Người lao động tự do và nỗi lo khi Tết đến gần

21-01-2022 17:20 | Xã hội
google news

SKĐS - 7h sáng trong cái rét lạnh căm của Hà Nội những ngày giáp Tết, ông Mận (54 tuổi, Sóc Sơn) đang tỉ mẩn lát lại những viên gạch bị bong tróc ở vỉa hè đoạn đường Phạm Hùng. Làm nghề thợ xây gần 20 năm, chưa năm nào công việc của bác lại bị ảnh hưởng nhiều như năm nay.

"Muốn mua bộ áo mới cho cháu cũng khó"

"Mọi năm, tuy thu nhập không cao lắm nhưng được cái đều đặn, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công trình bị ngưng lại, gần 3 tháng giãn cách xã hội, rồi ở xóm có người nhiễm COVID lại cách ly diện rộng nên gần như nửa năm nay bác không có việc làm. Gần Tết có người cháu gần nhà giới thiệu cho công việc sửa sang lại văn phòng khuôn viên công ty mới làm được 4 ngày nhưng mai cũng đã xong việc", ông Mận nói.

Giọng trầm buồn ông kể, cả hai vợ chồng bác đều làm nghề tự do, vợ bán rau nhưng dịch bệnh chợ cũng bị cấm hoạt động nên nhiều tháng nay ở nhà. Gia đình đông người (4 người con và mẹ già 96 tuổi) nên phải tằn tiện lắm mới đủ trang trải cuộc sống, khi dịch bệnh ập đến có ít đồng tiết kiệm đã chi tiêu hết.

Hai đứa con lớn đã có gia đình nhưng hoàn cảnh cũng không khấm khá hơn là bao. Ngày mai hết việc chắc lại chơi đến cuối năm, Tết cận kề dự định mua cho các cháu nội ngoại bộ quần áo mới e cũng khó.

Người lao động tự do và nỗi lo khi Tết cận kề - Ảnh 1.

Đôi bàn tay chai sần, bác Mận tỉ mẩn lát lại những viên gạch bị bong tróc trên vỉa hè.

Ngồi nép mình bên hàng cây trên vỉa hè đoạn đường đối diện nghĩa trang Mai Dịch, chị Hà mặt buồn thiu. Quê chị ở Thái Bình, gia đình chỉ có hai mẹ con, khi con đậu đại học chị cũng theo con ra Hà Nội để mẹ con được gần nhau và cũng tìm thêm việc làm để có tiền cho con đi học, chứ ở quê trông chờ vào hơn sào ruộng thì không đủ.

Trước đây, chị làm phụ việc ở quán ăn, lương được hơn 6 triệu/tháng, tiền ăn được miễn nên chi tiêu tiết kiệm cũng đủ cho hai mẹ con. Nhưng từ tháng 7 do ảnh hưởng của dịch bệnh, quán ăn đóng cửa, chị cũng bị mất việc. Hai mẹ con định về quê nhưng về rồi cũng không biết làm gì đành bám trụ lại đây.

Công việc mới của chị là bán mũ bảo hiểm dạo. Hơn chục chiếc mũ bảo hiểm được chị xếp ngay ngắn bên lề đường, nhưng nửa ngày trời chưa một ai hỏi mua.

Chị cho biết, ngồi đây bán cũng rất lo công an đuổi, vừa rồi chị bị công an tịch thu cả hàng hóa, lời lãi, vốn liếng bao nhiêu mất sạch. Sợ quá chị nghỉ gần một tháng chuyển sang đi thu mua sắt vụn nhưng cũng không ăn thua, chị đành quay lại bán mũ.

"Thôi cố gắng, qua Tết tìm công việc mới. Năm nay Tết chắc chị không về quê, ở lại xem cuối năm có ai thuê dọn dẹp hay trông nhà những ngày Tết không, có thêm ít đồng ra năm nộp tiền học cho con"- chị Hà nói.

Người lao động tự do và nỗi lo khi Tết cận kề - Ảnh 2.

Chồng mũ bảo hiểm được chị Hà xếp ngay ngắn bên lề đường nhưng hơn nửa ngày chưa ai hỏi mua.

Ước mơ nho nhỏ

Ra khỏi nhà từ lúc 6 giờ sáng nhưng gần 8 giờ, ông Cường vẫn chưa nhận được chuyến xe nào. "Năm nay dịch bệnh kém lắm cháu ơi. Không biết qua 20 âm có khởi sắc hơn không", ông Cường than thở.

Nhiều tuổi không biết sử dụng công nghệ, chỉ đứng một chỗ ai gọi thì đi nên thu nhập của ông so với mọi người cũng kém hơn. Mọi năm, bình quân mỗi ngày thu nhập được 200-300 nghìn chưa trừ chi phí xăng xe, nhưng năm nay bị giảm đi gần một nửa. Vợ bác làm công nhân, công việc ổn định hơn nhưng lương thấp, lập gia đình muộn nên con mới hơn 10 tuổi, chi tiêu trong nhà cũng phải căn ke từng chút.

Tuy nhiên, thu nhập thấp hơn mọi năm nhưng bác Cường vẫn rất lạc quan. "Tiền ít thôi thì mua sắm ít đi. Nhà neo người nên cũng không cần sắm sửa gì nhiều. Tranh thủ vài ngày cuối năm chắc cũng đủ cái Tết. Mình khó khăn thật nhưng so với những người lao động ở quê ra chí ít bác không mất tiền nhà, như thế cũng đỡ hơn".

Người lao động tự do và nỗi lo khi Tết cận kề - Ảnh 3.

Năm nay dịch bệnh thu nhập bị giảm nhiều nhưng bác Cường vẫn rất lạc quan.

Ngày nào hai vợ chồng chị Đỗ Thị Hường cũng dậy từ sáng sớm, đèo nhau hơn 40 cây số từ Chương Mỹ ra Cầu Diễn bán sạp thịt lợn.

Chị Hường có 4 người con, đứa đầu 20 tuổi nhưng đứa út mới gần 3 tuổi. Trước đây chị đi chợ, anh ở nhà trông con, nhưng năm nay đứa út lớn hơn để ở nhà cho 2 chị gái đang học tiểu học trông.

Anh chị làm đi từ sáng sớm, 3 đứa con nhỏ ở nhà tự gọi nhau dậy, ăn sáng xong, rồi vừa trông em vừa học online. Nhiều hôm ngủ quên bỏ cả giờ học. Hai đứa nhỏ không có người lớn kèm cặp, lại phải trông em nên học online chỉ điểm danh cho có chứ không tiếp thu được gì.

"Cũng muốn để anh ở nhà trông con nhưng đi làm sớm lại đi quãng đường xa có hôm gió thổi mạnh đổ cả người lẫn xe, sáng sớm ít người qua lại, loay hoay mãi mới dựng được xe lên. Hay những hôm xe thủng săm phải dắt bộ hàng km mới có tiệm sửa xe… nhiều lần như vậy sợ quá, chị phải đưa cả anh đi".

Người lao động tự do và nỗi lo khi Tết cận kề - Ảnh 4.

Chị Hường bắt đầu ngày làm việc mới từ tờ mờ sáng.

Giọng buồn chị kể, trước đây chị bán hoa quả nhưng lời lãi không được bao chị chuyển sang bán thịt, nhưng mới đi bán được 2 tháng chưa kịp quen khách thì nghỉ dịch 3 tháng. Vừa đi bán hàng lại nên khách cũng chưa có nhiều lại thêm dịch bệnh người mua cũng rất ít.

Làm lụng vất vả nhiều năm mới dồn được ít vốn định cuối năm nay anh được tuổi, vay mượn thêm xây lại căn nhà cấp 4 cho kiên cố để có chỗ tránh mưa nắng. Nhưng đứa con gái đầu của chị buôn bán thua lỗ, anh chị phải phụ con trả nợ, rồi cuối năm lại xây cất mộ tổ tiên, coi như hết số tiền tiết kiệm.

Mơ ước có ngôi nhà kiên cố chưa biết khi nào mới thực hiện được. "Hơn chục ngày nữa là hết năm nhưng chưa biết lấy đâu tiền sắm Tết", chị Hường thở dài.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn