Người lái ca-nô ở đảo Cô Tô

11-11-2019 15:54 | Y tế
google news

SKĐS - Có một cái gì đó na ná khi bạn đọc cái title bài này bởi cái tứ viết quen quen như kiểu “Người lái đò sông Đà”, gần đúng như vậy, nhưng cái tôi viết ở đây không phải là văn học vì văn học có sử dụng các biện pháp nghệ thuật, tác giả có thể thoải mái xây dựng hình tượng nhân vật theo ý mình.

Nhưng báo chí thì khác, phải khách quan, chân thực, phải đi ra từ cuộc sống rất đời, rất người và câu chuyện về người đàn ông mà tôi sắp viết dưới đây là hai lần tôi đã được trải nghiệm cùng anh.

Bạn bè ngạc nhiên khi biết tôi có ý định viết về anh cho cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng”, bởi họ cho rằng đó là cuộc thi viết về các cán bộ nhân viên y tế, anh ấy không phải.

Đúng rồi, anh ấy không phải là bác sĩ, cũng chẳng phải điều dưỡng, cũng chưa một lần khoác áo blouse. Anh ấy chỉ là người vận chuyển bệnh nhân cấp cứu của trung tâm vào đất liền nhưng anh ấy là một phần không thể thiếu góp công lớn vào sự sống của nhiều bệnh nhân “thập tử nhất sinh” - anh là Lê Văn Long.

“Thủ lĩnh thép” vượt sóng đại dương cứu bệnh nhân

Vốn là người con của đất biển nên anh Long đã có thời gian dài làm ngư dân trước khi lái ca-nô chở bệnh nhân từ Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô vào đất liền để rồi anh đã “bén duyên” với nghề có một không hai ấy từ năm 1994 cho đến nay.

Cái nghề vận chuyển bệnh nhân cấp cứu ở đất liền đã là khó khăn và yêu cầu công việc cao thì ở biển giữa mênh mông sóng gió thiên tai chẳng biết ập đến lúc nào. 25 năm lênh đênh trên biển đưa những bệnh nhân cấp cứu vào đất liền, anh Long không thể nhớ rõ mình đã vận chuyển bao nhiêu ca bệnh và góp phần cứu sống bao nhiêu người, thế nhưng có những ca bệnh đặc biệt mà sự sống của tất cả mọi người từ anh đến các y, bác sĩ cũng mong manh như ngọn đèn trước gió thì lại là những ký ức đẹp anh luôn nhớ, nhớ để đắp bồi thêm kinh nghiệm, nhớ để có động lực làm việc tốt hơn mỗi ngày.

Anh Long kể cho chúng tôi nghe về một ca cấp cứu vào tháng 5/2015, đây là một bệnh nhân bị chấn thương nặng, phải chuyển vào Vân Đồn ngay trong đêm. Do có kinh nghiệm từ các ca vận chuyện bệnh nhân trước đó, nên ca-nô của anh Long lúc nào cũng sẵn sàng trực chiến để lên đường, nhiên liệu để chạy ca-nô cũng luôn được anh Long chuẩn bị đầy đủ, thậm chí còn để dư đề phòng những chuyến không may gặp sự cố mà phải mất nhiều thời gian hơn, trước khi ca-nô cập bến.

Chuyến đi hôm đó trời yên biển lặng, tưởng chừng suôn sẻ với sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ của anh, nhưng khi đi được 15 phút thì giông bão bất ngờ ập đến, gió giật mạnh, sấm chớp sáng lóe, mưa rát mặt. Bên trong ca-nô có y tá, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, người khóc, người hét vì run sợ... Còn ca-nô lúc đó chỉ có tiến, chứ không thể lùi.

Với bản lĩnh vững vàng của một ngư dân vùng biển được ví như một thủ lĩnh thép trên chuyến ca-nô hôm đó, anh Long đã quát lớn: “Tất cả ngồi yên tại chỗ, không ai được nhốn nháo, nếu muốn vào đất liền an toàn thì phải để yên cho tôi lái”. Anh kể rằng, lúc đó phải quát như vậy mới trấn an được tinh thần của mọi người, vì mình ngồi đằng trước ca-nô, sóng mạnh, gió lớn, mưa to như nào mình biết hết. Mình cũng chẳng biết rồi sẽ đi đâu nhưng nếu bỏ cuộc thì tất cả sinh mạng trên ca-nô này đều vĩnh viễn không còn. Có những lúc, anh thả trôi ca-nô và đánh lái hướng ca-nô theo kinh nghiệm lái tàu đánh cá trước đây. Bình thường mỗi chuyến từ đảo vào đất liền mất khoảng 1 giờ đồng hồ thì chuyến hôm đó anh Long phải lái mất hơn 3 giờ đồng hồ để chống chọi lại sóng gió của đại dương.

Vào tới đất liền, mọi người trên ca-nô mới biết mình còn sống và họ đã khóc, khóc vì sung sướng. “Chú ơi, về đến đây rồi mới biết mình còn sống thực sự” - một y tá trong chuyến đi định mệnh đó chia sẻ.

Và điều may mắn hơn nữa, bệnh nhân trên chuyến ca-nô đó cũng đã được các bác sĩ kịp thời cứu sống.

“Nhắc tới chuyến đi này, tôi vẫn bàng hoàng và luôn cảm  thấy mình may mắn, vì đêm hôm đó, cách chúng tôi không xa, một tàu đánh cá có 7 người thì 6 người thiệt mạng do thuyền bị đắm”, anh Long chia sẻ.

BS. Bùi Thị Thuy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô, trước đây, bệnh nhân bị viêm ruột thừa, chửa ngoài tử cung... đều phải chuyển vào đất liền, nhưng những năm gần đây, chuyên môn của các y bác sĩ nơi đây đã và đang được nâng cao nên số lượng bệnh nhân chuyển vào đất liền ít hơn, chủ yếu chỉ là khách du lịch bị tai nạn hoặc các trường hợp vượt ngoài khả năng điều trị của Trung tâm. Những lúc như vậy, anh Long lại cùng chiếc ca-nô cấp cứu vượt biển đưa người bệnh vào đất liền kịp thời. Anh làm việc rất có trách nhiệm và chu đáo, tạo được sự yên tâm và niềm tin tưởng của người bệnh, của người nhà bệnh và của các y, bác sĩ sau mỗi chuyến vượt trùng khơi.

Anh Lê Văn Long đã góp công lớn trong việc cấp cứu nhiều bệnh nhân “thập tử nhất sinh”.                  Ảnh: T.H

Anh Lê Văn Long đã góp công lớn trong việc cấp cứu nhiều bệnh nhân “thập tử nhất sinh”.                  Ảnh: T.H

Còn BS. Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng không thể giấu được sự khâm phục của mình với anh Long khi ông cũng đã vài lần “thót tim” trong những lần đi hỗ trợ tuyến dưới lênh đênh trên chiếc ca-nô của anh Long để rồi càng trân trọng hơn người mà ông vẫn thường gọi là đồng nghiệp trong cuộc chiến cứu người cùng ông.

“Ngồi trong ca-nô giữa đêm đông gió rét, cảm nhận từng con sóng đánh ầm ầm vào mạn, ca-nô dập dềnh lên xuống như bay trên không trung, vị mặn của nước biển đọng đầy trên miệng, ngoài trời và trong ca-nô tối đen như mực, sương mù dày đặc, thậm chí những người ngồi trong ca-nô cũng không thể nhìn rõ mặt nhau, vậy mà chiếc ca-nô bé nhỏ (chỉ chở được 6-7 người) cùng anh Long - người “anh hùng” của biển cả vẫn cứ lao vun vút trên mặt biển, để đưa chúng tôi cập bến an toàn. Gần10 năm làm việc với anh, tôi nhận thấy anh có đầy đủ kỹ thuật của một nhân viên y tế cũng như của một ngư dân dũng cảm. Chính vì vậy, những chuyến bắt buộc phải đi trong đêm sóng gió cũng đã trở thành quen với chúng tôi vì sự nhiệt tình, can đảm và chân thành của anh dành cho mọi người”, BS. Hùng nói.

BS. Hùng nhớ lại, có một ca bệnh nhân bị xơ phổi, dễ bị biến chứng vỡ bóng khí, tràn màng phổi, mặc dù các bác sĩ ngoài đảo Cô Tô đã dẫn lưu phổi nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng và phải chuyển vào đất liền ngay trong ngày. Do bệnh nhân dẫn lưu màng phổi phải có máy hút nên khi di chuyển bệnh nhân lên xuồng phải kèm theo máy hút và để máy hút hoạt động được thì phải có chiếc máy nổ bên cạnh hỗ trợ. Khi đó, xuồng của Long bằng tôn, động cơ khoảng 70 CV, không có mui. Mọi người nhận định là có thể chưa kịp vào tới đất liền, cả máy hút và máy nổ sẽ cháy hết. Một đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã chờ sẵn bệnh nhân và các đồng nghiệp ở bến phà Cửa Ông, trong tâm thế lo âu, bồn chồn. Khi nhìn thấy bóng xuồng của anh Long, họ cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Thời tiết hôm đó có gió mùa Đông Bắc, trời  tối và rất lạnh, trên biển không thể nhìn thấy gì... nhưng anh vẫn chở người về an toàn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn hỏi đùa anh Long rằng, hôm đó anh đã làm thế nào để chạy xuồng về tới đất liền trong khi máy hút dịch phổi của bệnh nhân và máy nổ vẫn an toàn.

Sợ nhất là máy hỏng giữa biển

Tôi hỏi, mấy chục năm bám biển, trải qua các loại sóng gió đại dương, hẳn bây giờ Anh Long không còn sợ gì nữa nhỉ? Anh cười rồi vội vàng nói như thanh minh, có chứ, sự sợ hãi lớn nhất mà có lẽ ám ảnh nhất với những người lái ca-nô đó là hỏng máy giữa biển. Tất cả những hỏng hóc nhẹ, đơn giản thì đều tự tìm cách sửa chữa ngay trên biển, nhưng nếu hỏng máy thì... Vì vậy, sau mỗi chuyến chở bệnh nhân đi hoặc về, anh đều dành nhiều thời gian kiểm tra và chăm chút cho chiếc ca-nô - người bạn vượt biển của mình.

Một khó khăn nữa mà “kình ngư” của biển khơi chia sẻ, đó là thời tiết từ tháng 12 đến hết tháng 2 âm lịch. Đây là khoảng thời gian mà thời tiết trên biển khắc nghiệt nhất, sương mù đặc quánh, tầm nhìn xa trên biển chỉ 2-3m. Nếu như các phương tiện giao thông khác, khi trời tối đều có đèn đường hoặc đèn của phương tiện đó hỗ trợ người tham gia giao thông, thì với giao thông đường thủy sẽ không dùng đèn, vì đèn sẽ bị lóa, mà người lái thường đi theo kinh nghiệm hoặc theo la bàn. Bây giờ đã có định vị vệ tinh cho các phương tiện đường thủy nên cũng thuận lợi hơn.

Có nhiều người dân đùa rằng, nếu không thấy anh Long ở Trung tâm  Y tế huyện hoặc không nhìn thấy ca-nô cứu thương, thì ngay lập tức Giám đốc Trung  tâm Y tế huyện sẽ phải giải trình với Ủy ban nhân dân huyện. Vì những người bệnh luôn cần anh và vì trách nhiệm cũng như lương tâm của chính mình.

Trong câu chuyện với anh, tôi tò mò hỏi thăm về gia đình anh, anh bảo vợ con anh ở Vân Đồn còn mình anh ra công tác ở đảo này.  Một tháng, anh được về thăm vợ và 2 con trong 1-2 ngày. Tôi hỏi, anh cứ đi biền biệt như thế mà lại làm nghề chả giống ai, người ta lái thuyền lái đò còn phụ thuộc thời tiết có đẹp mới đi, còn anh thì vì tính chất công việc nên “đau đẻ không thể chờ sáng trăng”, có khi nào chị kêu ca, phàn nàn và yêu cầu anh kiếm công việc khác để làm. Anh trầm ngâm, rồi bộc bạch: Đã có lúc tôi cũng tính như vậy, nhưng công việc nó như là cái nghiệp bám vào mình rồi cô ạ. Nếu không làm nữa thì thấy nhớ lắm, cứ có cảm giác đứng ngồi không yên. Nói có lẽ cũng chả mấy ai tin đâu, nhưng mà thật, mới có nghỉ mấy ngày Tết mà lòng cứ bồn chồn chỉ lo có bệnh nhân cần cấp cứu, cần đưa vào đất liền mà không kịp. Được cái vợ tôi cũng hiểu và chia sẻ với chồng nên làm tôi yên tâm để hoàn thành tốt mọi công việc!

Những người vợ của những “kình ngư” bám biển như anh Long luôn là hậu phương vững chắc giúp anh hoàn thành mọi nhiệm vụ. Và với những người như anh Long, có thể chọn nhiều nghề mưu sinh khác để nuôi gia đình, thậm chí làm giàu nhưng anh vẫn lặng lẽ ở lại vùng đảo này, không chút đòi hỏi cho bản thân và gia đình, vẫn một lòng phục vụ người dân với suy nghĩ đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì anh mới không làm.


Thúy Hà (Báo điện tử Chính phủ)
Ý kiến của bạn