Người lao động phải biết tự bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT của mình

26-04-2019 07:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Chính sách BHXH, BHYT với phạm vi phủ sóng toàn dân đang ngày càng trở thành vấn đề thiết thân với mỗi người, mỗi nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động, vẫn còn có doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT cho người lao động khiến không ít lao động gặp khó khăn khi cần giải quyết các chế độ: thất nghiệp, nghỉ việc, ốm đau, thai sản...

Vẫn còn doanh nghiệp không đóng BHXH, BHYT đầy đủ cho người lao động

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, hoạt động tư vấn pháp luật về các chế độ, chính sách như: tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được các cấp công đoàn duy trì thường xuyên dưới nhiều hình thức khác nhau. Tính đến đầu năm 2019, hệ thống công đoàn đã thành lập 81 trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật. Hiện nay, cả nước đã có 60/63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, 17/20 Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn tổng công ty thành lập trung tâm, văn phòng hoặc tổ tư vấn pháp luật.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, hoạt động tư vấn pháp luật được các cấp công đoàn duy trì thường xuyên dưới nhiều hình thức như: Tư vấn bằng văn bản, trực tiếp, qua điện thoại, hòm thư điện tử... Nội dung chủ yếu tập trung vào các chế độ, chính sách như: tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, các chế độ BHXH, BHYT, BHTN

Người lao động phải biết tự bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT của mìnhTham gia BHXH, BHYT để đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động.

Riêng giai đoạn 2015-2018, hệ thống các trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật của hệ thống công đoàn đã thực hiện gần 140.000 vụ tư vấn pháp luật cho hơn 503.000 lượt người, trong đó, tư vấn trong lĩnh vực lao động, công đoàn, BHXH, BHYT, BHTN là 134.811 vụ (chiếm 97%) cho gần 490.000 lượt người (chiếm 96,99%). Bên cạnh đó, công đoàn đã hỗ trợ, tham gia tố tụng gần 700 vụ án, giúp hơn 3.100 người lao động được quay trở lại làm việc với số tiền bồi thường hơn 65 tỷ đồng; truy đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 67.692 người lao động, chi trả trợ cấp thôi việc cho hơn 3.500 người lao động.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bên cạnh các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quyền lợi đối với người lao động, vẫn còn một số doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ việc đóng BHXH, BHYT cho người lao động... Thế nhưng, người lao động, một mặt do sức ép việc làm, một mặt do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách cho nên chưa chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình cho biết, trong thực tế triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, hiện còn nhiều trường hợp doanh nghiệp cố tình lách luật, không ký hợp đồng lao động cho người lao động để trốn đóng BHXH, BHYT hoặc ký hợp đồng vụ việc để trì hoãn việc tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, làm ảnh hưởng tới việc thụ hưởng các chính sách an sinh của người lao động.

Ảnh hưởng nhiều quyền lợi

Có thể thấy, về khía cạnh pháp lý, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHYT, BHXH, BHTN đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước cũng như ảnh hưởng quyền lợi về các chế độ hưởng trợ cấp bảo hiểm của người lao động. Bởi khi mà cơ quan bảo hiểm không thu được các khoản tiền về BHYT, BHXH, BHTN thì người lao động rất thiệt thòi, không được hưởng các chế độ như chế độ hưởng thai sản, tử tuất, trợ cấp mất việc làm.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, chính sách BHXH, BHYT ngày càng đóng vai trò quan trọng bảo đảm an sinh xã hội bền vững, bảo đảm quyền lợi của người lao động trong điều kiện gặp rủi ro lao động hoặc ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí... Những chính sách bảo hiểm này cần được tiếp tục nâng cao, nhất là đối với những người lao động chưa ý thức được rằng BHXH, BHYT là một phần quan trọng mà họ cần quan tâm.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, nông thôn của chúng ta đang ngày càng thu hẹp, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp mà không tham gia BHXH, BHYT thì khi nghỉ việc có thể trắng tay. Thực tế, nhiều công nhân còn thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để không phải nộp bảo hiểm. Người lao động cần ý thức được việc đóng bảo hiểm chính là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, các chủ sử dụng lao động cần phải thực hiện và thể hiện trách nhiệm xã hội, tuân thủ pháp luật, nhất là vấn đề bảo hiểm đối với người lao động, bởi khi thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về bảo hiểm, người lao động sẽ yên tâm làm việc.


Mai Anh
Ý kiến của bạn