Người làm thẻ ATM cho băng lừa đảo khóc như mưa khi bị bắt

24-08-2014 14:09 | Thời sự

Bất ngờ bị bắt vì đã thuê người làm hàng loạt thẻ ATM cung cấp cho băng nhóm giả cảnh sát lừa đảo, để nhận 10 triệu đồng, Hiếu khóc suốt.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP HCM hôm 23/8 đã bắt Bùi Văn Hiếu (27 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) và khám xét nhà nghi can ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Hiếu được cho là cung cấp hàng loạt thẻ ATM cho băng nhóm giả cảnh sát lừa đảo qua điện thoại trong thời gian qua.

Cùng ngày, cảnh sát cũng triệu tập Chi (18 tuổi), Nguyễn Minh Đức (25 tuổi), Lê Thị Manh (21 tuổi), Trương Văn Nhị (21 tuồi, ngụ Tiền Giang) cùng 3 người khác để làm rõ việc cung cấp thẻ ATM cho Hiếu.

Cảnh sát đọc lệnh bắt Hiếu. Ảnh: C.A

Theo điều tra, ngày 16/4, anh Thắng (44 tuổi) nhà ở quận Tân Phú nhận được điện thoại của người tự giới thiệu là nhân viên tổng đài, thông báo anh nợ cước gần 9 triệu đồng vì có liên quan đến một công ty tại Hà Nội. Khẳng định không dính dáng gì đến công ty kia này, anh Thắng được người này cho hay sự việc đã được chuyển qua Công an Hà Nội điều tra.

Để “con mồi” tin tưởng, chúng giả số điện thoại của Công an Hà Nội gọi cho anh Thắng hăm doạ rằng liên quan đến nhóm rửa tiền mà cảnh sát đang điều tra. Chúng yêu cầu anh chuyển tiền trong ngân hàng để các cơ quan chức năng xác minh rồi sẽ trả lại sau.

Xác minh số điện thoại gọi đến đúng là số của Công an Hà Nội, giọng điệu và lý lẽ của người nhận là lãnh đạo cơ quan điều tra rất chắc chắn... anh Thắng tưởng thật nên ra ngân hàng chuyển 600 triệu đồng vào tài khoản mang tên Huỳnh Thị Chi tại ngân hàng Sacombank, theo yêu cầu. Tuy nhiên, đợi mãi không thấy tiền được chuyển lại, biết bị lừa, anh này vội trình báo cảnh sát.

Vào cuộc điều tra, Công an TP HCM phát hiện số tiền trong tài khoản của Chi đã nhanh chóng chuyển qua 6 tài khoản khác và được rút ra qua trụ ATM. Còn Hiếu được xác định là kẻ đã cung cấp hàng loạt thẻ ATM cho Nguyễn Thanh Long (đã bị bắt trước đó) và các nhóm lừa đảo người nước ngoài để lấy gần 10 triệu đồng.

Thời gian qua hàng loạt nghi can nước ngoài và các chân rết lừa đảo bằng hình thức giả các cơ quan công quyền để gọi điện thoại hăm doạ, chiếm đoạt tiền đã bị bắt. Tuy nhiên, theo Công an TP HCM, trên thực tế còn nhiều băng nhóm vẫn sử dụng hình thức này để lừa gạt người dân nên mọi người cần đề cao cảnh giác. "Nếu là công an thật, khi làm việc với ai sẽ phải có giấy triệu tập, chứ không bao giờ nói chuyện qua điện thoại”, một cán bộ điều tra cho hay.

 


Ý kiến của bạn