Người hiền xứ Huế

14-08-2019 06:27 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Xấp xỉ tuổi 80, hàng ngày, ông vẫn đi chợ Bến Ngự xứ Huế để mua thực phẩm về cho vợ nấu nướng. Vui vẻ với “sớ đi chợ” trong tay, ghi chi chít các thức, món cần mua, nhà văn Tô Nhuận Vỹ vui vẻ cười chào, hỏi han từng cô bán rau, chị bán bắp, mỳ, khoai, bà hàng cá, bác gia vị...

Đó là cách để ông tiếp cận với thực tế cuộc sống sinh động hàng ngày, âm thầm tiếp sinh lực cho ngòi bút của ông.

Nhưng trước khi vào chợ, Tô Nhuận Vỹ đã kịp thưởng thức hai chầu cà phê sáng với hai nhóm cà phê trí thức bậc cao của Huế, nhóm cà phê già gồm những lão làng trong giới văn chương, khoa học, tầm tuổi từ 60-80, nhóm thứ hai là nhóm trí thức trẻ tuổi từ 30-50. Ông chơi được với cả người trẻ lẫn người già bởi sự phóng khoáng, cởi mở, trẻ trung hiếm thấy ở tuổi của ông. Với độ phổ rộng các tầng lớp tiếp cận như vậy, nhà văn không chỉ luôn dồi dào thông tin mà còn tích lũy tư liệu quý để tiếp tục viết pho sách đồ sộ về lịch sử, con người vùng đất cố đô.

Không định kiến

Thời thanh niên nhiệt huyết, ngoài 20 tuổi, Tô Nhuận Vỹ là anh sinh viên trắng trẻo đẹp trai ngành sư phạm xung phong vào chiến trường, chiến đấu nơi tuyến đầu. Nhớ bữa đầu tiên vào trận đánh, Tô Nhuận Vỹ run rẩy khi thấy đạn vãi như mưa, anh nằm bẹp dí dưới hào không dám nhô đầu lên. Nhưng sau đó, anh khá tự ái khi thấy những người chỉ huy, đồng đội dày dạn không hề sợ hãi, vẫn lao lên dưới làn mưa đạn, anh cũng liều mình lao lên chiến đấu, tìm cách sống sót để chiến đấu.

Trong chiến tranh lửa đạn, một quả rocket địch đã khiến anh lính trẻ Tô Nhuận Vỹ bị thương, vỡ hông và một mảng bụng. Mảnh rocket còn ghim chặt bàn tay trái của anh vào bụng. Được đưa vào nhà dân cấp cứu, thiếu phương tiện y tế, người ta phải dùng cái bát tô chụp giữ phần ruột lòi ra khỏi bụng, băng chặt lại rồi đưa anh về tuyến sau cứu chữa.

Lần bị thương quá nặng ấy, không tử trận, lại còn tìm được một tình yêu mãnh liệt, Tô Nhuận Vỹ cho rằng đó là cái “số” của mình. Tình yêu nơi chiến trường đẹp và “nhiệt” tới mức khiến anh lính bị thương đã viết liền bộ tiểu thuyết 3 tập Dòng sông phẳng lặng. Sau này, dù đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp nhưng Tô Nhuận Vỹ không bao giờ có thể viết nhanh, viết dài đến mức đó nữa.

Sau chiến tranh, Tô Nhuận Vỹ vừa làm công tác đối ngoại vừa làm công tác văn học nghệ thuật. Dù công việc vô cùng bận rộn nhưng với bản tính phóng khoáng, tư tưởng cởi mở và nhất là tiêu chí “đặt lòng yêu nước lên trên hết”, Tô Nhuận Vỹ đã kết nối thành công mối quan hệ giữa các nhà văn Việt Nam và Mỹ mà điển hình là quan hệ gắn bó, lâu dài, hiệu quả với trung tâm William Joiner của Mỹ, đóng góp vào các lĩnh vực giao lưu văn hóa, trợ giúp y tế, giáo dục cho Việt Nam sau chiến tranh. Với tinh thần không định kiến, chỉ tập trung và trân trọng tấm lòng đóng góp, phát triển đất nước, ông cũng là người có công đầu trong việc kêu gọi những nhà văn Việt kiều trở lại quê hương, vì tư tưởng hòa hợp và hòa giải văn học. Dẫu vậy, ban đầu, việc kết nối này của ông đã từng bị phản đối dữ dội. Không để mình bị ảnh hưởng bởi những người còn mang tư tưởng “cũ một cách chân thành, kém một cách thật thà”, Tô Nhuận Vỹ chỉ đơn giản làm theo những gì “con tim mách bảo” cùng với trí tuệ của ông, nỗ lực hàn gắn những vết thương tinh thần, để người Việt Nam, người Mỹ có thể làm bạn với nhau sau chiến tranh, để những Việt kiều từng có tư tưởng khác hoặc ở phía đối địch có thể trở lại quê hương, trong vòng tay ấm áp của bà con, bạn hữu.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ tại Vân Nam và Côn Minh - Trung Quốc.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ tại Vân Nam và Côn Minh - Trung Quốc.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ tại Vân Nam và Côn Minh - Trung Quốc.

Không giận dữ

Bạn văn gặp gỡ Tô Nhuận Vỹ bất kể lúc nào đều thấy ông vui, nhiệt tình, trong câu chuyện với ông hàm chứa đậm đặc trí tuệ, sự mới mẻ, hấp dẫn. Có cảm giác như ông trẻ hơn so với tuổi gần 80 của mình nhiều lắm. Bí quyết cho sự trẻ trung đó là “không giận dữ”. Dù ai đó ganh ghét, đố kỵ, hay đơn giản là hiểu lầm mà từng “chơi xấu, nói xấu” ông thì Tô Nhuận Vỹ đều xem như không có chuyện gì, bỏ qua nhẹ nhàng. Sự buông bỏ dễ dàng đó khiến lòng ông nhẹ nhõm, thanh thản, khiến ông chơi được nhiều hơn theo nghĩa rộng nhất của từ này.

Là một thương binh, lại phơi nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, cũng mắc tiểu đường hơn 2 chục năm nay, nhưng nhìn ông, cảm giác như chẳng bệnh gì. Ở tuổi gần 80, ông đi lại vừa đủ độ nhanh nhẹn, tư duy tốc độ và sắc sảo. Những vấn đề về sức khỏe do chiến tranh, do tuổi tác dường như chẳng tác động được đến ông. Ông vẫn sống khỏe, trẻ trung và còn đóng góp hữu ích cho công tác văn chương, đối ngoại. Trong khi đó, một số người quen của ông, ở tuổi 60-70 đã phải về thế giới bên kia. Tại sao có sự khác biệt như vậy? Tô Nhuận Vỹ tâm niệm câu nói “Trong đối ngoại, khó nhất là đối nội”, tương tự “kẻ thù lớn nhất là chính mình”. Ông dù làm đối ngoại nhưng không hút thuốc, rượu cũng chỉ nhấp môi, ăn uống điều độ và điều quan trọng nhất là không được sống nanh nọc. Ông thường dặn vợ con, trong câu chuyện vui miệng thường ngày, tuyệt đối tránh thói quen nói xấu người vắng mặt. Hãy theo lời dạy của Phật, rằng nói xấu người khác chính là “ném tro ngược gió, ngửa mặt lên trời nhổ nước bọt”, chính mình sẽ lãnh đủ hậu quả.

Ông cũng không cần theo chế độ tập thể dục quá căng thẳng. Kể từ lần bị thương nặng hụt chết trong chiến trường năm 1968, được đưa sang Trung Quốc chữa bệnh, ông học được bài tập thở dưỡng thể theo phương pháp khí công và đều đặn tập từ đó đến nay, cho hiệu quả rất tốt. Mỗi tối, chỉ cần hít thở theo phương pháp đó chừng chục nhịp là ông đã ngủ được ngon lành. Câu nói cửa miệng của Tô Nhuận Vỹ khi người quen hỏi thăm sức khỏe của ông là “tôi ăn được, ngủ tốt”. Dù đi công tác ở đâu, trong điều kiện như thế nào, ông vẫn luôn ăn ngủ tốt như đang ở nhà.

Không cần nổi tiếng

Về hưu gần 2 thập kỷ nay, đã thoát khỏi sự vụ bộn bề nhưng Tô Nhuận Vỹ cũng không cần viết hối hả, xuất bản cho thật nhiều sách. Nhìn trên văn đàn có những người xuất bản ồ ạt, nổi tiếng một cách vô nghĩa, Tô Nhuận Vỹ chỉ rút ra kinh nghiệm cho chính mình, rằng nổi tiếng như thế chỉ tự rơi vào vòng luẩn quẩn, tự làm khổ mình mà không hay. Điều quan trọng mà ông coi là nguyên tắc sống bất di bất dịch, đó là sự chân thành với chính mình và mọi người xung quanh. Bất kể điều gì khi ông nói ra cũng đều là điều ông nghĩ, xuất phát từ trái tim, lòng chân thành. Sống như vậy không phải là dễ nhưng đó là cách sống hạnh phúc. Ông sống là chính mình từng ngày, bình tĩnh, sống đầy đặn và chiêm nghiệm để viết cuốn sách quan trọng. Ông cũng không tự ép mình vào một thời hạn nào đó phải viết xong, phải xuất bản. Ông chỉ làm thật kỹ ở giá trị cuốn sách. Cần chiêm nghiệm đủ lâu, đủ sâu để cuốn sách về lịch sử, con người xứ Huế có được giá trị nặng ký.

Dù làm công tác ngoại giao nhưng ông vẫn rút ra được kinh nghiệm rằng ngoại giao muốn đạt vẫn phải đối đãi bằng sự chân thành chứ không phải là sự khôn khéo. Con người vĩnh viễn không thể đóng kịch mà có được tình cảm. Bí quyết trong cuộc đời làm ngoại giao, kết nối của ông, đó là sự kiên định với lòng chân thành. Với nhà văn Tô Nhuận Vỹ, chỉ có một nguồn vốn duy nhất là lòng chân thành để ngoại giao và kết nối bền vững với bạn hữu năm châu.

Niềm vui bình dị của ông bây giờ là từ 5h30 sáng, ông ra sông Hương hít thở khí trời trong lành - thứ khí trời tươi mới sớm mai mà ông coi là một loại dưỡng dược miễn phí từ đất trời. Và sau hai chuyến cà phê ăn sáng với giới trí thức cả già và trẻ xứ Huế, ông sẽ thong thả rút “sớ đi chợ” trong túi ra và đến chợ Bến Ngự, vui vẻ cười nói, mua hết loạt cho các cô bán rau, chị bán bắp, mỳ, khoai, bà hàng cá, hàng rau quả..., mua không mặc cả và không lấy lại tiền thừa. Bởi ông hiểu, những người phụ nữ bán hàng lam lũ ở chợ này đang nhặt từng đồng tiền lẻ chắt chiu nuôi cả gia đình, với con thơ, chồng vừa dại vừa lười, cha mẹ già bệnh. Ông thông cảm và hiểu họ qua câu chuyện ông lắng nghe họ thật sâu, trong lúc mua hàng và hỏi han ân cần, chia sẻ lòng tử tế đời thường bình dị.


Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn