Được hỗ trợ từ lúc mua vé đến khi lên tàu, xuống tàu
Những ngày cuối năm, ghi nhận tại ga tàu Nha Trang (Khánh Hòa) số người đến mua vé ngày càng đông, trong đó có người khuyết tật.
Ngay từ khi bước vào khu vực bán vé, người khuyết tật đã được nhân viên đường sắt hướng dẫn, tư vấn giờ tàu chạy, các tuyến, chuyến thông thường, chuyến tăng cường ngày Tết cũng như mức giảm giá.
Theo đại diện ga Nha Trang, tất cả người có giấy tờ chứng nhận là đối tượng khuyết tật đều được giảm 30% giá vé. Trong dịp Tết Giáp Thìn ngoài các chuyến tàu thông thường, còn có nhiều chuyến tàu tăng cường từ TPHCM đi các tỉnh Miền Trung để người dân, trong đó có người khuyết tật thuận tiện lựa chọn.
Cụ thể, ngày 8/2 (ngày 29 tháng chạp) tăng cường 4 đoàn tàu gồm: Tàu SD2 (Sài Gòn đi Diêu Trì, Bình Định), tàu STK2 (Sài Gòn đi Tam Kỳ, Quảng Nam), tàu D2 (Sài Gòn đi Đà Nẵng), tàu SE38 (Sài Gòn đi Huế).
Ngày 10/2 (tức ngày 1 tháng Giêng) tăng cường thêm 2 đoàn tàu gồm: Tàu SNT4, SNT6 (Sài Gòn đi Nha Trang).
Ngày 11/2 (ngày 2 tháng Giêng) tăng cường thêm 4 đoàn tàu gồm: Tàu SNT4, SNT6 (Sài Gòn đi Nha Trang), tàu STK4 (Sài Gòn đi Tam Kỳ, Quảng Nam), tàu D4 (Sài Gòn đi Đà Nẵng).
Ngày 12/2 (ngày 3 tháng Giêng) tăng cường thêm 2 đoàn tàu gồm: Tàu SD6 (Sài Gòn đi Diêu Trì) tàu SNT3 (Nha Trang đi Sài Gòn).
Ngày 13/2 (ngày 4 tháng Giêng) tăng cường thêm 3 đoàn tàu gồm: Tàu SD3 (Diêu Trì đi Sài Gòn), tàu STK1 (Tam Kỳ, Quảng Nam đi Sài Gòn), tàu D1 (Đà Nẵng đi Sài Gòn).
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Trần Việt Tùng, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang cho biết: "Tất cả người khuyết tật sau khi được tư vấn, hỗ trợ mua vé theo quy định thì lúc đến ga để lên tàu còn tiếp tục nhận được các trợ giúp khác nữa.
Cụ thể, khách là người khuyết tật đến cổng ga, nhân viên đường sắt sẽ dìu đỡ ra sân ga, đưa lên tàu. Các nhân viên trên tàu cũng được thông báo tiếp đón, đưa người khuyết tật về chỗ ngồi ổn định. Trên hành trình tàu di chuyển hay khi xuống tàu, người khuyết tật cũng được nhân viên đường sắt trợ giúp".
Người khuyết tật được nhiều ưu tiên khi đến các bệnh viện
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa…ngay từ cửa bệnh viện đã có nhân viên y tế túc trực để hỗ trợ người bệnh, đặc biệt là người khuyết tật hoặc những bệnh nhân cần sự hỗ trợ.
Tại các khoa, phòng, khu tiếp đón, khu thu phí đều có thông báo ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi…Tại các khu vực chờ nhận kết quả, chờ lấy đơn thuốc…bệnh viện đã bố trí các loại ghế ngồi cho người khuyết tật. Đồng thời thiết lập các nhà vệ sinh phù hợp cho người khuyết tật, bên ngoài dán biển rõ ràng.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hà (là người khuyết tật đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) chia sẻ: "Bản thân tôi khó khăn trong việc di chuyển nên đến cổng bệnh viện là nhân viên y tế đưa xe lăn ra cho ngồi và đẩy vào khu vực làm thủ tục. Sau đó, khi lên phòng khám, phòng xét nghiệm, tôi đều được ưu tiên vào trước".
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cũng cho biết, bệnh viện có đội ngũ nhân viên công tác xã hội khá chuyên nghiệp, túc trực tại nhiều khoa, phòng để hỗ trợ những đối tượng ưu tiên, trong đó có người khuyết tật.
Người khuyết tật (hoặc người nhà) cũng có thể điện thoại đến bệnh viện trước để đặt lịch khám bệnh, chữa bệnh, nhờ tư vấn và yêu cầu có nhân viên hỗ trợ từ phía cổng.
Một số người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, khi nhập viện điều trị bệnh nội trú còn được nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội thường xuyên trợ giúp tắm rửa, gội đầu và tặng nhiều món quà ý nghĩa từ các mạnh thường quân.