Bệnh huyết tán ở trẻ sơ sinh
Chúng ta có tất cả bốn nhóm máu khác nhau là A,B,AB, O và yếu tố Rhesus (ký hiệu là Rh). Nếu thử trong máu có kháng nguyên Rh thì gọi là Rh dương tính ( ), nếu không có kháng nguyên Rh thì gọi là Rh âm tính (-). Rhesus thực chất là một chất protein có trên các tế bào màu đỏ (hồng cầu) cùng với các protein khác A, B, AB, O để phân biệt các nhóm máu. Sự phân loại máu rất quan trọng không chỉ trong lúc truyền máu. Thí dụ người có nhóm máu A thì chỉ có thể tiếp nhận được máu từ người nhóm A và nhóm O/Rh(-) mà thôi. Nếu nhận máu từ các nhóm khác sẽ gây ra phản ứng dị ứng, thậm chí gây tử vong vì các yếu tố A, B, AB, O, Rh là những antigen (kháng nguyên) làm cho cơ thể tạo ra kháng thể chống lại các nhóm máu khác và hủy hoại nhóm máu khác. Với người phụ nữ có Rh(-) kết hôn với người chồng có Rh ( ) thì em bé có thể là Rh( ) cũng có thể Rh(-). Nếu em bé Rh( ) và mẹ có Rh(-) thì cơ thể người mẹ sẽ tạo ra kháng thể chống lại yếu tố Rh( ), hủy hoại hồng cầu của bé và gây ra thiếu máu trầm trọng, vàng da nặng, các bệnh về não thậm chí tử vong.
Vào những năm 1960, có hàng ngàn em bé tử vong mỗi năm, các sản phụ sảy thai liên tục ở Australia. Sau khi nghiên cứu các bác sĩ xác định đó chính là căn bệnh Rhesus hay còn gọi là bệnh huyết tán ở trẻ sơ sinh. Điều kiện gây bệnh là phụ nữ nhóm máu Rh(-) mang thai em bé có nhóm máu Rh( ).
Kháng thể hiếm và “cánh tay vàng” của ông James Harrison
Sau khi tiếp nhận máu của Harrison, các bác sĩ phát hiện máu của ông chứa một kháng thể hiếm giúp trẻ sơ sinh không bị tử vong do căn bệnh Rhesus. Từ những năm 1960, ông đã làm việc với các nhà nghiên cứu để phát triển kháng thể này thành thuốc tiêm có tên immunoglobulin Anti-D, còn gọi là globulin miễn dịch Rh. Loại thuốc tiêm này giúp ngăn sản phụ có nhóm máu Rh(-) sản sinh kháng thể tấn công máu Rh( ) trong thai kỳ. Liều đầu tiên được tiêm cho một phụ nữ mang thai tại Bệnh viện Royal Prince Alfred năm 1967. Ông Harrison tiếp tục hiến máu trong suốt hơn 60 năm, giúp tạo ra hàng triệu liều Anti-D bởi có đến 17% sản phụ ở Australia cần Anti-D. Mỗi lô thuốc Anti-D được sản xuất ở Australia đều đến từ máu của James.
Ông James Harrison trong lần hiến máu cuối cùng vào ngày 11/5/2018.
Khởi nguồn của việc hiến máu này là vào năm 1951, khi ông James Harrison ở độ tuổi 14 đã phải trải qua ca phẫu thuật lồng ngực, ông bị cắt mất một lá phổi và phải nằm viện điều trị trong suốt thời gian dài. Trong thời gian này, để duy trì sự sống của James Harrison, các bác sĩ đã sử dụng lượng máu lớn từ các tình nguyện viên. Sau khi tỉnh lại và biết mình giữ được tính mạng từ 13 đơn vị máu của những người tốt bụng không quen biết. Ông Jamas Harrison đã quyết tâm sẽ thực hiện việc hiến máu cứu người khi đủ tuổi bởi luật pháp Austrailia quy định người tham gia hiến máu phải đủ 18 tuổi trở lên. Từ năm 1955, ông Jamas Harrison bắt đầu đi đến Hội Chữ thập đỏ Australia hàng tuần để hiến máu. Ngày đầu tiên hiến máu, bác sĩ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện máu của ông có thể là câu trả lời giúp cứu sống hàng nghìn mạng sống của trẻ sơ sinh ở Australia mỗi năm.
Cơ chế hoạt động
Đối với hầu hết mọi người, dù họ có Rh( ) hay Rh(-) sẽ không tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống. Nhưng với phụ nữ mang thai, việc mẹ và con có Rh trái ngược nhau sẽ có tác hại lớn. Bởi vì các tế bào máu Rh( ) của em bé sẽ rò rỉ vào máu của mẹ, hệ thống miễn dịch của người mẹ nhận diện Rh( ) là yếu tố gây hại, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể, các kháng thể này có thể đi qua nhau thai phá hủy các tế bào máu đỏ của bào thai.
Để ngăn ngừa các vấn đề về Rh không tương thích, các bác sĩ sẽ kiểm tra máu của sản phụ ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ hoặc trước khi mang thai. Nếu người mẹ có Rh(-) sẽ được nhận tiêm thuốc anti -D có tác dụng bao phủ bề mặt của các tế bào máu Rh( ) từ con sang mẹ và ngăn không cho người mẹ sản xuất các kháng thể.
Các nhà khoa học không chắc tại sao cơ thể ông Harrison lại sản xuất một cách tự nhiên loại kháng thể hiếm có này, họ phỏng đoán nó có thể liên quan đến lần truyền 13 đơn vị máu khi ông 14 tuổi. Sau khi truyền máu, hệ thống miễn dịch của ông đã điều chỉnh nồng độ kháng thể với các tế bào máu dương tính, điều này có nghĩa bản thân ông Harrison là Rh âm tính.
Ngày 11/5 vừa qua, ông Harrison đã thực hiện chuyến đi cuối cùng đến trung tâm hiến máu. Ở tuổi 81, ông đã vượt quá ngưỡng tuổi cho phép hiến máu, các bác sĩ khuyên ông nên dừng lại để bảo vệ sức khỏe. Đến nay, sau hơn 6 thập kỷ, ông Harrison đã hiến máu 1.173 lần và cứu sống hơn 2 triệu trẻ sơ sinh. TS. Saima Aftab, Giám đốc Y tế của Bệnh viện Nhi đồng ở Miami, Mỹ cho biết: “Điều trị bằng globulin miễn dịch Rh từ huyết tương của Harrison đã ngăn ngừa được bệnh Rhesus được coi là một trong những phát hiện cách mạng lớn nhất của thế kỷ trước”. Mỗi bịch máu đều quý giá song máu của James Harrison vô cùng đặc biệt nó được dùng làm thuốc chữa bệnh cho những bà mẹ Rh(-) có nguy cơ tấn công đứa con mang nhóm máu Rh( ) chưa chào đời.