Theo quy định tại Điều 17 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, thì không quy định kinh phí dành cho chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí đối với người đã hiến mô, tạng tại cơ sở y tế cũng như khám sức khỏe định kỳ miễn phí sẽ được lấy từ nguồn nào? từ ngân sách Nhà nước (quỹ riêng) hay thông qua BHYT?
Mặt khác, Luật BHYT cũng không có nội dung nào quy định về thanh toán chi phí cho việc chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi hiến cũng như khám sức khỏe định kỳ miễn phí đối với người đã hiến mô, tạng. Do đó, từ ngày 1/7/2007 đến nay, quyền và lợi ích chính đáng của người đã hiến tạng khi còn sống vẫn chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, hai hệ thống pháp luật trên vẫn chưa có quy định đối với trường hợp người ghép mô, tạng có thẻ BHYT có được thanh toán kinh phí xét nghiệm, sàng lọc cũng như ghép mô, tạng hay không? Đó là một thiệt thòi rất lớn cho bệnh nhân có thẻ BHYT.
Ngoài ra, một vấn đề hết sức bất cập hiện nay là pháp luật của Nhà nước và ngành y tế ra sức khuyến khích, thúc đẩy việc tình nguyện hiến tặng mô, tạng không vụ lợi, vì mục đích cứu chữa người bệnh từ người hiến sống hay sau khi chết, chết não (bất kể người đó là người thân hay trong gia đình), tuy nhiên để một người tình nguyện hiến tặng mô, tạng thực hiện được nghĩa cử cao đẹp đó, tất yếu phải qua một loạt các xét nghiệm y học nghiêm ngặt, chặt chẽ để bảo đảm tính tương thích, hòa hợp giữa người hiến và người ghép, tuy nhiên, kinh phí để xét nghiệm đó lại bắt người tình nguyện hiến tặng chi trả, cho dù người đó có thẻ BHYT cũng không được thanh toán. Không lẽ một người đã tình nguyện hiến tặng mô, tạng lại còn phải bỏ ra khoản kinh phí to lớn đó để làm xét nghiệm trước khi hiến được hay không? Ngoài ra, cơ sở y tế cũng không có kinh phí để thanh toán cho mục chi này, đây là một lỗ hổng về chính sách để khuyến khích đối với người hiến tặng mô, tạng khi còn sống, trong khi người hiến tặng mô, tạng không có bất kỳ lợi ích vật chất nào để bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe (chí ít như hiến máu nhân đạo?).
Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi cho người hiến mô tạng?
Để tăng cường số người hiến tặng mô, tạng nhân đạo, vì lợi ích của cộng đồng và góp phần chống lại hiện tượng mua bán nội tạng gây bất ổn cho xã hội, cần có quy định tôn vinh xứng đáng sự hy sinh và nghĩa cử cao đẹp của người đã hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não theo hướng:
- Đối với người hiến tặng mô, tạng khi còn sống (bất kể người hiến tặng là người thân cùng huyết thống hoặc người hiến tặng vô danh):
Được ngân sách Nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám sàng lọc, tư vấn, xét nghiệm, đánh giá đủ điều kiện hiến tặng mô, tạng. Kể cả chí phí xét nghiệm, sàng lọc đến giai đoạn cuối cho kết quả người đăng ký hiến không đủ điều kiện để hiến tặng theo quy định.
Được thanh toán toàn bộ chi phí mổ lấy mô, tạng, chi phí chăm sóc hồi phục sức khỏe ngay sau khi hiến tặng và chi phí định kỳ khám sức khỏe ngay tại cơ sở y tế đã hiến tặng hoặc nơi gần nhất (theo yêu cầu của người hiến).
Được bồi dưỡng một phần vật chất để hồi phục sức khỏe sau khi đã hiến tặng mô, tạng (đặc biệt đối với người đã hiến tạng vì hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài đến người đã hiến là không nhỏ) như quy định trong hiến máu nhân đạo và phần vật chất này được trích từ ngân sách Nhà nước (qua Quỹ hỗ trợ người hiến tặng mô, tạng do Nhà nước thành lập hoặc từ Quỹ BHYT...).
Được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời kể từ ngày hiến tạng và thẻ BHYT này phải được ưu tiên khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào phù hợp (không bị ràng buộc theo chuyển tuyến) và được thanh toán ở hạng mức cao nhất 100% và thời gian có hiệu lực của thẻ nên kéo dài 3 hoặc 5 năm cấp một lần để hạn chết vất vả cho người hiến tặng.
Ngoài ra, cần có chế độ ưu đãi đặc thù khác như: Có chế độ ưu tiên học phí ở hệ thống các trường đào tạo công lập, chế độ miễn giảm viện phí (hoặc một trong những người con, cháu của họ được hưởng quyền lợi này); được ưu tiên khi đi các phương tiện giao thông công cộng... và các chế độ, chính sách phù hợp khác.
- Đối với người hiến tặng sau khi chết, chết não:
Được miễn toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế trước khi chết não và hiến tạng;
Được hỗ trợ vận chuyển thi thể về địa phương và chi phí mai táng;
Bố mẹ hoặc con được tặng thẻ BHYT miễn phí suốt đời kể từ ngày hiến tặng và được thanh toán ở hạng mức cao nhất 100% và thời gian có hiệu lực của thẻ nên kéo dài 3 hoặc 5 năm cấp một lần để hạn chế vất vả cho người hiến tặng.
Ngoài ra, có chế độ ưu tiên học phí ở hệ thống các trường đào tạo công lập cho bố mẹ hoặc con của họ; được ưu tiên khi đi các phương tiện giao thông công cộng... và các chế độ, chính sách phù hợp khác.