Người hiến tặng giác mạc đầu tiên ở Hoà Bình là cụ ông 86 tuổi

01-12-2024 13:26 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Một cụ ông 86 tuổi vừa qua đời tại TP Hòa Bình, nhưng trước khi từ giã cõi đời, cụ đã để lại một di nguyện vô cùng cao cả: hiến toàn bộ mô tạng, trong đó có giác mạc, để giúp đỡ những bệnh nhân mù lòa và những người cần ghép tạng hồi sinh sự sống...

Trưa nay (1/12), thông tin từ Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, chiều qua (30/11), Ngân Hàng Mắt nhận được một cuộc gọi đầy xúc động từ Hoà Bình.

Đó là cuộc gọi của thân nhân cụ ông nói trên về di nguyện vô cùng cao cả của cụ trước khi từ giã cõi đời: Mong muốn hiến tặng toàn bộ mô tạng, trong đó có giác mạc, để giúp đỡ những bệnh nhân mù lòa và những người cần ghép tạng để hồi sinh sự sống.

Sinh thời, cụ ông còn bày tỏ nguyện vọng muốn hiến máu của mình, bởi cụ biết mình thuộc nhóm máu O nhóm máu có thể cứu sống tất cả mọi người.

Người thân của cụ ông cho biết, tuy cụ đã cao tuổi nhưng luôn giữ gìn sức khỏe để mong sao khi ra đi có thể hiến tặng những cơ quan đó để cứu sống nhiều người. Cụ ông còn vui vẻ nói thêm rằng, nếu di nguyện hiến tặng của mình được thực hiện, ông sẽ 'mỉm cười ngay khi hỏa táng'!

Một lời nhắn nhủ đầy xúc động về việc được tiếp tục sống qua hành động nhân văn của cụ ông...

Người hiến tặng giác mạc đầu tiên ở Hoà Bình là cụ ông 86 tuổi- Ảnh 1.

Cán bộ của Ngân hàng Mắt thu nhận giác mạc theo di nguyện của cụ ông trước khi qua đời...

Ngay sau đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Ngân Hàng Mắt đã khẩn trương lên đường đến Hòa Bình, giúp cụ ông thực hiện di nguyện cuối cùng...

Quá trình thu nhận giác mạc diễn ra nhanh chóng, nhưng vẫn tràn đầy thiêng liêng. Giây phút này không chỉ có các kỹ thuật viên thu nhận của Ngân Hàng Mắt, mà còn có sự chứng kiến của bà Phạm Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Hòa Bình cùng đại diện chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ TP Hòa Bình và gia đình cụ ông, bà con lối xóm.

Họ đã chứng kiến một hành động đầy nhân văn, vượt qua ranh giới sinh tử, để ánh sáng có thể tiếp tục đến với những bệnh nhân đang chờ đợi từng ngày...

Tại nơi cụ ông đang sống, việc hiến tặng giác mạc và di nguyện hiến tặng mô tạng của cụ ông đã tạo ra một tác động sâu sắc. Bà con hàng xóm rất ủng hộ và cảm kích trước hành động cao đẹp của cụ. Nhiều người đã đến động viên gia đình, bày tỏ sự khâm phục và chia sẻ nỗi buồn với họ. Đặc biệt, rất nhiều người đã bày tỏ mong muốn đăng ký hiến tặng mô tạng ngay lập tức, vì họ cảm nhận được sức mạnh của hành động nhân văn này.

Sự ủng hộ từ cộng đồng không chỉ là sự khích lệ tinh thần cho gia đình, mà còn là sự khẳng định về sức lan tỏa mạnh mẽ của lòng nhân ái và tình người trong xã hội.

Bà Phạm Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Nghĩa cử cao đẹp của cụ ông là tấm gương sáng cho cộng đồng. Hành động của cụ đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người tại địa phương.

Bà Ánh cũng cho biết thêm đây là trường hợp hiến tặng giác mạc đầu tiên của tỉnh, dù đau buồn nhưng gia đình, địa phương đồng thời cũng vinh dự và tự hào.

Nhiều bệnh nhân phải chờ đợi 5-6 năm vẫn không có nguồn giác mạc để ghépNhiều bệnh nhân phải chờ đợi 5-6 năm vẫn không có nguồn giác mạc để ghép

SKĐS - Sau 17 năm kể từ ca hiến giác mạc đầu tiên, cả nước đã có gần 1.000 người đã hiến giác mạc. Hiện cả nước có trên 300.000 người mù cần được ghép giác mạc. Nhu cầu ghép giác mạc cao nhưng tỉ lệ hiến quá thấp...


Thái Bình/ Ảnh: Đức Tâm
Ý kiến của bạn