Người leo cầu thang không phải bằng chân

27-08-2017 15:27 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Vũ An Chương sau khi tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật đã được lãnh đạo Bộ Văn hóa phân về công tác tại Ðoàn Ca múa nhạc Việt Nam.

Công tác tại đây 5 năm thì anh được cử tiếp đi học ÐH Mỹ thuật Yết Kiêu. Tốt nghiệp, anh không trở lại đoàn mà được điều động sang Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa - Thông tin, trở thành họa sĩ trong phòng biên tập mỹ thuật. Tại đây, từ một biên tập viên, Vũ An Chương lên làm Trưởng phòng, Phó Giám đốc rồi khi nhà thơ Quang Huy, Giám đốc NXB đến tuổi nghỉ hưu, dù khi ấy có nhiều những ứng viên sáng giá, toàn những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình... nhưng họa sĩ Vũ An Chương đã được Giám đốc Quang Huy và Chi bộ NXB cân nhắc rồi chính thức giới thiệu để lên thay. Sau hơn 30 năm công tác liên tục, nhiều năm trên các cương vị cao ở một trong những nhà xuất bản hàng đầu của đất nước, đến năm 2003, An Chương nghỉ hưu.

Là một người hiền lành, tốt tính và nhiệt thành với bạn bè; là người hết sức trách nhiệm, có nhiều đóng góp trong chuyên môn, trong công việc và đoàn kết trong cơ quan nên An Chương được rất nhiều người yêu mến, gần gũi. Sau khi nghỉ hưu, cuộc sống hàng ngày của An Chương là rong ruổi khắp đất nước, lên rừng xuống biển, thăm bạn bè, đi vẽ, dự các trại sáng tác mỹ thuật do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, tham gia trưng bày tranh tại các kỳ triển lãm mỹ thuật, rồi cùng nhóm họa sĩ cùng chí hướng lấy tư liệu và cảm hứng để vẽ. Anh còn được bầu tham gia Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí trung cao cấp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Công việc sáng tạo và sự quảng giao giúp anh có một cuộc sống tinh thần rất ý nghĩa.Vũ An Chương trong mắt họa sĩ Văn Hải.

Vũ An Chương trong mắt họa sĩ Văn Hải.

Họa sĩ Vũ An Chương tính tình cởi mở, tác phong trẻ trung, khuôn mặt luôn rạng rỡ, tươi cười, nên mỗi khi gặp ít ai nghĩ anh chỉ mấy năm nữa đã bước vào tuổi 80. Ai cũng nghĩ một người có một đời sống tinh thần như vậy hẳn sẽ còn khỏe, sẽ còn trẻ lâu. Nhưng ai biết được chữ ngờ.

Đứng ngày đầu năm 2017, trên đường đi dự sinh nhật một người bạn thân trong nhóm văn hóa về, từ phố Ngô Văn Sở băng sang phố Hàm Long, đến phố Bà Triệu do tránh một chiếc xe ôtô đậu trên đường, chiếc xe máy của một đôi vợ chồng trẻ từ ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu bất ngờ lao tới. Rồi bánh xe trước của họ đâm rất mạnh vào chân của An Chương kêu thành tiếng khiến anh đau đớn ngất đi. Tỉnh dậy thấy mình đã nằm trong Bệnh viện Việt Đức. Các y, bác sĩ ở đây sau khi chiếu chụp, hội chẩn đã kết luận, do cú va đập quá mạnh, nên một bên chân trái của anh xương đã gãy nát, chỉ có một biện pháp duy nhất là phải kịp thời mổ và bó bột ngay để gắn dần các mảnh xương lại. Đang đau nhức đến tê tái nhưng An Chương vẫn gắng hỏi các bác sĩ, liệu bao giờ anh có thể đi lại bình thường. Không ai trả lời cho anh được chính xác vì còn nhiều diễn biến xấu rất có thể xảy ra. Gãy xương, ngay đối với người còn ít tuổi đã không dễ lành ngay, huống chi là người có tuổi. Quan trọng, sau phẫu thuật người bệnh phải bất động một thời gian dài.

Nghe vậy An Chương lặng đi. Không phải anh sợ đau mà thời gian không đi lại được kéo dài như thế thì cuộc sống và công việc hàng ngày của anh sẽ thế nào? Làm sao anh có thể đi đây đi đó để vẽ như cuộc sống bình thường trước đây. Hiện anh còn dang dở bao công việc, nào công trình mỹ thuật đang thực hiện theo hợp đồng, nào có tranh dự kiến phải hoàn thành kịp tham gia triển lãm. Vốn là người năng động, ham làm việc nên từ ngày nghỉ hưu, đã nhiều năm qua rồi mà đến bây giờ anh đâu đã được nghỉ. Anh là một họa sĩ, người của giấy, của vải, của bút màu, thuốc vẽ cơ mà.

Phòng làm việc và nơi ở hàng ngày trước đây của An Chương nằm trên gác trong một ngôi nhà cuối con phố Mai Hắc Đế nhưng thấy chân cẳng như vậy nên con cái phải bố trí cho bố xuống tạm dưới nhà, một căn phòng nhỏ vỏn vẹn 5, 6 mét vuông vốn trước kia đặt làm nơi thờ cúng gia tiên. Phòng nhỏ chỉ đủ kê trọn chiếc giường đã kín chỗ. Đi lại vào phòng vệ sinh phải lách.

Sau khi bó bột, bác sĩ yêu cầu phải nằm bất động, nhưng vốn là người đã quen hoạt động, nay hàng ngày cứ phải nằm một chỗ không có việc gì làm An Chương  thấy tù túng, bẫn bách lắm. Sau những lúc trò chuyện, gặp gỡ cùng bạn bè, gia đình, còn lại suốt ngày Chương chỉ biết ôm cái máy tính bảng, chát chít và nắm thông tin qua mạng. Dù rất buồn vì không đi lại được nhưng cũng không muốn làm phiền con cái nên An Chương luôn tự khắc phục, rất ít nằm mà gắng tập ngồi dậy, cố tìm ra việc để làm, luôn tay làm việc này việc khác cho hết cảm giác của một người thừa. Căn phòng nhỏ, chỉ đủ kê chiếc giường nên anh chủ động xếp gọn tất cả mọi thứ xuống gầm giường, cần gì chỉ phải cúi xuống còn đầu giường thì anh xếp giá vẽ, toan, giấy, bút màu và sơn dầu. Hàng ngày cứ sau khi ăn sáng xong, khi không có ai đến thăm chơi là anh một chân nửa nằm nửa ngồi rồi vẽ ngay trên giường.Họa sĩ Vũ An Chương.

Họa sĩ Vũ An Chương.

Những công việc có thể tự mình làm thì An Chương gắng tự làm như lau dọn bàn ghế, giường chiếu, thu dọn đồ đạc sau khi ăn uống, nhất là khi có khách đến chơi. Sau đó anh tranh thủ miệt mài vẽ. Nhưng khổ nỗi, buồng quá nhỏ, đồ vẽ lại nhiều, trông rất lủng củng, bề bộn... đang vẽ có khách đến lại phải thu dọn vừa mất công vừa bất tiện, chẳng vẽ vời được bao nhiêu. Sau khi cân nhắc, tính toán, anh bàn với các con phương án phải lên phòng của mình trên gác rộng rãi và yên tĩnh để có thể làm việc nhiều hơn. Ban đầu ý tưởng này bị mọi người phản đối. Trên nền phẳng anh có thể cà nhắc tự đi lại bằng nạng sắt có 4 chân nhưng nay nếu phải leo lên gác thì sao. Mà gác thì rất nhỏ không thể ai giúp được. Suy nghĩ, nghiên cứu mãi rồi anh quyết định tự mình leo lên gác. Anh đi nạng từ phòng nhỏ nơi anh đang nằm để ra cầu thang rồi cất nạng đấy anh kê mông tự ngồi lên bậc thang và di chuyển bằng bên chân khỏe và đôi tay, cứ thế lết từng bậc thang. Hôm đầu sốt ruột muốn lên nhanh bị vướng chiếc chân bó bột khiến anh đau điếng, phải nghỉ mất mấy hôm tưởng đã phải bỏ dở kế hoạch. Nhưng rồi anh rút kinh nghiệm, mỗi khi lên gác anh chỉ nhích từng bậc thang, rất chậm. Một đoạn thang ngắn mà anh leo mất đúng gần tiếng đồng hồ. Nhưng bù lại, một mình trong phòng, vẽ vời thoải mái anh thấy vui sướng. Ở trên phòng riêng rộng rãi anh thấy khá yên tâm, không lo ai quấy rầy và khi khách đến không còn lo phải dọn dẹp giường chiếu, đồ đạc.

Thật khó để khẳng định bao giờ thì họa sĩ Vũ An Chương có thể đi lại bình thường nhưng có điều tai nạn không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của anh. Anh đã cố gắng tự mình chủ động được khá nhiều công việc, thậm chí có thể tự nấu nướng. Và nhất là có thể tiếp tục thực hiện được công việc sáng tạo bên giá vẽ.


Huy Thắng
Ý kiến của bạn