Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân
Bộ Y tế nêu rõ tại dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một người hành nghề được đăng ký tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc: Không được trùng thời gian khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký; Được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đồng ý bằng văn bản, hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng;
Người hành nghề được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh theo giấy phép hành nghề ở nhiều cơ sở khác nhau hoặc phụ trách chuyên môn tại một cơ sở khác hoặc chịu trách nhiệm chuyên môn của một cơ sở khác không trùng thời gian với cơ sở đã đăng ký.
Người đã đăng ký phụ trách một bộ phận chuyên môn tại một cơ sở được phép đăng ký thêm: Khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khác hoặc chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác
Người đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn tại một cơ sở được phép đăng ký thêm: Khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khác hoặc phụ trách chuyên môn tại một cơ sở khác hoặc chịu trách nhiệm chuyên môn của một cơ sở khác không trùng thời gian với cơ sở đã đăng ký.
Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.
Trường hợp nào bị đình chỉ hành nghề khám chữa bệnh?
Về thủ tục đình chỉ hành nghề, đối với trường hợp người hành nghề bị đình chỉ theo kết luận của Hội đồng chuyên môn theo quy định tại Điều 101 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (điểm a khoản 1 Điều 34 Luật Khám bệnh, chữa bệnh):
- Trường hợp Hội đồng chuyên môn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 101 Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
- Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn có trách nhiệm ký văn bản gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ tịch Hội đồng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ lý do đề nghị đình chỉ hành nghề;
- Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm ban hành quyết định đình chỉ. Nội dung quyết định đình chỉ phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng chuyên môn.
- Trường hợp Hội đồng chuyên môn do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 101 Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
- Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn có trách nhiệm ký văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó phải nêu rõ lý do đề nghị đình chỉ hành nghề;
- Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Chủ tịch Hội đồng chuyên môn quy định tại điểm b khoản này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm ban hành quyết định đình chỉ. Nội dung quyết định đình chỉ phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng chuyên môn.
Đối với trường hợp người hành nghề bị đình chỉ theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền về có vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhưng chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề (điểm b khoản 1 Điều 34 Luật Khám bệnh, chữa bệnh):
- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận người hành nghề vi phạm đạo đức nghề nghiệp không có chức năng đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề:
- Cơ quan có thẩm quyền gửi kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong đó đề nghị và nêu rõ lý do đình chỉ hành nghề cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp người hành nghề;
- Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp người hành nghề có trách nhiệm ban hành quyết định đình chỉ hành nghề. Nội dung quyết định đình chỉ hành nghề phải căn cứ vào văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận người hành nghề vi phạm đạo đức nghề nghiệp có chức năng đình chỉ thu hồi, giấy phép hành nghề:
Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản kết luận, cơ quan có thẩm quyền ở điểm này có trách nhiệm ban hành quyết định đình chỉ hành nghề. Nội dung quyết định đình chỉ hành nghề phải căn cứ vào văn bản kết luận.
Đối với trường hợp người hành nghề bị đình chỉ do không đủ sức khỏe để hành nghề (điểm c khoản 1 Điều 34 Luật Khám bệnh, chữa bệnh):
- Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền (bao gồm: Tòa án, cơ quan giám định, cơ sở khám sức khỏe) về việc người hành nghề không đủ sức khỏe để hành nghề, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp người hành nghề có trách nhiệm ban hành quyết định đình chỉ. Nội dung quyết định đình chỉ phải căn cứ vào văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Cũng tại dự thảo này, Bộ Y tế đưa ra thông tin việc quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ phạm vi hành nghề của người hành nghề phải bao gồm các nội dung sau:
- Đình chỉ một phần hay toàn bộ phạm vi hành nghề của người hành nghề, nếu đình chỉ một phần thì nêu rõ phạm vi đình chỉ;
- Thời hạn đình chỉ;
- Yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho người hành nghề;
- Điều kiện tiếp tục hành nghề.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ phạm vi hành nghề của người hành nghề, cơ quan ban hành quyết định đình chỉ có trách nhiệm:
- Gửi quyết định tạm đình chỉ cho người hành nghề hoặc thực hiện việc giới hạn phạm vi hành nghề của người bị đình chỉ trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc, gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hành nghề làm việc để thực hiện và tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh để giám sát;
- Gửi quyết định đình chỉ cho cơ quan đã cấp giấy phép hành nghề cho người hành nghề đó đối với trường hợp cơ quan ra quyết định đình chỉ không phải là cơ quan đã cấp giấy phép hành nghề cho người hành nghề.
Trường hợp trong quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ phạm vi hành nghề của người hành nghề không bắt buộc người hành nghề bị đình chỉ hoạt động phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục thì người hành nghề đó được tiếp tục hành nghề khi hết thời hạn đình chỉ được ghi trong quyết định đình chỉ.
Xử lý sau đình chỉ hành nghề khám chữa bệnh thế nào?
Tại dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tại Điều 27, Bộ Y tế đưa ra 4 nội dung của việc xử lý đình chỉ hành nghề khám chữa bệnh, cụ thể;
- Đối với trường hợp phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục, trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi quyết định đình chỉ hết hiệu lực, người hành nghề phải hoàn thành việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục với số điểm đủ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Sau khi hoàn thành việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, người hành nghề có trách nhiệm gửi kết quả cập nhật kiến thức y khoa liên tục về cơ quan cấp giấy phép hành nghề để tiếp tục hành nghề.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan cấp giấy phép hành nghề có trách nhiệm thông báo cho người hành nghề về việc tiếp tục hành nghề và cập nhật trên hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh chữa bệnh về việc tiếp tục giấy phép hành nghề.
- Trường hợp người hành nghề không hoàn thành việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan cấp giấy phép hành nghề có trách nhiệm thu hồi giấy phép hành nghề trong thời hạn 15 ngày làm việc sau khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này và người hành nghề phải thực hiện thủ tục cấp mới giấy phép hành nghề.
Điều 34. Đình chỉ hành nghề trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 nêu rõ:
1. Người hành nghề bị đình chỉ hành nghề trong các trường hợp sau đây:
a) Bị Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải đình chỉ hành nghề nhưng chưa đến mức bị thu hồi giấy phép hành nghề;
b) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận có vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhưng chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề;
c) Không đủ sức khỏe để hành nghề.
2. Tùy theo tính chất, mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe, người hành nghề bị đình chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng.
3. Sau khi bị đình chỉ hành nghề, tùy tính chất, mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật mà người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa theo kết luận của Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này.