Người dân khám bệnh tăng cao sau Tết
Khu vực làm thủ tục thuộc tòa nhà ODA (Bệnh viện Trung ương Huế) ngày 15, 16/1 có rất đông người dân từ nhiều địa phương tập trung chờ làm thủ tục vào khám bệnh. Tính riêng trong ngày 15/1, bộ phận chăm sóc khách hàng của bệnh viện hỗ trợ, hướng dẫn cho gần 2.300 bệnh nhân.
Theo phòng Công tác xã hội – Chăm sóc khách hàng (Bệnh viện Trung ương Huế), tại khu khám bệnh tòa nhà ODA, đơn vị bố trí 10 nhân viên hướng dẫn và nhân viên làm thủ tục nhập thông tin phiếu khám. Ngoài ra, một số trung tâm của bệnh viện cũng bổ sung thêm nhân viên hướng dẫn.
Để hạn chế tình trạng chen lấn, giảm thời gian chờ đợi, nhân viên y tế được tăng cường để triển khai phân luồng khám bệnh, hỗ trợ làm thủ tục cho bệnh nhân thuộc đối tượng ưu tiên. Ngoài ra, bệnh viện cũng ứng dụng công nghệ thông tin, bố trí cơ sở vật chất, đảm bảo thuốc và trang thiết bị.
Theo thống kê, lượng người khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng tăng cao sau Tết Nguyên đán. BSCKI. Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc TTYT huyện Phú Vang cho biết, những ngày sau Tết, đơn vị tiếp nhận 1.500 người tới thăm khám với các loại bệnh chủ yếu như mạn tính, bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa...
"Dự báo trước tình hình người dân khám bệnh tăng cao sau Tết, đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai toàn bộ các phòng khám bệnh, huy động nhân lực hỗ trợ khoa Khám bệnh, đảm bảo thuốc, vật tư trang thiết bị...với mục tiêu phục vụ người bệnh, giảm thời gian chờ đợi", BSCKI. Nguyễn Minh Hùng nói.
Trong khi đó, BS.CKII Lê Quang Hiệp, Giám đốc TTYT thị xã Hương Trà cho biết, 2 ngày sau Tết Nguyên đán, đơn vị khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 800 bệnh nhân. Người dân khám bệnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù bệnh nhân đông, nhưng công tác chuẩn bị chu đáo nên hoạt động động khám bệnh được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, đảm bảo sự hài lòng, đặc biệt không để xảy ra tai biến tại bệnh viện và các trạm.
Nhiều ca bệnh đột quỵ
ThS.BS Lê Vũ Huỳnh, Phó trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, so với các năm trước, lượng người bệnh vào khoa dịp trong và sau Tết cơ bản ổn định. Tuy nhiên năm nay đơn vị nhận điều trị bệnh nhân nội thần kinh nên lượng bệnh đông hơn.
"Dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 15-20 ca bệnh. Hiện khoa đang điều trị khoảng 120 bệnh nhân với độ tuổi trung bình từ 65-70 tuổi, trong đó có khoảng 40 bệnh nhân tình trạng nặng", ThS.BS Lê Vũ Huỳnh nói.
Để phòng chống đột quỵ, cả người già và người trẻ nên thường xuyên tập thể dục, ăn uống điều độ, kiêng các thức ăn nhiều chất béo, đồ ngọt, kiêng rượu, bia và bỏ hút thuốc lá. Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch cần theo dõi, điều trị đạt mục tiêu kiểm soát tốt.
Khi có người bị đột quỵ, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị và cấp cứu đột quỵ. Ưu tiên chuyển đến các trung tâm lớn nơi triển khai đầy đủ các phương pháp điều trị toàn diện.
Khi gặp bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ, liên hệ ngay đơn vị vận chuyển cấp cứu 115 hoặc nếu có phương tiện vận chuyển cá nhân phù hợp lập tức chuyển cấp cứu ngay. Trong lúc chờ đợi nếu bệnh nhân vẫn thở tốt thì không nên áp dụng biện pháp điều trị nào khác.
Theo ThS.BSCKII Hoàng Văn Quý, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Trung ương Huế), tiết trời mùa xuân như hiện nay là tác nhân dẫn đến các bệnh cảm, viêm phổi. Các mặt bệnh ngày đầu năm chủ yếu về đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp.
Mọi người nên thiết lập lại chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích. Luyện tập thể dục thể thao trở lại nhằm tiêu thụ năng lượng, đồng thời giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, cải thiện hệ tiêu hóa.