Hà Nội

Người Hồng Kông phản ứng sách trắng Trung Quốc

12-06-2014 14:51 | Quốc tế
google news

Nhiều người Hồng Kông ủng hộ dân chủ đã có phản ứng giận dữ sau khi Chính phủ Trung Quốc công bố sách trắng khẳng định quyền kiểm soát hoàn toàn của mình đối với đặc khu hành chính này.

Nhiều người Hồng Kông ủng hộ dân chủ đã có phản ứng giận dữ sau khi Chính phủ Trung Quốc công bố sách trắng khẳng định quyền kiểm soát hoàn toàn của mình đối với đặc khu hành chính này.

Văn kiện trên được công bố vài ngày sau khi hơn 100.000 người Hồng Kông xuống đường đòi có thêm nhiều quyền ở vùng lãnh thổ này.

Nội dung sách trắng nhấn mạnh Hồng Kông không có "sự tự trị đầy đủ" và phải chịu sự giám sát của Bắc Kinh. Nó được công bố vào thời điểm đang diễn ra cuộc tranh luận gây gắt ở Hồng Kông về cải cách bầu cử và bản chất của khái niệm "một quốc gia, hai chế độ".

Người Hồng Kông phản đối sách trắng của Trung Quốc hôm 11-6. Ảnh: AP

Người Hồng Kông phản đối sách trắng của Trung Quốc hôm 11-6.

Luật sư Alan Leong, thủ lĩnh Đảng Công dân ủng hộ dân chủ, tỏ thái độ thất vọng với sách trắng của Trung Quốc. Ông chỉ trích: "Tài liệu này hoàn toàn khác xa sự hiểu biết của chúng tôi về cái gọi là một quốc gia, hai chế độ". Ông chỉ trích Bắc Kinh đã nuốt lời hứa để Hồng Kông hưởng quyền tự trị cao độ khi đặc khu này được trả về Trung Quốc năm 1997.

Nhiều nhà phân tích cho rằng việc công bố sách trắng đầu tiên nói trên là lời cảnh báo mà Trung Quốc muốn gửi đến những nhà hoạt động đang yêu cầu quyền bỏ phiếu phổ thông vào năm 2017, thời điểm người dân Hồng Kông bầu lãnh đạo mới. Joseph Cheng, giáo sư chính trị khoa học tại Đại học Hồng Kông, cho rằng sách trắng là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây sức ép lên cuộc tranh luận về cải cách bầu cử. "Đây là một phần của chiến dịch nhằm cảnh báo người Hồng Kông rằng họ phải chấp nhận hệ thống bầu cử mà Trung Quốc muốn áp đặt" - ông Cheng nói.

Ông Cheng nhận định nhiều người dân Hồng Kông có phản ứng lo ngại và thất vọng với sách trắng mới công bố. "Nếu Bắc Kinh không chấp nhận một hệ thống bầu cử dân chủ ở Hồng Kông thì chính quyền ở đây sẽ bị xem là không hợp pháp" - ông Cheng cảnh báo.

Bộ luật cơ bản của Hồng Kông thiết lập mục tiêu bầu lãnh đạo đặc khu này thông qua phổ thông đầu phiếu. Vào năm 2007, Chính phủ Trung Quốc cho biết điều này có thể xảy ra sớm nhất là vào năm 2017. Tranh luận đã nổ ra khi những người ủng hộ dân chủ muốn bầu cử diễn ra mà không có ngoại lệ nào. Trong khi đó, phe thân Bắc Kinh cho rằng chỉ có những ứng viên nào "yêu Trung Quốc" mới được phép ra tranh cử.

Vị trí trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông hiện được bầu chọn bởi một ủy ban gồm 1.200 thành viên, phần lớn là những người thân Bắc Kinh và doanh nhân.

 

 


Ý kiến của bạn