Tình đầu và bi kịch không lời
Phải nói khoảng hơn mười năm dựng nghiệp của nhạc sĩ Từ Công Phụng ở Sài Gòn đều gắn liền với câu chuyện về người đẹp kiêm ca sĩ Từ Dung. Hai người đã tạo nên một cặp song ca nổi bật cùng với hai cặp trai tài, gái sắc khác là Trịnh Công Sơn - Khánh Ly và Lê Uyên - Phương, vào những năm giữa thập niên 60. Nếu âm nhạc Trịnh Công Sơn lừng lẫy với những ca khúc về thân phận và những suy tư về chiến tranh, thì ca khúc của Từ Công Phụng lại là những giai điệu đẹp về nỗi buồn thăm thẳm trong cõi nhớ. Hoặc bên cạnh sự nồng nhiệt, bay bổng trong những ca khúc của Lê Uyên, thì sự long lanh và huyền bí về âm sắc của Từ Công Phụng lại làm mê hoặc lòng người. Mỗi cặp song ca là một sự cuốn hút mang lại sự đa dạng, làm lay động không khí âm nhạc vào thời kỳ xã hội đầy biến động, bắt đầu từ năm 1965.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Trước khi cặp đôi song ca với người đẹp, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã có những chùm ca khúc gây dấu ấn khá đặc biệt như Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Tuổi xa người, Mắt lệ cho người; hoặc cùng với đó là Trên ngọn tình sầu và Giữ đời cho nhau. Từ Dung gặp Từ Công Phụng như một định mệnh, với một tình yêu say đắm của một cặp trai tài gái sắc, vào năm 1967. Bởi người đẹp Từ Dung không những có giọng hát truyền cảm mà còn là một nữ sinh đã từng đoạt giải Á khôi, trong một cuộc thi sắc đẹp tại Sài Gòn vào năm 1966. Cô đã gặp nhạc sĩ Từ Công Phụng tại một lớp học thanh nhạc của ca sĩ Hà Châu. Với dáng vóc cao lớn và tác phong nghệ sĩ lãng tử, điềm đạm và ân cần, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã hút hồn cô học trò Từ Dung. Ngay năm sau, hai người xuất hiện trên sân khấu trong khuôn viên Đại học Văn khoa và cùng hát ca khúc Bây giờ tháng mấy. Và cũng từ đó cặp song ca này nổi bật với những tình ca da diết chan chứa nỗi buồn của Từ Công Phụng. Đến năm 1971, sau khi đã thành vợ chồng (cưới năm 1969), cặp song ca này xuất hiện trên truyền hình với cuộn băng Tơ Vàng 3 (Album ca khúc Từ Công Phụng). Họ cùng hát các ca khúc Vùng trời kỷ niệm và Mùa thu mây ngàn. Riêng ca sĩ Từ Dung hát đơn ca ba bài Đêm không cùng, Lời cuối và Đêm độc thoại. Đó là kết quả của một cuộc tình nồng nàn và mê đắm cùng với những thăng hoa về âm nhạc.
Có thể nói tình yêu của hai người cũng là mạch nguồn cảm xúc cho không ít những ca khúc mà Từ Công Phụng đã viết trong thời kỳ này. Phong cách trữ tình của Từ Công Phụng ngày càng nặng trĩu nỗi lòng và sự dằn vặt trong tâm hồn. Cùng với đó những lời ca viết ra chan chứa niềm xót xa và u uẩn, âm thầm. Đó là những tuyển tập Tình khúc Từ Công Phụng (1968 - tái bản 1969); Trên ngọn tình sầu (1970); tập hợp khoảng 20 tình khúc. Hầu hết đó là những bi kịch của nội tâm người nghệ sĩ. Hình ảnh buồn dịu dàng của mùa thu và nỗi cô đơn luôn ám ảnh lòng người. Nào là “Mùa thu bơ vơ đến bên trời” (Mùa thu mây ngàn), hay “mùa thu chết bên sông” hay nhẹ nhàng hơn là “mùa thu trút lá vàng ngậm ngùi...”; hoặc mộng mị u ám: “nghìn thu đắng cay trên từng nỗi khốn cùng...” (Như ngọn buồn rơi). Chính những nỗi niềm chia xa, khắc khoải và nỗi buồn mùa thu chợt đến luôn luôn hiện lên những cung bậc xao động trong tâm hồn nghệ sĩ đã làm nên một chất liệu dị biệt trong âm nhạc Từ Công Phụng.
Mấy năm sau, những biến động trong tình yêu và hôn nhân cùng những đổi thay của thế sự xã hội đã gây dấu ấn hoang mang trong âm nhạc của Từ Công Phụng. Có thể nói ca khúc Chiếc que diêm viết vào thời điểm năm 1975, thể hiện rõ bi kịch trong nội tâm Từ Công Phụng: “Tình ta sớm muộn gì cũng hấp hối... Thôi cũng đành như chiếc que diêm một lần lóe lên. Thắp đi em sáng lung linh, buồn một cõi riêng. Những đêm sâu, những canh thâu. Nghe nước mắt nặng giọt sầu”. Vài năm sau, cặp đôi song ca họ Từ đã chia tay, không rõ lý do. Hình ảnh cuối cùng còn lại đó là quán cà phê mang tên Từ Dung của hai người, mở ở phố Trần Quang Khải vào năm 1976, được bạn bè đồng nghiệp hay ghé thăm cũng đóng cửa. Mỗi người một nơi. Bi kịch cuộc đời trở nên bí ẩn. Vì sau khi ly hôn. Từ Dung không bao giờ thấy xuất hiện. Kể cả từ năm 1980, nhạc sĩ Từ Công Phụng đi định cư ở Mỹ, cho đến nay hai người cũng không còn liên hệ gì với nhau. Cô bặt tin từ đó. Một ngôi sao vụt tắt trên bầu trời ca nhạc. Đúng như Từ Công Phụng đã viết: “Ôi! Tiếng hát em đêm nào mọc cánh bay đi. Lạc vào vùng trời mưa lạnh giá. Ôi! Những cánh tay đem buồn ghi lên vùng tuổi vắng. Rót sầu trên tiếng hát đi hoang” (Đêm độc thoại).
Bìa sách ca khúc của nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Mãi mãi bên em
Từ Công Phụng mang theo hành trang cho cuộc viễn du tha hương là những ca khúc mới sáng tác trước khi ra đi là Hóa kiếp; Mắt lệ cho người và Trên những ngày tháng đã qua; hay Tự tình mùa xuân... Chúng được phổ biến trên đất Mỹ với ánh sáng mới. Và ở đây, Từ Công Phụng đã gặp chị Kim Ái, trên con đường mưu sinh. Không bao lâu hai người thành hôn và bắt đầu cuộc sống mới với những dự định tương lai tại tiểu bang Oregan. Một hành trình âm nhạc mới của Từ Công Phụng cũng bắt đầu từ đây. Hạnh phúc đem lại một nguồn cảm xúc đổi thay, như một sự hòa âm khởi sắc cho những ca khúc của Từ Công Phụng. Cũng vẫn nỗi cô đơn của thân phận tha hương nhưng đã được sưởi ấm bởi ngọn lửa hy vọng. Giai điệu trong những ca khúc sau này của Từ Công Phụng bớt sầu muộn mà dịu dàng hơn, thoát khỏi ánh sáng tâm cảm siêu thực trong nỗi cô đơn. Những bi kịch tâm hồn như đã được giải thoát trong những tình khúc sau này mà khởi đầu là Hóa kiếp, với những lời hát mơ mộng và êm ái: “Nghe gió ngàn hát ca. Nghe biển xanh thầm thì. Bản tình ca hạnh phúc. Trong cuộc tình đôi ta...”.
Phải nói hạnh phúc là chỗ dựa tinh thần hết sức bền vững và sâu sắc đối với một nghệ sĩ giàu cảm xúc như Từ Công Phụng. Nhiều ca khúc sáng tác sau này của Từ Công Phụng đã thể hiện sự trong sáng và lãng mạn bất tận. Người nghe đã yêu thêm Từ Công Phụng ở một khía cạnh khác, đằm thắm và tràn đầy nỗi khát khao với cuộc sống. Nếu ở bài Mãi mãi bên em, người nghe hòa nhập vào cảm xúc da diết qua lời ca: “Gọi tên em lòng náo nức đêm mơ. Anh mơ sẽ bên em cho đến tận cuộc đời. Nếu có điều gì vĩnh cửu được em ơi. Thì em ơi đó là tình yêu chúng ta”; thì ở ca khúc Tạ ơn em, nhạc sĩ Từ Công Phụng lại chân tình và nồng ấm làm sao: “Ơn em thơ dại từ trời. Theo ta đi xuống biển vớt đời ta trôi. Ơn em dáng mộng mưa vời. Theo ta lên núi, về đồi yêu thương. Tạ ơn em. Tạ ơn em...”. Không còn nỗi cô đơn và bi thương trong trái tim lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn. Cho dù đường đời không suôn sẻ, anh đã thoát hồn về Xứ thâm trầm nhưng nỗi buồn trong con tim vẫn được tình yêu sưởi ấm cho dù vẫn còn phảng phất nỗi cô đơn của thân phận tha hương: “Một lần em có nói. Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này. Sẽ không còn ngàn kiếp truân chuyên. Và hết nhân duyên. Tôi trở về kết đọng linh hồn. Làm mặt đá xây hồ lãng quên”. Nhưng cuối cùng vẫn là lời ca về Mùa xuân và tình yêu em đã đem lại niềm vui sống trong chặng đường hạnh phúc còn lại: “Tình yêu trong tim ta em nghe chăng bừng nở. Như cánh hoa hồng thơm hương đời em...”. Có một gương mặt cô đơn khác của Từ Công Phụng không u tối mà được chiếu rọi qua ánh sáng hy vọng và được sưởi ấm bởi một tình yêu chân thành và mãnh liệt. Chuyến về nước biểu diễn của nhạc sĩ Từ Công Phụng, năm 2008 khán giả đã nhận ra điều đó. Tình ca của ông đẹp hơn, da diết, quyến rũ nhưng không còn đậm nỗi xót xa như xưa.
Sau những cơn bạo bệnh
Sự trầm mặc trong cuộc đời nghệ sĩ Từ Công Phụng bất ngờ gặp tai họa làm đảo lộn cuộc sống của ông. Đó là chuyện nhạc sĩ bị bạo bệnh, hai lần ung thư vào những năm 2006 và 2010. Nhưng sau những năm tháng kiên trì chữa chạy và có lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh nội lực, cùng với sự chăm sóc hết lòng của người vợ, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo. Sau chặng đường nửa thế kỷ sáng tác của mình, nhạc sĩ nghiệm ra tình yêu cuộc sống là sự cứu rỗi linh hồn con người. Những nỗi buồn của quá khứ cần được sưởi ấm bằng tình yêu và niềm tin về một tương lai tốt đẹp.
Chính vì lẽ đó, có lần nhạc sĩ đã tự bạch, ca khúc Mãi mãi bên em là một dâng hiến dành cho người bạn đời hiện tại của ông, trong chặng đường cuối của cuộc đời ngắn ngủi này. Đồng thời đó cũng là bản tình ca mà nhạc sĩ Từ Công Phụng muốn tặng cho tất cả những tình yêu trên trái đất, bởi tình yêu đã nuôi dưỡng sự sống mỗi ngày một tươi sáng và hạnh phúc. Hãy lắng nghe ông hát rằng: “Rồi mai đây anh sẽ đón em về. Mở cửa hồn em vào đó rong chơi. Em có thấy tình anh ngát hương hoa. Ngây ngất mãi một đời vì em thôi”. Và, trái tim nhạc sĩ luôn đập nhịp thiết tha với niềm tin - Nếu có điều gì vĩnh cửu được. Thì em ơi, đó là tình yêu chúng ta. Tâm hồn người nghệ sĩ Từ Công Phụng luôn luôn nồng nàn. Âm nhạc của ông mãi mãi thuộc về tình yêu.