Người khai sinh ngành phẫu thuật thần kinh hiện đại

14-04-2012 14:05 | Thông tin dược học
google news

Nhà phẫu thuật thần kinh tiên phong, cha đẻ ngành nội tiết học tuyến yên, người khai sinh ra ngành phẫu thuật thần kinh hiện đại... là những ngôn từ tốt đẹp hậu thế dùng để ca ngợi bác sĩ Harvey Cushing, người đã để lại cho ngành y một di sản to lớn, đặc biệt là lĩnh vực phẫu thuật thần kinh hiện đại.

Nhà phẫu thuật thần kinh tiên phong, cha đẻ ngành nội tiết học tuyến yên, người khai sinh ra ngành phẫu thuật thần kinh hiện đại... là những ngôn từ tốt đẹp hậu thế dùng để ca ngợi bác sĩ Harvey Cushing, người đã để lại cho ngành y một di sản to lớn, đặc biệt là lĩnh vực phẫu thuật thần kinh hiện đại.

Harvey Cushing tên đầy đủ là Harvey Williams Cushing, sinh ngày 8/4/1869 tại Cleveland, bang Ohio, Mỹ trong một gia đình có nhiều thế hệ cống hiến trong ngành y. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale và Y khoa Harvard, ông nhanh chóng trở thành một bác sĩ phẫu thuật tài ba, một thầy thuốc nhiệt huyết và “từ mẫu”, người thường xuyên tiếp xúc với nỗi đau và hiểu được ước nguyện sâu kín của người bệnh.
 
Ngay từ khi mới vào nghề công tác tại Bệnh viện Johns Hopkins, Harvey Cushing đã được phân công làm trợ lý cho bác sĩ nổi tiếng Halsted (1852-1922). Cũng trong thời gian này, ông đã có điều kiện làm quen, nghiên cứu nhiều về lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, nhất là tuyến yên. Với bản tính thông minh, sẵn niềm đam mê sáng tạo Harvey Cushing đã phát hiện thấy tuyến yên có chứa một loại tế bào bài tiết hormon tăng trưởng và sản sinh ra một chất quan trọng.
 
 Bộ tem tôn vinh Harvey Cushing.
Sau này khi qua đời, khoa học đã xác định được đó chính là ACTH. Thực ra, Harvey Cushing đã phát hiện thấy mối tương quan giữa tế bào ưa kiềm này với căn bệnh mà ông đặt tên là tăng năng vỏ tuyến thượng thận, sau này được gọi là Hội chứng Cushing (Cushing Syndrome) để nói về bệnh tăng năng vỏ tuyến thượng thận hay căn bệnh do tế bào ưa kiềm thùy trước tuyến yên gây tăng tiết ACTH hoặc định nghĩa theo chuyên môn thì “Hội chứng có nhiều nguyên nhân khác nhau do thừa mạn tính corticoid trong máu với đặc điểm béo phì ở mặt, thân mình, tăng huyết áp, loãng xương sườn, xương sống gây đau”. Liên quan đến hội chứng Cushing, Harvey Cushing đã tiến hành nhiều nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu áp lực hộp sọ bệnh thần kinh tam thoa, mổ nhiều loại u khác nhau, đặc biệt là u thùy não và tìm hiểu bệnh lý giữa não thùy - thượng thận.
 
Năm 1901, ông đã trực tiếp tham gia nghiên cứu trường hợp một bé gái 14 tuổi mắc bệnh chậm phát triển sinh dục, đau đầu và rối loạn thị giác. Tuy ca mổ thất bại nhưng bằng phẫu thuật tử thi người ta phát hiện thấy sự phì đại của thùy não, giúp khoa học hiểu sâu thêm về những căn bệnh liên quan đến não bộ. Sau ca mổ này, Harvey Cushing còn phát hiện thấy 46 trường hợp khác bị tổn thương não thùy, phần lớn là ngoại khoa và cũng nhờ nghiên cứu, Cushing đã mổ và chữa lành bệnh cho nhiều người bệnh, đưa tên tuổi của ông trở thành ngôi sao sáng trong lĩnh vực ngoại thần kinh.
 
Với 70 năm tuổi đời, hơn 40 năm hành nghề, Harvey Cushing đã mổ trên 2.000 ca bệnh u não, làm giảm hơn 10% tỷ lệ tử vong ngoại khoa. Tuy rất thành công trong lĩnh vực phẫu thuật nhưng ông lại không muốn đồng nghiệp tôn vinh quá mức, bởi theo Cushing, bác sĩ phẫu thuật thần kinh phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ thần kinh, hiểu được tỉ mỉ các vấn đề về thần kinh và bản chất của bệnh nếu không họ chỉ là những thợ mổ chuyên nghiệp không hơn không kém.

Những năm đầu thể kỷ XX, Harvey Cushing đã phát triển thành công nhiều kỹ thuật phẫu thuật cơ bản não người. Với những nghiên cứu này đã đưa Cushing thành người tiên phong, “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh hiện đại. Những đóng góp to lớn của Cushing phải kể đến việc nhiều người bị khối u sọ não được cứu sống nhờ phẫu thuật. Cushing cũng là người tiên phong đi đầu để áp dụng tia X mới được phát minh vào cho việc chẩn đoán khối u não, dùng kỹ thuật kích hoạt bằng điện cho lĩnh vực nghiên cứu vùng não trước của con người. Đặc biệt, ông còn là thầy thuốc tiên phong, hợp tác với nhà vật lý học WT Bovie phát triển công cụ đốt điện Bovi, hoàn thiện phương pháp đo huyết áp không xâm lấn của Riva-Rocci (Italia), Pierre Potain (Pháp) và Nikolai Korotkov (Nga) và đưa vào áp dụng tại khu vực Bắc Mỹ.

 Bộ mẫu vật nghiên cứu về não người của Harvey Cushing.
Đằng sau sự thành công của Harvey Cushing còn có thấp thoáng bóng hình BS. Sir William Osler (1849-1919), thầy thuốc nội khoa nổi tiếng người mà Harvey Cushing tình cờ gặp ở Anh. Vị bác sĩ này đã định hướng cho Cushing đi sâu vào lĩnh vực phẫu thuật thần kinh. Suốt thời gian dài, vị bác sĩ này là người thầy, người cha dẫn đường cho Harvey, ông không chỉ truyền nghề mà còn truyền cảm hứng thuộc nhiều lĩnh vực khác cho Harvey Cushing như văn hóa, y học, triết học, văn học, lịch sử và cả y học kinh điển..., giúp Cushing trở thành một nhà khoa học tài ba hay bác sĩ “thời Phục Hưng” của thế kỷ XX.
 
Để tưởng nhớ người thầy vĩ đại này, năm 1925, trước khi Osler qua đời, Harvey Cushing đã công bố cuốn sách do chính ông viết về người thầy của mình, được dư luận đánh giá là ấn phẩm bán chạy nhất (best seller) và được trao giải Pulitzer năm 1926.  Với 70 năm tuổi đời (qua đời ngày 7/10/1939), Harvey Cushing đã để lại cho nhân loại nguồn tài sản vô giá,  đó là những kỹ thuật, nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực thần kinh và ngành nội tiết học, ông được thưởng nhiều huân huy chương cao quý như Huân chương Lister cho đóng góp trong lĩnh vực phẫu thuật.
 
Năm 1988, bưu điện Mỹ đã phát hành bộ tem tôn vinh Cushing như là một người Mỹ vĩ đại, nhiều công cụ phẫu thuật trong ngành y hiện nay vẫn mang tên ông. Vào thời điểm qua đời, bộ mẫu vật não người do ông thực hiện vẫn chưa kết thúc, nhưng nó đã thuộc về Trường ĐH Yale. Qua bộ sưu tập này, người ta đã được chiêm ngưỡng trên 500 bộ não của con người mắc các loại bệnh khác nhau đựng trong bình thủy tinh, một ý tưởng táo bạo “đi trước thời đại” được Cushing thực hiện từ khi ông bắt đầu tham gia lĩnh vực phẫu thuật não.

       KHẮC NAM (Theo Net/WP, 4/2012)


Ý kiến của bạn