Hà Nội

Người H’Mông ở Lào Cai trồng dược liệu xóa nghèo

28-10-2023 19:23 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Cây cát cánh đã trở thành một trong 5 loại cây dược liệu chủ lực của tỉnh Lào Cai. Không những cậy, từ loại dược liệu phải nhập khẩu nay cát cánh đã có thể đáp ứng nhu cầu trong nước với chất lượng cao.

Ở vùng đất nhiều đá, khô hạn như ở xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), nếu canh tác cây trồng theo phương pháp cũ không những vất vả mà còn hiệu quả không cao. Người đồng bào dân tộc cũng vì đó mà có thu nhập kém, bấp bênh.

Người dân tộc H'Mông ở Tả Van Chư đã được tiếp nhận với dự án trồng dược liệu để thay đổi cuộc sống. Người dân H'Mông trồng loại dược liệu cát cánh – loại dược liệu mang đến thu nhập cao và ổn định.

Người H’Mông ở Lào Cai trồng dược liệu xóa nghèo - Ảnh 1.

Đồng bào h’Mông ở Tả Văn Chư thu hoạch cây cát cánh

Lả Gì Thàng là một trong những thôn trồng nhiều cát cánh nhất ở xã tả Van Chư. Cách đây hơn một năm, nhiều hộ trong thôn đã tham gia mô hình trồng cây cát cánh. Như gia đình anh Giàng Seo Tráng với 1ha cây cát cánh, chỉ sau 1 năm gia đình anh thu về gần 150 triệu đồng. Sau đó anh tiếp tục phát triển nhân rộng lên 2h cát cánh và cây ăn quả ôn đới. Số thu nhập từ dược liệu ổn định và cao hơn trồng ngô, gia đình anh cũng thoát khỏi cảnh nghèo, cuộc sống dần ổn định hơn.  Nhiều hộ gia đình trong thôn cũng đã thoát khỏi hộ nghèo nhờ cây dược liệu này.

Ông Giàng Seo Sáng - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư mấy năm gần đây người dân đã chuyển đổi từ trồng nông sản sang trồng dược liệu cát cánh. Sự thay đổi này đã đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao hơn nhiều lần. Từ đó, nhiều hộ thoát nghèo nhanh, thu nhập ổn định. Mô hình trồng dược liệu hiệu quả đã là động lực để nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây dược liệu và chăn nuôi gia súc.

Người H’Mông ở Lào Cai trồng dược liệu xóa nghèo - Ảnh 2.

Cây cát cánh giúp người H’Mông ở Lào Cai xóa nghèo.

Không chỉ hướng dẫn người dân gieo trồng, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, xã cũng đã tìm được đầu ra cho cây cát cánh với giá 20.000 đồng/kg củ tươi. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ giống cùng kỹ thuật gieo trồng và bao tiêu sản phẩm. Với đầu ra ổn định, người dân có thể yên tâm gieo trồng, mở rộng diện tích dược liệu.

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã hợp tác với Viện nghiên cứu và Ứng dụng y dược học cổ truyền để tăng sản lượng đầu ra mỗi năm dự kiến mua dược liệu từ 20 tấn sản phẩm khô trở lên. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã tham gia thu mua sản phẩm dược liệu, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.

Cây cát cánh đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân H'Mông. Tính riêng năm 2022, tổng diện tích trồng cát cánh của toàn xã đã lên tới 77ha. Không những vậy, toàn bộ sản phẩm được các doanh nghiệp đến tận nơi thu mua. Dự kiến năm 2023, đồng bào người H'Mông ở Tả Van Chư sẽ phấn đấu đạt mục tiêu trồng 80ha cây cát cánh. Không những vậy, người dân nơi đây còn kết hợp đầu tư phát triển du lịch mùa hoa nở, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập.

Xem thêm video được quan tâm:

Uống trà khi ăn bánh trung thu có ich lợi gì? | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn