Người hộ lý ba mươi năm vác xác tử thi

06-04-2016 07:02 | Y tế
google news

SKĐS - Từ thủa còn là học sinh, chúng tôi đã nghe danh chị Sáu “vác xác tử thi” với sự khâm phục cao độ. Chị đã làm một công việc mà ngay cả đàn ông cũng ít người dám làm.

Từ thủa còn là học sinh, chúng tôi đã nghe danh chị Sáu “vác xác tử thi” với  sự khâm phục cao độ. Chị đã làm một công việc mà ngay cả đàn ông cũng ít người dám làm. Nay gặp lại chị mới được biết nhiều về công việc mà chị đã làm.

Chị tên là Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1955 ở làng Phan, xã Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An. Học xong phổ thông, năm 1975, chị vào bộ đội, đơn vị xây dựng, đóng quân ở Đăk Lăk. Đến năm 1978 thì chị ra quân, làm công nhân ở Hợp tác xã mành trúc Tân Hoa. Năm 1983, chị là nhân viên hộ lý tại Bệnh viện huyện Yên Thành. Từ đó cho đến khi về hưu năm 2012, chị chuyên làm công việc đưa xác tử thi xuống nhà lạnh.

Chị Nguyễn Thị Sáu.

Đây là một công việc rất nặng nhọc, ngoài sức khỏe ra thì phải  dũng cảm và tâm huyết mới đảm đương được. Ngày trước, bệnh viện chưa có trang thiết bị hiện đại như bây giờ. Công việc đưa tử thi xuống nhà lạnh rất vất vả, khó khăn. Nhiều năm, chị phải ôm xác tử thi từ giường bệnh xuống nhà lạnh cách cả trăm mét chỉ bằng hai bàn tay mà chẳng có giường đẩy như bây giờ.

Chị kể: Có bệnh nhân bị bệnh nằm liệt giường lâu ngày, mùi hôi bốc lên và nhìn thi thể rất sợ nhưng chị vẫn phải ôm xác họ đi trong đêm khuya vắng. Xuống đến nhà lạnh, bước vào phòng thấy ba xác chết khác, ngoài trời màn đêm đen kịt, không một bóng người đi lại, chị ôm xác bệnh nhân vào, thắp hương cho họ rồi về phòng và thức trắng đêm không tài nào chợp mắt được.

Công việc của chị là đặc thù, không có ngày nghỉ, cứ khi nào có bệnh nhân qua đời là lãnh đạo gọi chị đến. Có lần, một bệnh nhi tử vong khi mới 12 tuổi giữa đêm khuya. Chị phải đem xác xuống nhà lạnh để hôm sau người nhà đến đưa về nhà mai táng. Khi chị ôm xác thiếu niên xấu số đi, người mẹ vì thương con đã không giữ được bình tĩnh kêu gào thảm thiết rồi chị ta cứ lôi con mình trở lại, không cho chị bước đi. Chị phải động viên mãi rồi cũng đưa tử thi xuống được phòng lạnh. Vừa đặt được tử thi lên giường thì người mẹ đó đã bước ngay vào. Và chị ta cứ ngồi bên giường người con đã mất mà gào khóc. Chị Sáu định đóng cửa phòng về nhưng nhìn người mẹ đau khổ ủ rũ mãi, chị không đành lòng nên ở lại. Chị ngồi với người mẹ tội nghiệp đó mãi đến sáng mới về.

Có nhiều tử thi rất nặng cân, chị phải chật vật lắm mới đưa xác đến nhà lạnh được. Lại có tử thi bị tai nạn trông thi thể rất thảm hại, chân tay, đầu ngực băng bó và vết máu còn loang cả người chị. Nhưng chị vẫn phải một mình đem xác họ xuống nhà lạnh.

Chị nhớ  một trường hợp: Anh này chết vì tai nạn, khi đưa đến bệnh viện thì đã tắt thở. Mà khi đó lại là đêm khuya, người đem nạn nhân vào viện chỉ là người đi đường. Sau khi đưa nạn nhân vào thì họ cũng đã rời bệnh viện. Chị lại phải mang xác bệnh nhân vào nhà lạnh để chờ gia đình đến. Chị đưa xác đi trong đêm. Ôm trong tay một thân thể nát nhừ những vết thương và máu. Đêm đó không ngủ được đã đành, hôm sau chị chẳng dám ăn cơm mà chỉ uống được cốc sữa nóng.

Trường hợp chị nhớ nhất là một cụ bà không nơi nương tựa. Cụ được hàng xóm đưa vào bệnh viện rồi mất. Chờ năm hôm mà không có người nhà đến nhận xác. Xác minh rõ thì được biết, bà cụ không có người thân, nơi tá túc cuối cùng cũng chỉ là tạm bợ. Chị đã mạnh dạn đề xuất bệnh viện lo mai táng cụ, còn chị thì cúng cơm bà cụ cho đến khi hết khó thì gửi vong linh bà cụ vào chùa.

Em Nguyễn Văn Đức, người được chị Sáu cưu mang từ năm học lớp 5 đến lớp 9.

Không chỉ tận tâm với người đã mất, chị Sáu còn nhiều lần hiến máu nhân đạo cứu người. BS. Phan Trọng Thông - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Yên Thành cho biết: “Làm việc với chị Sáu không lâu nhưng đã nhiều lần tôi chứng kiến chị Sáu tự nguyện hiến máu cứu người. Tiêu biểu nhất là lần cấp cứu anh Phan Văn Nhân ở xã Hoa Thành. Anh bị mất máu nhiều, khi đó lại chỉ có chị Sáu là cùng nhóm máu. Mặc dù đã hiến máu vào thời gian trước đó không lâu nhưng chị Sáu vẫn sẵn sàng cho máu. Nếu không có chị Sáu, anh Nhân khó mà qua khỏi”.

Làm công việc lượm xác mãi, có lúc chị định xin lãnh đạo chuyển sang làm việc khác. Nhưng rồi chị nghĩ, mình mà nghỉ thì chẳng tìm ra người thay thế, rồi chị lại không nghĩ đến chuyện bỏ nghề nữa. Cứ như thế, chị đã làm công việc mà ít người dám làm này đến 30 năm mới nghỉ hưu.

Buồn nhất là vì nghề mà chị phải hy sinh hạnh phúc gia đình. Mối tình của chị với anh Hanh ở xã bên lẽ ra đã nên duyên chồng vợ. Khi yêu nhau, chị đang làm công nhân của Hợp tác xã mành trúc Tân Hoa ở huyện lỵ. Anh Hanh khi đó là bộ đội, mỗi năm hai người gặp nhau một lần kỳ anh nghỉ phép. Họ yêu nhau từ khi chị còn là bộ đội đóng quân gần đơn vị anh ở Đăk Lăk. Những ngày chị còn là công nhân, mỗi lần anh về phép là chị vui như trẻ con đón Tết. Những cánh thư hò hẹn cứ đều đều đến và đi tưởng như không gì có thể chia cách họ. Anh hẹn đến ngày ra quân sẽ tổ chức hôn lễ. Nhưng rồi, khi biết chị làm ở bệnh viện và công việc hàng ngày là ôm xác tử thi xuống nhà xác thì anh không còn mặn nồng với chị nữa. Anh khuyên chị bỏ việc nhưng chị không nghe. Thế rồi anh không liên lạc với chị nữa. Hai năm sau ngày chị làm ở bệnh viện, anh lấy vợ và cô dâu là một người khác.

Sau này, cũng có vài người đàn ông để ý tìm hiểu và muốn kết tóc se duyên với chị nhưng họ lần lượt rút lui. Lý do chính là họ ngại khi làm chồng một người vợ làm công việc như chị.

Bây giờ, đã 60 tuổi, chị chưa một lần được hưởng hạnh phúc của một người vợ, người mẹ.

Ở một mình, chị lại nhận nuôi những đứa trẻ cơ nhỡ. Hầu như trong nhà chị khi nào cũng có những đứa trẻ mà chị nhận nuôi. Chúng là con những người bạn, những đồng đội cũ có hoàn cảnh khó khăn. Cũng có khi chúng chỉ là người làng người xã hoặc hoàn toàn xa lạ, do hoàn cảnh nên chị nhận về để cưu mang. Khi chúng lớn khôn lại lần lượt rời xa chị. Trong căn nhà của chị ở ngã ba xã Vĩnh Thành không mấy khi thiếu trẻ nhỏ. Mới đây nhất là em Nguyễn Văn Đức, nhà ở Đồng Thành, mẹ mất, chị nhận về nuôi ăn học từ lớp 5 đến lớp 9, bây giờ thì Đức đã về ở với bà nội.

Đời chị thường cho nhiều hơn nhận. Chị có hai mảnh đất, một là miếng đất khá rộng gần Bệnh viện huyện Yên Thành, chị cũng cho đứa cháu làm nhà còn chị thì đang ở ngôi nhà ở xã Vĩnh Thành. Hôm tôi gặp chị, thấy chị đang tay bai cùng đám thợ làm nhà cho cháu. Hết việc xã hội đến việc gia đình, chị luôn tận tâm vì người khác.

Chị Sáu, một người đàn bà hiếm có vì một đời làm việc thiện.


Bài, ảnh: Phan Xuân Hậu
Ý kiến của bạn