PV: Đối với anh chị, thế nào là sống tự lập?
Damian: Chúng tôi có thể tự mình quyết định về cuộc sống. Tự mình giải quyết mọi vấn đề và thực hiện các sự lựa chọn. Chúng tôi làm việc, có thu nhập và duy trì cuộc sống. Chúng tôi cũng tự mình xoay sở với mọi rắc rối thường nhật.
Cặp đôi khiếm thính Damian-Monika, ngày cưới
Anh chị cho rằng, bản thân có cuộc sống không phụ thuộc vào ai?
Monika: Chúng tôi thật sự nghĩ như vậy. Thực tế chúng tôi tự chọn người quen và bạn bè. Tự mình mua sắm, tự nấu nướng và ăn những món bản thân khoái khẩu. Chúng tôi sử dụng thời gian rỗi theo cách mình thích. Cùng nhau đạp xe, cùng nhau dạo bộ. Đại thể, chúng tôi sống, như tất cả mọi người.
Có thể biết con đường đưa anh chị đến cuộc sống tự lập?
Damian: Năm tôi 2 tuổi, bố mẹ phát hiện, tôi không thể phát âm, thậm chí cả những từ đơn âm. Gặp khá nhiều bác sĩ khác nhau, song họ đều khẳng định, tôi có thính giác bình thường, chỉ chậm biết nói. Song bố mẹ tôi không tin. Kết quả các xét nghiệm chuyên sâu cho thấy, tôi bị khiếm thính tri giác-thần kinh nghiêm trọng. Hai tuổi tôi đã bắt đầu phải đeo máy trợ thính.
Tôi thụ hưởng sự trợ giúp của Quỹ ECHO từ ngày nó mới ra đời, tức 1995, khi cùng một số phụ huynh có con khiếm thính và các chuyên gia, bố mẹ tôi đứng ra thành lập tổ chức. Bằng tiền quyên góp xã hội, ECHO hỗ trợ trẻ khiếm thính phát triển toàn diện. Bản thân tôi trải qua khóa phục hồi chức năng thính giác và khẩu ngữ nhờ trợ giúp của ECHO.
2007 tôi tốt nghiệp trung học và theo chuyên ngành Du lịch, Đại học Du lịch Warszawa. Sau đó tôi trở thành cử nhân và thạc sĩ tại trường này.
Monika: Từ nhỏ tôi đã đeo máy trợ thính. Hai năm đầu tiểu học tôi học trường dành riêng cho trẻ khiếm thính, từ năm thứ ba tiểu học đến năm cuối trung học cơ sở tôi theo học trường phổ thông bình thường. Đến trung học phổ thông, tôi bắt đầu học ngôn ngữ cử chỉ. Sau tốt nghiệp trung học, tôi học nghề kỹ thuật viên tin học.
Là người khiếm thính, anh chị kiếm việc làm có khó khăn?
Damian: Cũng bình thường như mọi người. Tốt nghiệp đại học tôi đầu quân nhân viên resort của bố tại ven biển. Đồng thời nhiều năm làm tình nguyện viên ECHO. Từ 2014 đến 2018 tôi làm đầu bếp cho Pizza Hut. Đó là trường học sống đích thực. Ở Pizza Hut tôi học được sự tôn trọng công việc và kỹ năng chế biến món ăn khoái khẩu Italy. Hiện tôi làm chuyên viên lưu trữ văn thư , Bộ Lao động.
Monika: Tôi bắt đầu làm quen với thị trường lao động 2008. Khởi đầu làm nhân viên ở hai nhà in và cửa hàng Internet, sau đó là 5 năm làm công nhân lắp ráp máy tính, công ty Komputronik. Tiếp theo tôi đầu quân vào một văn phòng thiết kế, công việc bảo trì máy tính ở đây quá buồn tẻ, thế nên hơn năm nay tôi làm nhân viên văn phòng, Bộ Tài chính. Tại văn phòng Bộ luôn xuất hiện nhiệm vụ mới, tôi liên tục phải theo học các khóa huấn luyện nghiệp vụ, song rất vui vì thường xuyên học được điều gì đó thú vị.
Đeo khẩu trang thời COVID-19 gây rào cản mới?
Damian: Thường nhật, cả thời đi học cũng như bây giờ hành nghề, rào cản lớn nhất của người khiếm thính là giao tiếp với người khác và thiếu tiếp cận thông tin. Cùng lúc chúng tôi thường phải sử dụng 2 ngôn ngữ: lời nói bình thường và ngôn ngữ cử chỉ. Từ nhỏ tôi đã rèn kỹ năng đọc từ chuyển động của đôi môi – đây là kỹ năng đặc biệt của người khiếm thính, nó đòi hỏi người trong cuộc ý chí kiên nhẫn phi thường. Thế nên từ ngày xuất hiện đại dịch COVID-19, người khiếm thính lại gặp thêm rào cản: không thể đọc ngôn ngữ đôi môi vì mọi người đeo khẩu trang!
Monika: Sự thiếu hiểu biết xã hội về hoạt động đặc thù của người khiếm thính là rào cản lớn trong cuộc sống thường nhật của chúng tôi. Song với lòng kiên nhẫn gần như bẩm sinh, chúng tôi vẫn có thể vượt qua.
Còn gì cản trở khiến cuộc sống tự lập của anh chị bị hạn chế?
Damian: Chúng tôi không thể, thí dụ, trò chuyện qua điện thoại, không phải tất cả các cuộc hẹn gặp bác sĩ có thể giải quyết qua tin nhắn hoặc email. Các kênh truyền hình quá hiếm chương trình có phiên dịch ngôn ngữ cử chỉ. Vì thế người khiếm thính không thể tham gia đầy đủ mọi sinh hoạt xã hội.
Anh chị có bí quyết gì, để sống tự lập?
Damian: Trước hết cần làm chủ và chấp nhận bản thân. Ngoài ra lao động hết mình: liên tục học và phát triển năng lực tự thân. Không sợ cuộc đời và người khác. Tự tin vào khả năng và sức mạnh bản thân. Đôi lúc không ngại yêu cầu sự hỗ trợ của đồng loại.
Monika: Bản thân người khiếm thính phải ý thức được rằng, xã hội có nhiều người khỏe mạnh, thính tai tử tế, tốt bụng. Không bao giờ e ngại tiếp xúc với đồng loại.