Hà Nội

Người khuyết tật được quan tâm phòng chống, đẩy lùi và chiến thắng dịch COVID-19

21-04-2020 06:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 20/4/2020, tại Quyết định số 1773/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã ban hành Sổ tay “Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19) đối với người khuyết tật tại cộng đồng”.

Ngay sau khi được ban hành, cuốn sổ tay này đã được cộng đồng người khuyết tật, Hội người khuyết tật và vì người khuyết tật Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đón nhận như một món quà quý giá. Họ rất xúc động và cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh luôn quan tâm đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, đó là cộng đồng người khuyết tật, đã không bỏ rơi họ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới và diễn biến ngày càng phức tạp.

Ở Việt Nam, theo điều tra về người khuyết tật năm 2016 thì tỷ lệ người khuyết tật từ 02 tuổi trở lên chiếm khoảng 7% dân số, tương đương với khoảng 6,2 triệu người. Bên cạnh đó có khoảng 13% dân số, tức là khoảng 12 triệu người sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Hơn 80% số đósống tại cộng đồng.

Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số, gia tăng mắc bệnh không lây nhiễm, tai nạn, thảm họa và hậu quả bom mìn, chất độc hóa học dioxin sau chiến tranh. So với người bình thường cùng lứa tuổi, người khuyết tật thường có sức đề kháng giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và nếu mắc thì diễn biến bệnh thường nặng hơn người bình thường, đặc biệt đối với nhóm người khuyết tật có mức độ khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng, người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi hay nạn nhân chất độc da cam dioxin . Vì vậy, việc phòng chống COVID-19 đối với người khuyết tật là rất quan trọng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Y tế, sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ/ Ngành, Chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân đã giúp Việt Nam hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi mỗi người dân nói chung và người khuyết tật cùng thành viên gia đình, người chăm sóc cho họ nói riêng cần có kiến thức, kỹ năng cần thiết để chung tay phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

Vì vậy Bộ Y tế đã ban hành Sổ tay “Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19) đối với người khuyết tật tại cộng đồng”. Sổ tay này dùng cho đối tượng sử sụng là người khuyết tật , thành viên gia đình người khuyết tật , người chăm sóc hỗ trợ người khuyết tật , cán bộ y tế, Tổ chức người khuyết tật và Tổ chức vì người khuyết tật.

Cuốn số tay này đã được các ban biên soạn sử dụng các ngôn ngữ thông dụng, dễ hiểu, dễ tiếp cận với người khuyết tật. Bên cạnh đó, cuốn sổ tay được minh họa bằng những hình ảnh sinh động, gần gũi với người khuyết tật.

Cuốn sổ tay này được hoàn thành và nhanh chóng đưa vào sử dụng là có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19; PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế; Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19. Có sự phối hợp và hỗ trợ về kỹ thuật của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC); Tổ chức CBM; Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV).

Sự tham gia nhiệt tình và những đóng góp rất giá trị của GS.TS Lê Ngọc Trọng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam, các chuyên gia Hội PHCN Việt Nam, Liên hiệp hội Người Khuyết tật Việt Nam; Bộ môn PHCN Trường Đại Học Y Hà Nội, các chuyên gia trong nước và quốc tế về nội dung, hình thức tài liệu này.

Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Các biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh. Phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng.  Vì vậy, đòi hỏi mỗi người dân nói chung và người khuyết tật cùng thành viên gia đình, người chăm sóc cho họ luôn động viên tinh thần cho người khuyết tật để họ không lo lắng, không cảm thấy bị phân biệt đối xử, không bị bỏ lại phía sau. Một việc làm hết sức có ý nghĩa và đầy tính nhân văn sâu sắc.

 


Trần Ngọc Nghị - Cục Quản lý Khám chữa bệnh
Ý kiến của bạn