Huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) là địa phương có số người nhiễm chất độc da cam nhiều nhất tỉnh Thái Bình với trên 8.300 nạn nhân; trong đó, hơn 6.300 người là đối tượng trực tiếp, 2.000 người là thế hệ thứ hai bị ảnh hưởng. Nhiều nạn nhân trực tiếp nhiễm chất độc da cam là thương binh, bệnh binh đã mất 81% sức khỏe, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Do đó, xây dựng và phát triển mạng lưới phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm giúp người khuyết tật nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.
Chuyển biến tốt
Những năm qua, nhờ việc triển khai dự án “Tổ chức PHCN tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, huyện Quỳnh Phụ đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên nhiệt tình tham gia giúp đỡ các nạn nhân. Theo BS. Đặng Đức Tố, Trưởng phòng y tế huyện Quỳnh Phụ, hiện nay toàn huyện đã có gần 230 người là cộng tác viên của dự án. Những cộng tác viên này đa phần là những cán bộ y tế cơ sở nên rất thuận tiện trong việc theo dõi tình hình sức khỏe của nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn quản lý. Ngoài việc giúp đỡ các nạn nhân luyện tập, các cộng tác viên của dự án còn tuyên truyền, tư vấn về phòng tránh tai nạn thương tích và hướng dẫn nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật cùng người thân trong gia đình họ thường xuyên tập luyện, nâng cao sức khỏe. Theo đó, từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm có từ 3.300 - 3.500 người thường xuyên được hướng dẫn tập luyện PHCN tại gia đình; trong đó, có hơn 300 người là nạn nhân chất độc da cam. Sau thời gian kiên trì tập luyện, đến nay toàn huyện đã có gần 1.400 người ra diện PHCN hòa nhập cộng đồng (trong đó nạn nhân da cam là 61 người), tỷ lệ người có chuyển biến tốt lên đến hơn 60%. Đây là kết quả PHCN cao nhất từ trước tới nay mà Quỳnh Phụ đạt được.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình cho biết, việc cải thiện sức khỏe, giúp nạn nhân nhiễm chất độc da cam tái cộng đồng, nuôi sống bản thân là giải pháp được chú trọng hơn cả. Việc PHCN đã trở thành nhu cầu và thói quen của các đối tượng là nạn nhân da cam, người khuyết tật.
Cộng tác viên cánh tay nối dài
Chị Vũ Thị Dung - cộng tác viên y tế thôn Nam Đàn, xã Quỳnh Bảo, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Cần phải kiên trì, nhẫn nại, phải gần gũi và cảm thông với họ, coi người khuyết tật cũng như mình, như thế người khuyết tật mới phục hồi nhanh và sớm hoà nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, người cộng tác viên cũng cần phải tự học hỏi và tìm hiểu những kiến thức về PHCN. Chị Dung cho biết thêm, mặc dù đã được tập huấn thường xuyên, liên tục nhưng vốn kiến thức về PHCN vẫn còn thiếu thốn, do đó, chị cùng các cộng tác viên vừa làm, vừa học với một tâm nguyện làm sao cho người khuyết tật hợp tác với mình để PHCN có kết quả.
Để minh chứng cho mọi người biết về lợi ích của việc PHCN, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào công việc mới chị đã tiến hành phục hồi cho chính bà nội của mình. 72 tuổi, bà đã bị gãy xương đùi và nằm liệt không đi lại được từ năm 2004. Bằng kiến thức đã học, chị đã thực hiện việc xoa bóp cho bà, nâng người bà dậy đi đoạn ngắn rồi xốc nách hai bên bằng 2 cây tre cho bà vịn. Sau vài ba tuần, bà đã nhanh nhẹn hẳn và đến nay chỉ cần cái gậy nhỏ làm tay vịn bà đã đi được quanh nhà. Đây là thành công đầu tiên của chị và chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì nhờ đó chị đã nhận được sự ủng hộ của chính những người thân trong gia đình. Chị Dung được phân công điều tra phân loại các dạng tật, tìm hiểu nhu cầu cần phục hồi và tiến hành phục hồi cho người khuyết tật. Thuận lợi là thế nhưng khó khăn còn nhiều hơn. Thực tế, không phải bất cứ người khuyết tật nào cũng có đủ lòng kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng. Đã có không ít người nản chí, bỏ cuộc giữa chừng. Hầu hết người khuyết tật có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người thân của họ phải lo bươn chải kiếm sống nên không đủ thời gian để giúp người khuyết tật tập luyện ngay cả ở nhà chứ chưa nói gì phải đến việc đưa đến trạm y tế.
Bài, ảnh: Hoàng Thía