Theo các chuyên gia, việc tham gia BHXH mang lại những lợi ích to lớn cho người lao động dù là loại hình BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện.
Theo ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), chính sách BHXH hiện đang được thực hiện với 2 loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Theo đó, BHXH bắt buộc được áp dụng đối với người lao động có quan hệ lao động (làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên); về cơ bản được thực hiện với 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất; trách nhiệm đóng góp được quy định thuộc về cả người lao động và người sử dụng lao động.
Tham gia BHXH mang lại nhiều lợi ích cho người lao động.
Ngoài ra, chế độ hưu trí trong chính sách BHXH đang được thiết kế rất có lợi cho người lao động với mức hưởng đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp.
“Giả sử 1 lao động nữ tham gia BHXH trong 20 năm với mức đóng là 22% tiền lương tháng thì mức hưởng là 55% tiền lương bình quân với thời gian hưởng dựa trên tuổi thọ trung bình của nữ ở độ tuổi 55 là 24,6 năm. Như vậy, rõ ràng mức hưởng đang cao hơn gấp nhiều lần so với mức đóng, trong khi thời gian hưởng dài hơn so với thời gian đóng góp. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được hưởng chính sách BHYT do Quỹ BHXH bảo đảm; khi qua đời, thân nhân được hưởng chế độ mai táng và trợ cấp tuất. Như vậy, việc tham gia BHXH là hoàn toàn có lợi đối với người lao động”, ông Nam phân tích.
Đối với BHXH tự nguyện, ông Nam cũng cho biết, hình thức BHXH này được áp dụng đối với những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; hiện đang được thực hiện với 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Do không có quan hệ lao động theo hợp đồng nên trách nhiệm đóng góp thuộc về người lao động.
Ngoài các quyền lợi về lương hưu hằng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia của người lao động, mức lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của Quỹ BHXH từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng. Cụ thể, với 3 mức hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại. Và căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp.
Đối với lao động nam nghỉ hưu trong năm 2020, để đạt được tỷ lệ lương hưu là 45% thì họ phải có18 năm đóng BHXH, đây cũng là theo lộ trình. Hiện nay, chỉ cần 17 năm đóng BHXH thì đã đạt tỷ lệ 45%, tuy nhiên, sang năm sau, họ phải có thêm 1 năm nữa thì mới có thể đạt được tỷ lệ 45%, tương đương 18 năm đóng BHXH.
Một nội dung nữa là những người bắt đầu tham gia BHXH thuộc chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vào năm 2020 cho đến năm 2024, sau này khi đủ điều kiện tính hưởng chế độ thì cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của họ sẽ là tính bình quân tiền lương của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Đối với các đối tượng thực hiện chế độ tiền lương theo Nhà nước quy định đã có lộ trình, nếu tham gia trước năm 1995 thì họ sẽ chỉ cần 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu và những trường hợp tham gia đóng từ 2020 - 2024 thì sẽ tính bình quân của 20 năm cuối.