Hà Nội

Người lao động với nỗi lo nợ đọng bảo hiểm xã hội

03-05-2013 20:52 | Thời sự
google news

Bắt đầu từ tháng 1/5/2013, Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định có lợi hơn cho người lao động như: chế độ tiền lương, mức lương tối thiểu, xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH)...

Bắt đầu từ tháng 1/5/2013, Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định có lợi hơn cho người lao động như: chế độ tiền lương, mức lương tối thiểu, xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH)... Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng nợ đọng BHXH đang ngày càng nghiêm trọng với số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp đối với người lao động đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc quyền lợi của người lao động đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.

Danh sách doanh nghiệp nợ BHXH ngày càng dài

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 31/12/2012, nợ đọng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp là 4.639 tỷ đồng (trong đó, nợ BHXH bắt buộc là 4.274 tỷ đồng). Số nợ tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tại các địa phương, cụ thể như TP. Hà Nội, báo cáo của BHXH TP. Hà Nội cho biết, tính đến hết 31/12/2012 trên toàn địa bàn Hà Nội đã có 1.456 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền nợ là 1.040 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 2/2013, đã có đến 2.079 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền nợ là hơn 1.500 tỷ đồng, làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của người lao động. Đặc biệt, đã có một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên Vinaxuki đã nợ đọng BHXH lên đến hơn 5 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 320 người lao động của công ty này; Công ty Cổ phần cầu 11 nợ hơn 13 tỷ đồng, tương ứng với 32 tháng nợ; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment: hơn 11 tỷ đồng, tương ứng với 48 tháng nợ. Công ty cổ phần sông Đà 8 nợ 11 tỷ đồng tương ứng với 40 tháng nợ... Những con số này đã cho thấy, xu hướng nợ đọng bảo hiểm ngày càng gia tăng cả về số đơn vị sử dụng lao động và cả tổng số nợ đọng.

Người lao động với nỗi lo nợ đọng bảo hiểm xã hội 1

Bảo hiểm xã hội sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Không riêng gì TP. Hà Nội, theo thống kê của BHXH Việt Nam, bước sang năm 2013, với tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến khó khăn, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH cũng sẽ có những diễn biến phức tạp trên khắp cả nước. Tại nhiều tỉnh, thành phố, danh sách doanh nghiệp “chúa chổm” về nợ bảo hiểm sẽ kéo dài dằng dặc.

Cần những chế tài đủ mạnh

Theo một số chuyên gia, tình trạng nợ đọng BHXH có 3 loại: Thứ nhất, do cơ chế của chúng ta về phạt chậm trả bảo hiểm thì mức phạt còn thấp so với mức vay ngân hàng, nên có doanh nghiệp có thể có điều kiện đóng BHXH cho người lao động, nhưng người ta tận dụng nguồn này đưa vào sản xuất kinh doanh và chịu phạt chậm nộp vì còn thấp hơn lãi vay ngân hàng. Loại thứ hai, có doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm vì khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên khó thực hiện được ngay đúng theo quy định của Luật BHXH đối với người lao động. Loại thứ ba, đó là có doanh nghiệp đã thu của người lao động, nhưng lại cố tình không đóng vì quyền lợi riêng của mình.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong 3 loại trên cần có hướng xử lý rõ ràng. Thứ nhất, đối với những đơn vị quá khó khăn thì cũng phải xem xét có giải pháp hỗ trợ để cho phép người ta chậm trả. Thứ hai là những doanh nghiệp có điều kiện nhưng vì so sánh lãi suất với việc chậm trả thì phải nâng mức phạt cao hơn hiện tại. Thứ ba, đối với

doanh nghiệp có điều kiện và thu của người lao động rồi mà không đóng thì phải phạt nghiêm. Về lâu dài, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị khi xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) và pháp luật liên quan cần điều chỉnh mức lãi chậm đóng theo hướng cao hơn lãi suất vay ngân hàng cùng kỳ; áp dụng mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; xử lý hình sự hành vi của cá nhân người sử dụng lao động cố tình trốn đóng BHXH hoặc đã trích tiền đóng của người lao động mà không đóng vào quỹ BHXH.

Người lao động với nỗi lo nợ đọng bảo hiểm xã hội 2Tình trạng nợ đọng BHXH ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động.          Ảnh: PV

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, BHXH dành cho người lao động có tính chất là phòng các rủi ro và đảm bảo lợi ích của người lao động đến khi người ta kết thúc cuộc đời lao động. Thực chất nó là những cái van bảo hiểm an sinh, nhưng nếu họ không được đảm bảo thì xét về bản chất, đó là một hình thức bóc lột người lao động.

Tình trạng nợ đọng, dây dưa kéo dài việc đóng BHXH đã và đang được các doanh nghiệp bào chữa bằng nhiều lý do nhưng rõ ràng quyền lợi chính đáng của người lao động đã và đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Hơn bao giờ hết, người lao động rất cần những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với hành vi chậm đóng hoặc cố tình chây ỳ, không đóng BHXH nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Tuấn Phong

Trao đổi về dự báo nguy cơ vỡ quỹ BHXH, Thứ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: Nói là vỡ quỹ thì không phải nó vỡ ngay ngày nay ngày mai, mà đây là cảnh báo phải 10 - 20 năm nữa. Trong trường hợp để vỡ quỹ thì phải xem xét nhiều vấn đề: chính sách đóng và hưởng như vậy đã hợp lý chưa; điều chỉnh lương hưu; ảnh hưởng từ nhân tố kinh tế vĩ mô; đầu tư quỹ như thế nào; trách nhiệm của Hội đồng quỹ. Ðặc biệt, quan trọng nhất là phải tiến tới minh bạch hóa thông tin. Ðó là yêu cầu rất thực tế, cần thiết. Càng minh bạch thông tin càng tốt, để có thể nắm bắt thông tin kịp thời, chứ đừng để khi vỡ lở thông tin thì việc xử lý đã quá muộn.

Ng. Vũ



Ý kiến của bạn