Người khiếm thị 3 lần Vô địch Bơi lội Thế giới

07-12-2017 21:45 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sinh năm 1990, cuộc đời không hề ưu ái cậu bé người Ba Lan Marcin Ryszka. 4 tuổi, bé Marcin được phát hiện ung thư võng mạc.

Để cứu mạng sống con trai, theo lời khuyên bác sĩ, bố mẹ lau nước mắt, chấp nhận giải pháp: khoét bỏ nhãn cầu cả hai mắt của bé Marcin...

Cuộc đời không có ưu đãi

3 năm đầu đời Marcin còn sáng mắt. Bây giờ trước mắt anh chỉ có bóng tối. Giống như qua màn sương mù, Marcin lờ mờ nhớ lại những mảnh hình ảnh còn lưu giữ trong trí nhớ, từ tuổi ấu thơ. Anh mường tượng, gương mặt mẹ có đường nét thế nào, mỗi khi mẹ mỉm cười và cánh đồng cỏ ven rừng cuối mùa xuân có màu xanh ra sao.

Sau ca phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu cả hai mắt, điều bố mẹ lo nhất là không biết, khi lớn lên, con trai khiếm thị sẽ tự xoay sở thế nào với cuộc sống.

Hôm nay thạc sĩ chuyên ngành makerting, tuyển thủ bơi lội quốc gia Marcin Ryszka tự hào trước thực tế: Cuộc sống chưa từng áp dụng quy chế ưu đãi gì đối với anh. - Khi cùng em trai muốn có tiền mua giầy đinh đá bóng, anh trai bảo chúng tôi, ba anh em cùng vào rừng hái nấm. Sau một tuần thực hiện sáng kiến của anh trai, cả ba anh em đều có đôi giầy mong ước. Nhờ việc làm đơn giản từ tuổi ấu thơ, tôi tự ý thức triết lý tồn tại: Với mọi thứ trong cuộc đời, chúng ta phải tự thân vận động - Marcin tâm sự.

Thạc sĩ maketing Marcin Ryszka, VĐV khiếm thị Vô địch Bơi lội Thế giới mong muốn cuộc sống bình thường.

Thạc sĩ maketing Marcin Ryszka, VĐV khiếm thị Vô địch Bơi lội Thế giới mong muốn cuộc sống bình thường.

Thay vì đến rạp xem phim, người khiếm thị tập bơi

Đủ tuổi đến trường, bố mẹ gửi con trai Marcin theo học tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Giáo dục dành cho trẻ khiếm thị nằm trên phố Tyniecka, thành phố Krakow. Thầy giáo dạy thể dục phát hiện, cậu bé nhà quê ở miệt rừng Czechowice có năng khiếu bơi lội. Từ năm 10 tuổi, Marcin bắt đầu tập bơi thành tích cao và đam mê bộ môn này hơn mọi trò giải trí. Ngày nghỉ hàng tuần, các bạn cùng lớp kéo nhau đến rạp xem phim, Marcin tập bơi quên cả giờ ăn.

- Khởi đầu tôi còn sợ nước. Không lâu sau tôi bơi trước giờ lên lớp, sau giờ tan trường. Ngày nào cũng thế. Tôi muốn chứng minh với thầy cô và các bạn, con trai ở rừng cũng có thể trở thành kình ngư.

18 tuổi, Marcin Ryszka bắt đầu trở thành người của công chúng, khi chàng trai tham dự Paralympic 2008 Bắc Kinh. Thời gian này, VĐV trẻ tập luyện 11 giờ/ngày. Tiếp theo là chuỗi dài thành tích trên đường đua xanh. Liên tục nhiều năm vô địch Ba Lan. Huy chương Đồng giải Vô địch châu Âu 2011 dành cho VĐV khiếm thị và 3 HC Vàng (Vô địch Thế giới) tại giải Vô địch Bơi lội Thế giới 2011 tổ chức tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) ở các cự ly 50, 100 và 200 mét, bơi sải.

- Bẩm sinh tất cả chúng ta đều được tạo hóa ban tặng năng khiếu nào đó và tùy thuộc vào thực tế, mỗi người sử dụng quà tặng đó thế nào. Có người học rất nhanh ngoại ngữ, người khác  giỏi toán, người khác nữa đặc biệt ham mê thể thao. Thầy tôi, HLV bơi lội từng kể câu chuyện về một học trò đã phấn đấu trở thành nhà vô địch như thế nào và hỏi tôi, với em, năng khiếu và chăm chỉ tập luyện, yếu tố nào quan trọng hơn? - Thưa thầy, cả hai - Tôi trả lời.

Viết tin nhắn, viết bài trên facebook

Tháng 9/2010, Marcin Ryszka là thí sinh khiếm thị đầu tiên thi đỗ vào Trường AGH (Học viện Mỏ - Luyện kim, Krakow, Ba Lan). Sau 5 năm, sinh viên khiếm thị bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, chuyên ngành makerting. Hiện thạc sĩ Ryszka làm việc tại Trung tâm Tin học trực thuộc AGH và phụ trách các dự án hỗ trợ sinh hoạt của sinh viên khuyết tật.

- Đến nay, tại địa bàn Thị trấn Sinh viên, chúng tôi đã lắp đặt 2 máy rút tiền ATM dành cho người khiếm thị. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện phần mềm cài đặt cho điện thoại thông minh với tính năng thông báo cho người sử dụng số xe và hướng đi xe bus sắp cập bến. Cách đây không lâu chúng tôi nhận được yêu cầu của một nữ sinh viên, chị quan tâm đến phương pháp phát sóng âm thanh, giúp người sử dụng smartphone nhận biết hình hài đồ vật bất kỳ - thạc sĩ Ryszka tường thuật về công việc thường nhật của trung tâm, nơi anh công tác.

Với tư cách một người khiếm thị, bản thân Marcin Ryszka thấy rõ vai trò quan trọng của công nghệ mới trong công việc hàng ngày. Thí dụ, người khiếm thị đọc sách với sự trợ giúp của ngôn ngữ Braille? Phương án bất khả thi ở bậc đại học. 1 cuốn sách 300 trang đòi hỏi tới 6 tập sách ngôn ngữ Braille. Vậy nên Marcin scan tài liệu theo phiên bản điện tử vào laptop. - Tiếp theo tôi có thể nghe nội dung cuốn sách với sự trợ giúp của phần mềm thích hợp. Điện thoại của tôi cũng được cài đặt phần mềm mã hóa âm thanh thành chữ viết. Tôi có thể đọc nội dung tin nhắn, điện thoại chuyển thể thành chữ viết và gửi cho người nhận. Ngược lại, tất cả thư điện tử hoặc tin nhắn gửi cho tôi qua facebook đều được chuyển thành lời nói.

Dù bận công việc, Marcin vẫn không từ bỏ Hiệp hội “Không có rào cản”, tổ chức anh tham gia từ ngày trở thành sinh viên đại học. Năm 2016, trong khuôn khổ dự án “Hãy giới thiệu chúng tôi ở Olympic Rio”, thạc sĩ khiếm thị đã tạo nên kỳ tích đáng khâm phục. Lần đầu tiên kênh truyền hình quốc gia Ba Lan tường thuật trực tiếp Paralympic, Marcin tham gia chương trình bình luận các cuộc thi đấu cùng biên tập viên chuyên nghiệp của nhà đài!

Đam mê bóng đá blind

Sau những thành công đạt được trong bơi lội, ngoài giờ làm việc Marcin còn đam mê bóng đá blind (bóng đá dành cho người khiếm thị). Anh là đội trưởng đội bóng “Không có rào cản”. Chính ông nội là người khơi dậy tình yêu bóng đá của chàng trai từ tuổi ấu thơ. Ông mày mò, tự tay “chế tạo” và gắn chiếc chuông nhỏ vào bên trong quả bóng da, để cháu khiếm thị có thể chơi cùng 2 anh trai.

- Mãi đến Paralympic Rio 2016, lần đầu tiên tôi biết bóng đá blind chuyên nghiệp (luật chơi tương tự bóng đá trong nhà, thủ môn và 4 cầu thủ, tất cả đều bị bịt mắt bằng tấm vải đen, quả bóng có chuông)... Về nước, tôi đã kể với các bạn khiếm thị và mọi người ủng hộ ý tưởng thành lập đội bóng. Tôi đã gửi mail cho Liên đoàn Bóng đá thế giới và họ gửi tặng chúng tôi 10 quả bóng như thế - Marcin nhớ lại. Khởi đầu bóng đá blind ở Ba Lan diễn ra như vậy. Bây giờ Marcin cùng đồng đội đi khắp châu Âu thi đấu. Có lần họ so tài với cả đối thủ Argentina.

Đôi lúc bực mình

Người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... mọi người đều cổ vũ, động viên Marcin phấn đấu giành thành tích lớn hơn trong hoạt động nghề nghiệp và thể thao. Anh cũng rất vui với thái độ nhiệt tình, tử tế của dân thành phố Krakow, nơi lúc nào Marcin cũng dễ dàng tìm được ai đó sẵn sàng, vui vẻ giúp anh, thí dụ, trèo lên xe buýt.

Tuy nhiên, đôi lúc Marcin cũng bực mình. - Đó là lần tôi ghi tên tham gia câu lạc bộ thể hình. Giám đốc trung tâm quyết định không chấp nhận, khi biết tôi là người khiếm thị. Hành động từ chối bất nhã khiến tim tôi đau nhói, bởi trong thời gian gần 1 năm tập luyện tại trung tâm, tôi luôn tự mình hoàn thành các bài tập. Đó là biểu hiện của tình trạng thiếu công bằng - kình ngư khiếm thị vô địch bơi lội thế giới phẫn nộ.

Mong muốn sống bình thường

Về bản thân, Marcin Ryszka quả quyết, từ nhỏ anh đã không thích cuộc sống được nuông chiều. Anh không hài lòng, khi người khuyết tật khỏe mạnh, thay vì nỗ lực sống như những người bình thường khác, họ lớn tiếng đòi hỏi sự cưu mang của xã hội. Marcin không thích sống dựa vào người khác. Hàng ngày anh tự nấu ăn, những lúc đi siêu thị, Marcin chỉ nhờ mọi người lấy hộ mặt hàng trong danh mục đã chuẩn bị sẵn.

Dự kiến cho tương lai? Đầu tiên - lấy vợ, có gia đình riêng. Tiếp theo, phấn đấu trở thành giảng viên đại học. Và tất nhiên, thể thao, bởi Marcin không thể tưởng tượng, mày râu tuổi 40 đã ngả lưng trên ghế mềm, tay cầm cục điều khiển...


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn