tại 24 quận, huyện. Theo chu kỳ hàng năm, đỉnh dịch TCM xuất hiện vào khoảng tuần 39 - 44 của năm, có thể xuất hiện thêm số ca bệnh nặng và sau đó giảm dần.
BS Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, cho biết, bệnh TCM được biết đến là bệnh của trẻ em. Phụ nữ mang thai cũng có thể mắc bệnh vì đề kháng yếu nhưng tỷ lệ rất thấp. Trước đó, tại BV Nhi đồng 1 cũng chưa ghi nhận trường hợp phụ huynh bị lây nhiễm bệnh từ con trong quá trình chăm sóc điều trị tại bệnh viện, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng này.
Một nghiên cứu dịch tễ ở Trung Quốc giai đoạn 11/2014 - 6/2018 ghi nhận tỷ lệ phần trăm người lớn bị bệnh TCM là khoảng 0,007% (299/43.635 ca TCM). Tháng 1/2014 tại Mỹ có báo cáo một ca TCM ở 1 người đàn ông da trắng 55 tuổi. Biểu hiện bệnh TCM ở người lớn đa số nhẹ. 98,1% tự khỏi sau 1 - 2 tuần.
Cần chủ động phòng ngừa bệnh
Theo các chuyên gia y tế, bệnh TCM thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc bệnh nếu hệ miễn dịch chưa đủ mạnh để chống lại virus gây bệnh. Các triệu chứng TCM ở người trưởng thành cũng giống như ở trẻ em, tuy nhiên, bệnh TCM ở người lớn có thể nặng hơn so với thông thường.
Tương tự như ở trẻ em, nguyên nhân gây bệnh TCM ở người lớn do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm: coxsackie, echo, các virus đường ruột khác trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và coxsackie A16. Đặc biệt, virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong. Là một bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, mệt mỏi, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, các vùng da có nếp gấp. Ở người trưởng thành, có thể có thêm các dấu hiệu: nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức cơ, ăn uống không ngon, các nốt phồng xuất hiện ở lưỡi, nướu, bên trong má thường gây đau.
Bệnh TCM hiện nay chưa có vắc xin, hiện nay các biện pháp vẫn chỉ tập trung ở phát hiện điều trị đúng và phòng ngừa lây nhiễm. Không chỉ chủ động phòng tránh lây nhiễm cho trẻ nhỏ, người lớn khi đang chăm sóc trẻ mắc bệnh TCM cũng cần thực tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân, đồng thời không trở thành nguồn lây cho những người khác.
Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc TCM, phụ huynh cần phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết bọng nước hoặc vết loét, trước khi nấu ăn, hoặc trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và thay tả cho trẻ.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ bằng nước sạch có pha loãng chlorine như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang mặc bàn hoặc ghế, sàn nhà… Ngoài ra, phụ huynh cần che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi, vứt khăn giấy đã qua sử dụng vào thùng rác được đậy kín nắp sau khi sử dụng; giữ vệ sinh tại gia đình, nhà trẻ, trường học, phòng bệnh; thực hiện ăn chín uống sôi, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm hay mút đồ chơi. Để hạn chế lây nhiễm bệnh, phụ huynh cần tránh cho trẻ tiếp xúc (ôm, hôn) với những thành viên trong gia đình.