Hà Nội

Người Hàn Quốc chật vật đối phó với làn sóng "siêu rệp"

09-11-2023 10:53 | Quốc tế
google news

Người dân Hàn Quốc đang phải đối mặt với vấn nạn rệp, đến mức một số người phải đứng khi đi tàu điện hoặc xe buýt, một số người thậm chí còn không dám đến rạp chiếu phim.


Một panô cảnh báo về nạn rệp giường tại Hàn Quốc. (Nguồn: The Korea Times)

Sau Pháp, đến lượt người dân Hàn Quốc lại phải đối mặt với nỗi lo sợ về vấn nạn rệp.

Những thông báo về sự xuất hiện của loài ký sinh trùng hút máu này ngày càng nhiều, đến mức một số người phải đứng khi đi tàu điện hoặc xe buýt, một số người thậm chí còn không dám đến rạp chiếu phim.

Theo The Korea Times, rệp gần như đã bị tiêu diệt hoàn toàn tại Hàn Quốc vào những năm 1960, sau khi chính quyền thực hiện quyết liệt các chiến dịch khử trùng diện rộng.

Thậm chí vào năm 1970, chính quyền còn sử dụng cả loại thuốc trừ sâu mạnh dichloro-diphenyl-trichloroethane, thường được gọi là DDT để tiêu diệt rệp.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, người dân khắp Hàn Quốc đã than phiền về sự xuất hiện trở lại của loài côn trùng này.

Trường Đại học Keimyung ở thành phố Daegu, phía Nam Hàn Quốc đã phải tiến hành khử trùng toàn bộ ngôi trường sau khi một số sinh viên bị rệp cắn trong ký túc xá.

Một phòng tắm hơi công cộng tại Inch, một thành phố đông dân ở phía Tây Seoul, cũng phải tạm thời đóng cửa trong tháng trước để khử trùng sau khi phát hiện rệp và ấu trùng rệp ở dưới thảm trải sàn, đánh dấu sự trở lại của loại côn trùng hút máu này ở các khu vực tắm hơi sau nhiều năm vắng bóng.

Vào tuần trước, rệp được phát hiện trong đệm và giấy dán tường của một số phòng trọ tại goshiwon, một nhà trọ bình dân tại phường Jung, trung tâm thủ đô Seoul.

Theo các quan chức địa phương, chỉ riêng tại Seoup đã có đến 17 báo cáo về các trường hợp nghi ngờ có rệp xuất hiện.

Loài ký sinh trùng này chủ yếu hoạt động về đêm. Chúng hút máu người. Tuy không truyền bệnh truyền nhiễm, nhưng vết cắn của rệp có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu như phát ban, ngứa dữ dội, thậm chí dị ứng.

Yook Chae-rim, sinh viên Đại học Hàn Quốc, cho biết trên Yonhap rằng cô rất lo lắng khi nghe tin rệp đã xuất hiện trở lại. “Mặc dù lịch thi dày đặc, tôi vẫn phải lột hết ga trải giường để giặt, sau đó dọn dẹp toàn bộ phòng của mình,” cô cho biết.

Lee, một nhân viên văn phòng 28 tuổi cho biết cô quyết định tránh xa rạp chiếu phim. “Tôi sẽ đợi để xem trực tuyến.”

Một người khác đăng tải trên mạng xã hội rằng cô cảm thấy như sắp “phát điên” vì lo sợ hai con chó và chú mèo già của mình có thể bị rệp cắn.

Một công ty tư nhân chuyên làm dịch vụ khử trùng cho biết họ nhận được 2 đến 3 cuộc gọi mỗi ngày về rệp. Công ty này đã tiến hành diệt côn trùng tại 80 địa điểm ở Seoul vào tháng trước, đồng thời cho rằng có khả năng rệp đã lây lan ra khắp thành phố.

Sau khi thành lập một nhóm liên chính phủ để đối phó với nạn rệp vào tuần trước, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã họp đánh giá các báo cáo về rệp cũng như các mẫu vật thu được.

Seoul, nơi có mật độ dân số cao, là điều kiện lý tưởng cho rệp lây lan. Thành phố đã đưa vào vận hành một trung tâm tiếp nhận các báo cáo về rệp, cho phép người dân nhanh chóng báo với thành phố về sự xuất hiện của loài ký sinh trùng này thông qua các trung tâm y tế công cộng hoặc qua số điện thoại dịch vụ đặc biệt. Báo cáo cũng có thể được gửi vào một thư mục đặc biệt trên website của thành phố.

Sau khi nhận thông tin, các phường sẽ cử cơ quan chức năng đến kiểm tra khu vực được báo cáo.

Hiện tại, các cuộc kiểm tra vệ sinh chuyên sâu đang được tiến hành tại 3/175 cơ sở công cộng có nguy cơ cao bị nhiễm rệp tại Seoul như các khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà tắm và các phòng tắm hơi công cộng được gọi là "jjimjilbang."

Seoul cũng lập kế hoạch thay ghế bọc vải trên các phương tiện công cộng bằng loại vật liệu an toàn hơn.

Gần đây, thành phố khuyến nghị người dân sử dụng thuốc trừ sâu pyrethroid để diệt rệp. Theo tờ JooAng Ilbo, Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia thuộc Bộ Môi trường đã gửi KDCA một danh sách các loại thuốc trừ sâu có thể tiêu diệt rệp. Các thuốc này có chứa Permethrin và Deltamethrin, đều là những chất thuộc họ pyrethroid.

KDCA sau đó đã gửi hướng dẫn diệt trừ rệp tới từng cơ quan chính phủ, khuyến cáo nên phun thuốc diệt côn trùng ở những góc rệp có khả năng xâm nhập.

Tuy nhiên, một nghiên cứu do Đại học Quốc gia Seoul thực hiện cho thấy thuốc diệt côn trùng này không có hiệu quả. Bản nghiên cứu nêu rõ rằng tất cả các loài rệp nhiệt đới hoặc loài bọ cánh cứng Cimex tại Hàn Quốc đã tự phát triển khả năng kháng thuốc trừ sâu pyrethroid mạnh mẽ.

Lee Si-hyeock, giáo sư sinh học và hóa học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: “Gần như tất cả các loại rệp được sử dụng trong thí nghiệm đều có khả năng kháng thuốc trừ sâu pyrethroid, chúng thậm chí có thể sống sót ngay cả khi bị cho vào lọ thuốc trừ sâu.”

Giáo sư Lee Si-hyeock cho biết rệp có sức đề kháng mạnh hơn thuốc trừ sâu 20.000 lần, đồng thời cho biết họ đang xem xét các loại thuốc trừ sâu khác ngoài thuốc trừ sâu pyrethroid./.



Theo TTXVN
Ý kiến của bạn