Năm còn là chàng thanh niên 18 tuổi, ông Hữu Ngọc mơ ước được dạy học ở miền núi, lấy một cô gái sơn cước làm vợ, sống cuộc đời giản dị. Nhưng cuộc đời lại không cho ông thực hiện ý nguyện ấy. Ông đã đi rất nhiều nơi, gặp gỡ rất nhiều người, trở thành người làm văn hóa. Ông bảo: Cuộc đời ông là một chuỗi những sự ngẫu nhiên.
Ảnh: Trần Minh
- Trở thành một nhà văn hóa nổi tiếng như ông với một kho kiến thức phong phú mà nhiều người ngưỡng mộ, không lẽ cũng là ngẫu nhiên?
- Đúng thế, tôi thi Thành chung điểm khá cao nhưng vì người nhỏ bé quá, chỉ 36kg mà bị đánh trượt nên phải học Tú tài ngành Triết học, nhưng rồi những sự ngẫu nhiên khác lại đưa đẩy tôi tới làm văn hóa.
- Vậy là mỗi người có một số phận đã được qui định?
- Tôi không tin vào số phận, vào tướng số tử vi mà tin vào cái ngẫu nhiên, nhưng là sự ngẫu nhiên khoa học. Với tôi, 70% cuộc đời là do ngẫu nhiên. Nhiều người không đồng ý quan điểm này, cho rằng tôi duy tâm. Nhưng như tôi đã nói, tôi tin ngẫu nhiên khoa học, không những cuộc đời tôi mà tất cả mọi người đều thế. Không chỉ 70% mà có khi là 100%. Chẳng hạn, tại sao cô không là đàn ông mà là đàn bà? Tại sao cô là người Việt Nam mà không phải người Mỹ?...
- Nếu vậy thì sự ngẫu nhiên khoa học này không chỉ đúng với số phận một con người, mà số phận một dân tộc cũng thế?
- Rất đúng. Ông Hồ sau 30 năm bôn tẩu về ở hang Pắc Bó bị một trận ốm kịch liệt, nếu không được bà lang người Mường chữa khỏi thì cuộc Cách mạng Tháng Tám liệu có thành công để mang lại nền độc lập cho đất nước. Số phận một con người, một dân tộc hay toàn thế giới đều là cái ngẫu nhiên thôi.
- Danh xưng Nhà văn hóa Hữu Ngọc của ông thì sao?
- Danh xưng đó cũng đến với tôi một cách ngẫu nhiên. Vào quãng năm 1970, người gọi đầu tiên có lẽ là hai ông nhà văn: Trần Lê Văn và Nguyễn Đức Hiền, rồi tự nhiên thành quen với mọi người. Danh từ Nhà văn hóa không dịch được. Tiếng Anh và tiếng Pháp dịch là người có nhiều văn hóa. Nhưng khái niệm Nhà văn hóa của Việt Nam lại khác hẳn. Theo quan niệm của phương Đông phải có hai điều kiện: hiểu biết nhiều về văn hóa và trong cuộc sống cư xử có văn hóa. Nếu xét điều kiện như thế thì mình cũng chưa xứng đáng vì vốn văn hóa đã là bao.
Nói đến đây, ông trầm ngâm rồi rót trà mời khách. Chén trà nóng ngát hương sen đưa ông trở lại một thời...
- Tôi học trường Bưởi ra, học Tú tài Triết học, rồi lại học Luật. Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra, tôi đi dạy học tư. Thế rồi có anh bạn kéo đi dạy ở Vinh và Huế. Đến Cách mạng Tháng Tám, phái đoàn của ta vào Huế tước kiếm của Bảo Đại, ông Huy Cận gặp tôi bảo ở ngoài Bắc đang cần người biết tiếng Pháp và tiếng Anh để tiếp phái đoàn đồng minh, thế là tôi trở ra Hà Nội. Sau đó lại có người bạn rủ xuống Nam Định dạy học, rồi bắt đầu làm văn hóa đối ngoại ở đó. Tôi được bầu là Chủ tịch Hội Văn hóa kháng chiến Nam Định. Lúc này cần có một tờ báo địch vận bằng tiếng Pháp, mặc dù chưa làm báo bao giờ, nhưng tôi nhận làm Tổng biên tập tờ L’Étincelle (Tia sáng - 1946).
- Dường như bắt đầu từ đây là duyên nghiệp báo chí với ông?
- Cũng là ngẫu nhiên thôi. Sau Chiến dịch Biên giới, tôi lên Việt Bắc làm công tác địch vận với nhiệm vụ Trưởng ban Giáo dục tù hàng binh Âu - Phi. Khi những người lính Âu - Phi giác ngộ thì đưa họ về bốt của Pháp đóng để thả họ về nước. Vấn đề thả tù binh trong chiến tranh là một dấu ấn của Ông Hồ vì lúc này thả tù binh khỏe mạnh ra là như chơi với lửa, có thể bọn họ sẽ quay lại đánh ta. Nhưng ý của Ông Hồ là, mình cảm hóa được họ thì sẽ biến họ thành bạn mình. Chính sách của Ông Hồ là tin vào con người và cuối cùng lòng tin đã chiến thắng.
- Thưa ông, tính đến thời điểm này, khi 96 tuổi (sinh năm 1918), ông đã làm chủ bút bao nhiêu tờ báo?
- Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Thông tin ra tờ báo đầu tiên: Việt Nam dân chủ (Triết gia Trần Đức Thảo làm Tổng biên tập, tôi là Thư ký tòa soạn), nhưng tờ báo chỉ ra được 1 số rồi đóng cửa. Sau đó, tôi về Bộ Văn hóa làm Tổng biên tập tờ Le Vietnam en marche (Việt Nam tiến bước bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, từ 1957 - 1963). Mục đích của tờ này là để vận động Pháp thi hành Hiệp nghị Giơnevơ. Khi ông Nguyễn Khắc Viện ở Pháp về phụ trách vấn đề đối ngoại, ông tập hợp các cơ quan làm đối ngoại lại, chia thành 2 mảng: tin tức và nghiên cứu. Ông Viện về hưu thì tôi tiếp tục làm Tổng biên tập tờ Nghiên cứu Việt Nam.
- Được biết chuyện làm báo của ông có thời bị mang ra đấu tố?
- Năm 1963 bắt đầu có chủ nghĩa xét lại, tôi bị coi là xét lại, phải đi học Trường Nguyễn Ái Quốc 6 tháng để “ăn năn tội lỗi”. Những lý do tôi bị đấu tố là: Chỉ đi các nước Đông Âu mà không đi các nước phe ta. Trong tờ Việt Nam tiến bước có mục Hãy gặp gỡ, trong đó có bài viết về một vị sư Việt minh. Họ bảo muốn thuyết phục người nước ngoài thì phải đưa những người bình thường, đưa vị sư này thì không có tính thuyết phục. Hay có một bài báo ca ngợi anh diễn viên xiếc dạy hổ, họ đấu tố bảo là ám chỉ Mao Trạch Đông vì ông Mao từng nói đế quốc là con hổ giấy. Họ cho tôi là lập trường bấp bênh, hổ dữ như thế mà nói là thuần được, nghĩa là cho rằng giai cấp tư sản thay đổi được à? Đận đó tôi mất chức Tổng biên tập, về làm biên tập cho tờ Báo ảnh Việt Nam.
- Người ta xếp ông là chuyên gia số 1 về văn hóa đối ngoại khi ông đã công bố hàng ngàn bài báo, hàng chục tập sách bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt về văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây.
- Thì cũng nhân việc làm báo mà tôi cộng tác với một số tờ báo. Một lần đi đường tình cờ gặp ông Tổng biên tập tờ Vietnam New, ông bảo cần những bài viết về văn hóa Việt Nam, thế là cộng tác suốt 13 năm nay. Sau đó được NXB Thế giới tập hợp in thành cuốn Wandering through Vietnamese Culture (Lang thang với văn hóa Việt Nam). Rồi trong một bữa ăn ở nhà ông Trần Lê Văn, tình cờ gặp nhà thơ Vân Long, thế là lại thành mối duyên với báo Sức khỏe&Đời sống 16 năm qua trong mục Sổ tay văn hóa. 90% số bài in trên báo đã được tập hợp lại trong cuốn Lãng du trong văn hóa Việt, đã tái bản cả tiếng Việt và tiếng Pháp.
- Bây giờ thì những người yêu mến và quí trọng tài năng gọi ông bằng nhiều cái tên: Người nối nhịp cầu văn hóa Việt Nam với thế giới; Nhà xuất nhập khẩu văn hóa; Cây trầm già... Ông thích được gọi là gì?
- Điều tôi thích nhất và cũng phản ánh đúng công việc suốt đời của tôi là giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và đưa văn hóa nước ngoài vào Việt Nam, nói một cách văn vẻ là xuất nhập khẩu văn hóa.
- Trong quá trình xuất khẩu văn hóa, ông thường giới thiệu điều gì với độc giả nước ngoài?
- Tôi muốn làm cho người nước ngoài hiểu Việt Nam có nền văn hóa độc lập. 90% người nước ngoài đều cho rằng văn hóa Việt Nam là văn hóa Trung Quốc, tôi là phải làm rõ vấn đề này. Cũng từ đây lại phải cho họ thấy thành phần thứ hai trong văn hóa Việt Nam là văn hóa phương Tây qua 80 năm Pháp đô hộ. Rồi sau chiến tranh, trong phong trào toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam nằm trong văn hóa toàn cầu. Điều mà tôi có ý thức nhấn mạnh là sự tiếp biến văn hóa, nhưng văn hóa dân tộc vẫn là cái gốc.
- Còn nhập khẩu văn hóa, ông nhập giá trị nào?
- Nhập khẩu phải dựa vào cái tiếp biến của văn hóa chứ không phải cái gì cũng nhập.
- Chắc ông có nhiều kỷ niệm khi làm xuất nhập khẩu văn hóa?
- Nhiều lắm, vui và cảm động. Có một bà người Việt lai Pháp, 15 tuổi mới về Pháp, hiện sống ở Đức cùng chồng. Sau hàng chục năm xa Việt Nam, muốn tìm lại những tình cảm thời ấu thơ. Người ta giới thiệu cho bà cuốn Tìm hiểu văn hóa Việt Nam của tôi. Bà tìm ở Pháp, ở Đức không có và đã sang Việt Nam để mua cuốn sách ấy. Về nước, bà viết thư cho tôi nói hàng ngày vẫn đọc cuốn sách này và đang dành tiền để trở lại Việt Nam. Hay có ông giáo sư Trường đại học Princeton vài năm lại đưa sinh viên Mỹ sang Việt Nam. Trở về, họ đều có chung nhận xét: Ấn tượng khi đến Việt Nam là vẻ đẹp Vịnh Hạ Long, sự hấp dẫn của Cố đô Huế và bài nói chuyện của ông Hữu Ngọc...
Nhà văn hóa Hữu Ngọc thường tự tay thiết kế thiệp chúc mừng năm mới tặng bạn bè. Ảnh: Tố Lan
- Nghe nói ông được nhiều phụ nữ ngỏ lời xin... hôn?
- Phụ nữ Mỹ, phụ nữ Pháp, phụ nữ Việt... sau khi nghe tôi nói chuyện, nhiều bà xin được hôn làm kỷ niệm.
- Ông là người có nhiều đóng góp trong việc giới thiệu những cái đẹp của văn hóa, có điều là trong xã hội ngày nay, nhiều giá trị văn hóa không còn được nguyên vẹn. Ông có buồn về điều đó không?
- Văn hóa thế giới bây giờ chia ra hai loại: nền văn hóa đề cao cá nhân (châu Âu và Bắc Mỹ) và nền văn hóa đề cao tính cộng đồng (Đông Á). Chúng ta thuộc loại thứ hai. Nhưng thế giới bây giờ đang theo phương Tây, đề cao cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ và triết lý duy vật tầm thường. Việt Nam cũng đi theo hướng đó. Nhưng nếu theo con đường toàn cầu hóa mà không nhân hóa thì cuộc sống sẽ vô vị. Vì vậy phải phát triển kinh tế mà không phá hoại bản sắc văn hóa, tức là phải làm một cuộc “cưới xin” giữa chủ nghĩa cá nhân của phương Tây với chủ nghĩa cộng đồng của phương Đông. Đây là một cuộc hôn phối rất khó.
- Năm Giáp Ngọ, ông mong ước điều gì?
- Tôi tuổi Ngọ đấy. Cũng như mọi người, tôi mong cuộc sống gia đình, xã hội an lành. Nguyện vọng cao nhất là qua đời không đau đớn.
- Những trí thức cao tuổi mà còn minh mẫn như ông bây giờ rất hiếm. Ông có bí quyết gì trong việc giữ gìn sức khỏe không?
- Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất là gen. Hàng ngày tôi vẫn tập thể dục, đi bộ, không có dục vọng gì cao xa, giữ thanh thản trong tâm hồn. Điều tôi tiếc nhất bây giờ là không được ra nước ngoài vì gia đình lo sức khỏe. 5 năm nay tôi là tù binh của gia đình.
- Trong cuộc đời ông ghét nhất điều gì?
- Tôi ghét những cái cầu kỳ và hình thức. Đây cũng là điều không hay với thế giới mới, nhưng có lẽ tôi là một thứ nhà nho ưa sự giản dị, đơn giản và tình cảm.
Có nhẽ thế chăng mà ông chẳng bao giờ tổ chức sinh nhật mình. Duy nhất trong đời, năm ông tròn 90 tuổi, bà Lady Borton tình cờ biết đã báo bạn bè tới mừng sinh nhật ông. Chàng trai Hữu Ngọc vì gầy gò không thực hiện được nguyện vọng của mình ngẫu nhiên trở thành nhà văn hóa được thế giới biết đến khi vạm vỡ nhất cũng chỉ 52kg. Nhưng khối lượng tri thức mà ông cõng trên lưng để đến với nhiều “thị trường”, giới thiệu với nhiều “khách hàng” và nhập khẩu nhiều “sản phẩm” về Việt Nam là con số khổng lồ, gấp hàng trăm lần trọng lượng của ông. Cho đến giờ, ông vẫn sống thanh thản, giản dị, coi mọi thứ là vô thường.
Tố Lan