Người hút thuốc lá có nguy cơ ung thư vòm họng cao gấp nhiều lần người bình thường

15-05-2017 16:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, ung thư vòm họng là bệnh đứng hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu-mặt-cổ và là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam. Đa số những người mắc bệnh ung thư vòm họng đã từng hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc lá.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Còn tại Việt Nam, theo tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, năm 2015 người Việt Nam chi 31 nghìn tỷ đồng mua thuốc lá. Cùng với đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mãn tính là 23 nghìn tỷ đồng/năm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, khi tiến hành khảo sát 10 người bất kỳ thì 9 người được hỏi đều biết rằng, thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng và là tác nhân hàng đầu gây ra ung thư vòm họng, ung thư phổi. Tuy nhiên, đáng lo ngại là ít người hiểu rõ cơ chế gây bệnh cũng như nắm vững cách thức phòng chống những tác hại từ thuốc lá.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An cho biết, ung thư vòm họng là bệnh đứng hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu-mặt-cổ và là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam.

Những biểu hiện của ung thư vòm họng

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An cho biết ung thư vòm thường được phát hiện muộn do bệnh tiến triển âm thầm, các triệu chứng của bệnh không đặc thù, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, hơn nữa vùng vòm ở sâu, là khu vực không dễ tiếp cận để thăm khám đối với các bác sỹ không chuyên khoa. Các triệu chứng của bệnh hầu hết là các triệu chứng “mượn” của các cơ quan lân cận và thường biểu hiện ở một bên:

- Biểu hiện ở mũi: Ngạt tắc mũi, chảy mủ mũi, chảy máu mũi, nói giọng mũi.

Biểu hiện  ở tai: U làm tắc vòi tai gây viêm tai giữa biểu hiện đau tai, ù tai, chóng mặt, nghe kém, có thể chảy mủ tai.

- Biểu hiện  ở mắt: Khu u lan rộng vào nền sọ, gây liệt các dây thần kinh chi phối hoạt động mắt biểu hiện lác mắt, lồi mắt, sụp mi, giảm thị lực…

- Hạch cổ: Là dấu hiệu thường gặp, gặp ở 60-90% các trường hợp.

Ngoài ra còn có các biểu hiện toàn thân khác thường gặp như đau đầu nhiều, gầy sút cân trong thời gian ngắn, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân… cũng cần phải  được lưu ý.


PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc – Cố vấn Bv Đa khoa An Việt cho biết ung thư vòm thường được phát hiện muộn do bệnh tiến triển âm thầm

Ðiều trị ung thư vòm họng

Về điều trị ung thư vòm họng, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc – Cố vấn Bv Đa khoa An Việt cho biết, sau khi được chẩn đoán, các bác sỹ sẽ xác  định giai đoạn của bệnh, căn cứ vào giai đoạn bệnh cùng một vài yếu tố khác để quyết  định kế hoạch điều trị và tiên lượng bệnh. Các biện pháp điều trị chính hiện nay gồm có:

- Tia xạ: Với ung thư vòm hiện nay, xạ trị là phương pháp điều trị quan trọng nhất, chiếu tia cả khối u và hạch cổ nếu có. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các bác sỹ có thể xác định chính xác trường chiếu tia dựa vào các hình ảnh không gian 3 chiều nhằm tăng tối đa tác dụng của tia xạ trên khối u đồng thời hạn chế làm tổn thương mô lành.

- Hóa chất: Trước đây hóa chất chỉ được sử dụng khi ung thư vòm có di căn xa hoặc khi điều trị tia xạ thất bại, xu hướng mới hiện nay là điều trị tia xạ kết hợp với hóa chất ngay từ đầu để làm tăng hiệu quả điều trị triệt để khối u.

- Phẫu thuật: Do vòm họng nằm ở vị trí giải phẫu chật hẹp và sâu nên trước đây phẫu thuật không có  vai trò quan trọng trong điều trị triệt để mà chỉ có vai trò trong việc lấy bệnh phẩm để chẩn đoán bệnh. Ngày nay với sự  tiến bộ của phẫu thuật nền sọ, kết hợp với nội soi đã mở ra cơ hội chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân ung thư vòm thể kém đáp ứng với tia xạ như thể sừng hóa hoặc tái phát. Ngoài ra phẫu thuật còn có thể loại bỏ các hạch di căn ở vùng cổ giai đoạn còn khu trú.

Ngoài các phương pháp điều trị cơ bản như  trên, các nhà khoa học hiện nay đang nỗ lực nghiên cứu các biện pháp điều trị mới dựa trên sinh học phân tử, công nghệ gen, miễn dịch học…  và bước đầu đã cho thấy hiệu quả điều trị  tích cực.

Video: Theo PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc – Cố vấn Bv Đa khoa An Việt, ung thư vòm họng nếu phát hiện sớm cơ hội chữa khỏi (sống sau 5 năm) và khỏi hẳn rất cao

Tiên lượng bệnh phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh khi được phát hiện, nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm tỷ lệ sống trên 5 năm sau điều trị có thể lên tới trên 70%, 80%, nhiều trường hợp khỏi hẳn.

Với ung thư vòm giai đoạn muộn, tỷ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, tỷ lệ sống thêm trên 5 năm thấp từ 10% tới 40%. Tiên lượng bệnh còn phụ thuộc nhiều vào thể ung thư, ung thư biểu mô không biệt hóa có tiên lượng tốt nhất vì rất nhạy cảm với tia xạ, ung thư mô liên kết có tiên lượng kém nhất.

Còn với ung thư phổi, bác sĩ Nguyễn Văn Khai, Bệnh viện K trung ương cho rằng, tình trạng ung thư phổi ngày càng gia tăng ở mức báo động. Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 13 lần so với những người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tuỳ theo loại tế bào ung thư. Mặt khác, tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi 20-30%. Để phòng ngừa bệnh, mỗi người nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá và tránh xa nơi có khói thuốc lá.

Trên đây là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thực trạng và phương pháp tầm soát ung thư vòm họng, ung thư phổi” vừa diễn ra tại Hà Nội hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá năm 2017. Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia y tế đến từ Bệnh viện K, Bệnh viện Tai-Mũi-Họng trung ương, Bệnh viện Đa khoa An Việt đã tiến hành tầm soát miễn phí tai-mũi-họng và chụp X-quang phát hiện ung thư phổi cho khoảng 100 người.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn