Người khuyết tật chinh phục 2 cực trái đất, 3 đỉnh núi cao

17-06-2019 10:14 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Sinh ngày 30/12/1988, mất nửa chân trái và nửa cánh tay phải, Jan Mela là nhà thám hiểm Ba Lan trẻ nhất lịch sử chinh phục cả hai cực trái đất trong vòng 1 năm (2004).

Đồng thời, anh cũng là người khuyết tật đầu tiên làm nên kỳ tích này. Ngoài ra, Mela còn thành lập và là Chủ tịch Quỹ Poza Horyzonty - tổ chức từ thiện với chức năng hỗ trợ và giúp đỡ người khuyết tật ổn định và cải thiện cuộc sống.

Jan Mela bị tháo nửa chân trái (từ khớp gối trở xuống) và nửa cánh tay phải do hậu quả điện giật năm 2002 tại TP. Malbork quê hương vào năm 13 tuổi trong khi chạy trú mưa tại trạm biến thế điện. Tỉnh dậy sau cú sốc điện, cậu lết được về nhà. Nạn nhân lập tức được bố mẹ đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau 3 tháng điều trị, các bác sĩ quyết định cậu bé phải tháo nửa chân và nửa cánh tay.

Bất chấp sức khỏe suy sụp, bằng nghị lực phi thường, không tiếc mồ hôi và lắm khi phải chảy máu vì khuỷu tay, mỏm đầu gối cụt chưa quen với cánh tay giả, nửa chân giả, Jan Mela đã nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Ham khám phá thế giới, đến nay, chàng trai khuyết tật đã thực hiện thành công khá nhiều chuyến đi chinh phục các địa danh xa xôi, hẻo lánh trên Trái đất bao gồm: Đặt chân lên Bắc cực và Nam cực năm 2004; Chinh phục Kilimanjaro - đỉnh núi cao nhất châu Phi (5.895m) năm 2008; Năm 2009, đặt chân lên đỉnh Elbrus - ngọn núi cao nhất dãy Kavkaz (5.642m); Leo núi, chinh phục đỉnh vách El Capitan ở California, Mỹ cao hơn 1.000m năm 2010.

Để hiểu thêm về Jan Mela - một điển hình thiếu may mắn vượt qua bệnh tật, xin trích đăng dưới đây nội dung cuộc trò chuyện thú vị giữa phóng viên báo điện tử Magazynpolonia.com với người trong cuộc:

Năm 7 tuổi, anh bất lực chứng kiến ngôi nhà của gia đình bốc cháy vì tai nạn chập điện; Năm 9 tuổi: bất lực chứng kiến em trai Piotrus 7 tuổi bị dòng nước cuốn trôi sau cú trượt chân định mệnh; 13 tuổi, bản thân bị cụt cánh tay trái và chân phải sau tai họa điện giật. Tuy nhiên, anh luôn khẳng định “Tôi là người hạnh phúc”. Tại sao vậy?

Jan Mela trong phim tài liệu Moj Biegun (2013).

Jan Mela trong phim tài liệu Moj Biegun (2013).

Có 2 lý do tôi khẳng định mình là người hạnh phúc: Thứ nhất, sau những biến cố bi kịch như vậy, tôi vẫn sống đến bây giờ. Tiếp theo, nhờ sự tiếp sức của bố, mẹ, người thân và xã hội, tôi đã vượt qua tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần suy sụp để duy trì cuộc sống như một người bình thường. Ngoài ra, chính nhờ những biến cố bi thảm, tôi gom được sức mạnh cơ bắp và tâm lý vững vàng hơn.

Hồi phục sau tai nạn điện giật, sau khi chinh phục 2 cực trái đất, chinh phục đỉnh núi cao nhất châu Phi và cao nhất dãy Kavkaz, tại sao anh quyết định kể câu chuyện đời mình cho học sinh, sinh viên và mọi người? Đó là sáng kiến của anh hay gợi ý của ai đó?

Trong cuộc đời tôi, rất ít việc tôi tự mình lựa chọn. Phần lớn những việc quan trọng nhất đều do bố mẹ hoặc... thiên hạ sắp đặt.

Anh có thể cho thí dụ?

Nhà thám hiểm nổi tiếng Marek Kaminski - người thầy đã dẫn dắt tôi thực hiện thành công 2 chuyến chinh phục Bắc cực và Nam cực xuất hiện trong đời tôi có thể là thí dụ điển hình.

Thời sinh viên, mẹ tôi học cùng vợ ông Kaminski. Lúc tôi nằm viện, mẹ tôi nghĩ ngay đến ông ấy. Mẹ tôi cho rằng Kaminski là nhân vật thích hợp để động viên, tiếp thêm nghị lực cho con trai. Ông từng gặp nhiều tai nạn nên là nhân chứng thuyết phục cho thấy tai nạn không bắt buộc đồng nghĩa với tận cùng thế giới. Mẹ tôi mời ông Kaminski. Ông nhiệt tình nhận lời... Khi ấy, ông Kaminski sống ở Gdansk, tôi tình cờ nằm viện cùng thành phố.

Ai nảy ý tưởng dẫn dắt Jan Mela, mới 2 năm sau tai nạn cướp mất nửa chân và cánh tay, thực hiện chuyến đi chinh phục 2 đỉnh trái đất?

Chính ông Marek Kaminski là tác giả ý tưởng tuyệt vời đó. Nhà thám hiểm lừng danh thuộc số hiếm người “điên cuồng” tích cực, ông luôn nỗ lực xóa bỏ mọi lối sống và tư duy khuôn mẫu.

Tại sao ông mạo hiểm dẫn dắt chàng trai 15 tuổi mới làm quen với chiếc chân giả và cánh tay giả chưa được 2 năm là tôi, chinh phục 2 cực trái đất trong vòng 12 tháng, có lẽ chỉ là ý tưởng ngẫu nhiên thuần túy.

Chúng ta hãy lùi lại thời gian. Cuộc sống trước tai nạn bị điện giật của anh thế nào? Liệu tất cả đã thay đổi sau biến cố bất ngờ?

Chắc chắn cách tiếp cận rất nhiều vấn đề của tôi đã thay đổi sau tai nạn khủng khiếp. Cuộc đời con người giống như một tờ giấy trắng, suốt cuộc đời ta phải tự viết lên nó. Con số những trang viết của tôi trước tai nạn rất ít so với sau tai nạn. Hôm nay, tôi không thể đánh giá bản thân mình là cậu bé thế nào thời trước tai nạn. Chắc chắn nhiều cá tính của tôi đã được gia cố bởi tai nạn này.

Nó chỉ cho tôi thấy thực tế: con người có thể thoát ra mọi rắc rối và vượt qua mọi khó khăn. Con người có thể bằng cách nào đó tự xoay sở với mọi rào cản. Có thể cuộc đời tôi là thí dụ đáng tin cậy.

Mùa hè năm 2002, 13 tuổi, bất ngờ phải nhập viện trong tình trạng cơ thể hết sức bi đát. Anh cảm thấy thế nào khi ấy?

Tôi buộc phải tự đặt câu hỏi: Có nên sớm kết thúc cuộc đời? Liệu có thể tận dụng giây phút bác sĩ lơ là, lết ra cửa sổ, nhảy xuống đất tự tử?

Vào thời điểm đã biết, vài ngày nữa, nửa cánh tay phải và nửa cái chân trái sẽ bị tháo bỏ, trong đầu tôi bỗng xuất hiện khá nhiều ý tưởng kỳ quặc. Sau nhiều đêm tự vấn, “sống hay chết?”, cuối cùng, tôi tự nhủ: phải sống!

Sau đó xuất hiện câu hỏi tiếp theo: bây giờ mình tranh đấu vì cuộc sống thế nào? Liệu có đáng vất vả vì cuộc sống như vậy? Nếu đó là cuộc sống của cá thể tàn phế...

Nếu mục đích cuộc chiến với bản thân trong 3 tháng nằm viện của tôi là làm sao để thoát ra và sung sướng với thực tế, “mình vẫn còn sống, vẫn còn tồn tại”, mình sẽ trở thành một kẻ tàn phế, tức con người hoài nghi, không nhìn thấy ý nghĩa của cuộc đời, đơn giản chỉ là một nạn nhân của số phận - cuộc sống như thế thật vô nghĩa, không có gì phải phấn đấu.

Nghĩ như vậy, tôi hạ quyết tâm mình thích sống nhưng phải là cuộc sống xứng đáng. Muốn thế, trước hết tôi phải tự quyết định. Tất cả phụ thuộc vào thực tế, tôi sẽ điều khiển cuộc sống của mình thế nào.

Ai đã giúp anh trong những ngày đầu khó khăn nhất?

Bố tôi. Bố đã giải thích cho tôi sự khác biệt giữa khái niệm khuyết tật và tàn phế. Khuyết tật, theo ông - là trạng thái nhất định của thể xác. Đó là cá thể bị khiếm thị, khiếm thính hoặc bị cụt chân, liệt nửa người... phải đi lại bằng xe lăn - tức người khuyết tật và gần như chắc chắn suốt phần còn lại cuộc đời sẽ như vậy. Đó là thực tế khắc nghiệt, cần phải chấp nhận. Là một dạng rào cản gây khó khăn cho cuộc sống.

Trái lại, tàn phế là dạng khuyết tật chỉ tồn tại trong suy nghĩ. Người tàn phế sống với mặc cảm, bản thân là cá thể vô tích sự, vô dụng. Là đồ bỏ đi. Nghe bố giải thích, tôi biết rằng mình phải tranh đấu với mặc cảm tàn phế.

Cụ thể, anh đã tranh đấu thế nào?

Tôi phải gắng sức loại ra khỏi suy nghĩ bản thân là kẻ tàn phế. Tôi học cách sống tích cực, sử dụng thành thạo một cánh tay với mọi việc, tập đi chân giả hoàn chỉnh. Để không tự giam mình trong một dạng tỵ nạn những người khuyết tật, tôi phải tự học kỹ năng sống bình đẳng với đồng loại khỏe mạnh. Muốn vậy, tôi phải phấn đấu hết mình với nỗ lực tối đa.

Như vậy, anh không nghĩ bản thân là người khuyết tật?

Tôi coi bản thân như một cá thể hoàn toàn bình thường và tôi luôn cố gắng duy trì lối sống tích cực. Không bao giờ tôi muốn được ai đó ban ơn. Như những người khuyết tật khác, tôi không cần lòng thương hại. Giúp đỡ và hỗ trợ - rất cảm ơn, song không chấp nhận sự bố thí.

Nghe nói, anh đã đi bộ hàng trăm kilômet trong hai chuyến thám hiểm 2 cực trái đất?

Chính xác. Thời gian đi bộ của chúng tôi trong chuyến chinh phục Bắc cực kéo dài 10 ngày, trái lại, để đặt chân tới Nam cực, chúng tôi phải đi bộ liên tục 15 ngày!

Năm 2008, anh đã sáng lập Quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ người khuyết tật mang tên Poza Horyzonty, đồng thời anh làm Chủ tịch. Tại sao anh có ý tưởng giúp đỡ người khác như vậy?

Tôi thành lập Quỹ từ thiện bởi tôi biết nhiều người khuyết tật cần sự hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, cần có dụng cụ và chân tay giả. Tôi giúp người khác, bởi thực tế nhiều người đã giúp tôi những ngày tôi chưa thể sống tự lập. Tôi đã thấy, ở nước ta và trên toàn thế giới có vô số người muốn được giúp đỡ và chia sẻ. Vả lại, tinh thần “lá lành đùm lá rách” không chỉ là sự đầu tư vào người khác mà cho chính mình. Cuộc sống xã hội chỉ ổn định khi đa số các thành viên có cuộc sống ổn định.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn