Mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động trên mọi lĩnh vực, được tham gia Bảo hiểm y tế và có chế độ tử tuất nếu điều không may xảy đến - với nhiều quyền lợi như thế, nhưng gần 10 năm thực hiện, số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện vẫn còn rất thấp. Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao người lao động chưa mặn mà với BHXH tự nguyện và giải pháp nào để thu hút lực lượng lao động phi chính thức vào hệ thống BHXH?
Với công việc hàng ngày, trung bình mỗi tháng không ít người lao động thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Cũng mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện để sau này về già có chế độ lương hưu nhưng vì chưa biết những quyền lợi và tính ưu việt của việc tham gia loại hình bảo hiểm này nên nhiều lao động tự do vẫn chưa mặn mà với chính sách này. Kinh tế khó khăn hay chưa hiểu biết về BHXH tự nguyện... là những lý do mà nhiều lao động chưa tiếp cận với BHXH tự nguyện.
Đến hết năm 2016, sau 9 năm triển khai, mới có khoảng 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện - đây là con số quá thấp so với kỳ vọng và mục tiêu. Bởi trên thực tế, còn gần 40 triệu lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động giúp việc gia đình, nông dân, ngư dân... thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhưng lại chưa đăng ký tham gia. Theo Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, chính sách này rất khó khăn khi tiếp cận các đối tượng tham gia tự nguyện khi mà đại bộ phận họ là lao động thuộc khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động và tính chất về tiền lương và mức thu nhập là không ổn định cho nên việc phát triển các đối tượng này tham gia BHXH thời gian qua còn rất nhiều hạn chế.
Thực tế BHXH tự nguyện hiện nay chúng ta mới đạt có 205.000 người tham gia vào chính sách bảo hiểm tự nguyện. Rõ ràng là không thể đạt được mục tiêu 50% lao động tham gia chính sách BHXH vào năm 2020. Vì thế, hiện nay, Nhà nước đã có chính sách đến 1/1/2018 sẽ hỗ trợ 30% cho hộ nghèo tham gia BHXH và 20% trên tổng số tiền tham gia BHXH cho hộ cận nghèo và 10% cho các hộ khác.
Gần 10 năm để chính sách đi vào cuộc sống với nhiều lợi ích thiết thực cho người lao động, nhưng tại sao rất nhiều người lao động chưa tin, chưa hiểu rõ về chính sách này, đây có lẽ sẽ là bài toán mà các cơ quan chức năng, ngành BHXH phải tìm lời giải để có thể đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.