Đó là tên của tập sách do Hội đồng hương (HĐH) Hà Nội tại Lâm Đồng biên soạn và phát hành ngày 12/9/2014. Phát biểu tại buổi họp mặt giới thiệu tác phẩm này, ông Phan Hữu Giản - Trưởng Ban liên lạc HĐH Hà Nội tại Lâm Đồng - Trưởng ban soạn thảo đã xúc động: “Đây là món quà đặc biệt của những người con xa xứ gởi tặng cố hương nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/2014)…”.
Vượt lên một tác phẩm văn học, nghệ thuật đơn thuần, Người Hà Nội trên cao nguyên xanh (tập 2) có giá trị về mặt văn học sử. Toàn bộ tập sách dày hơn 500 trang với 3 thể loại Văn, Thơ và Ca khúc được tuyển chọn, biên soạn cẩn thận (NXB Hà Nội ấn hành năm 2014); nội dung khắc họa về lịch sử quá trình hình thành Vùng KTM Hà Nội ở Lâm Đồng; chân dung những con người Hà Nội đầu tiên đi mở đất; chủ trương của hai địa phương trong việc thực hiện chiến lược lớn có ý nghĩa quan trọng; phản ánh đời sống về kinh tế, văn hóa, xã hội và sự đổi thay từng ngày cuộc sống của nhân dân Hà Nội trên vùng đất mới…

Trang bìa của Tập sách Người Hà Nội trên cao nguyên xanh.
Có thể nói, tác phẩm Người Hà Nội trên cao nguyên xanh là cuốn sách lịch sử được viết bằng văn chương, trong đó gồm 33 bài văn, bút ký, ký sự, ghi chép, truyện ngắn…; 127 bài thơ và 25 ca khúc của các văn nghệ sĩ chủ yếu sống ở Hà Nội và Lâm Đồng góp sức hoàn thành.
Bạn đọc có thể tìm thấy qua từng trang sách đó là những con người một thời tình nguyện lên xây dựng Vùng KTM với bao nhiêu khó khăn, thử thách… bây giờ đã có cuộc sống kinh tế vững vàng, giàu có; Từ câu chuyện kể về những người đầu tiên ở Hà Đông (Hà Nội) lên Đà Lạt lập ấp (ấp Hà Đông) và trồng hoa ngày nào, để bây giờ trở thành làng hoa truyền thống nổi tiếng của Đà Lạt; Những con người sáng tạo chuyển đổi và thâm canh cây cà phê, chè, dâu tằm, mở rộng trồng hoa công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa của người Hà Nội ở Lâm Hà; Tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa của người Hà Nội với đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương; Hình ảnh của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Hà Nội, Lâm Đồng đã từng về đây trực tiếp chỉ đạo, đề ra chủ trương, phương hướng giúp cho huyện KTM Lâm Hà phát triển; Sự đóng góp thầm lặng của các ông Vũ Hoa Mỹ, Phan Hữu Giản, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Hoàn… - những bậc tiền nhân trên vùng KTM hôm qua và tận đến hôm nay…
Người Hà Nội trên quê mới không dừng lại trong việc ổn định, phát triển kinh tế mà luôn chú trọng đến việc xây dựng đời sống văn hóa mới, duy trì và phát triển văn hóa truyền thống của người Hà Nội thanh lịch. Sự chuyển biến nội tâm của con người không chịu nghèo khó đã vươn lên làm giàu trên vùng đất mới mà mình đã chọn làm quê hương thứ hai được phản ảnh trong các bút ký, ghi chép, truyện ngắn khá sinh động mang hơi thở dào dạt của cuộc sống.
Bên cạnh những bút ký, ghi chép, truyện ngắn rất sắc sảo viết về Vùng KTM Hà Nội trên cao nguyên xanh, tập sách dành hơn 200 trang đăng nhiều bài thơ, các ca khúc hay viết về Vùng KTM Hà Nội tại Lâm Đồng, về vùng đất mới - Lâm Hà, Thành phố Đà Lạt và Thủ đô Hà Nội của nhiều nhà thơ, văn nghệ sĩ trong tỉnh. Người đọc có dịp tiếp cận nhiều thông tin, tư liệu bổ ích khi đề cập đến sự vươn lên không ngừng trong việc chọn mô hình sản xuất kinh doanh cũng như làm du lịch của huyện Lâm Hà, TP. Đà Lạt; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người con Hà Nội trên vùng đất này. Những đổi thay bất ngờ đó đã làm cho diện mạo của huyện Lâm Hà, TP. Đà Lạt thay đổi khác xa rất nhiều so với những năm trước đây…
Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã đến Lâm Đồng, gặp gỡ người Hà Nội trên cao nguyên, dù cuộc sống thay đổi nhưng cốt cách người Hà Nội không mai một mà vẫn vẹn nguyên. Trong lời giới thiệu cuốn sách, ông đã viết: “Chất Hà Nội”, “phong thái Thủ đô” trong mỗi con người ở đây hình như càng đi xa càng có dịp được thể hiện rõ nét hơn, càng tạo cho từng người thêm nhiều tự hào và ý chí vươn lên mạnh mẽ, giàu sáng tạo hơn... Sống khẩn trương, gấp gáp và đồng thời vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, điềm đạm, chu đáo. Sống ào ạt, khai mở nhưng đồng thời lại vẫn giữ được nét tinh tế, thanh lịch, biết kế thừa và phát huy truyền thống cha ông. Biết giữ gìn nền nếp cổ xưa nhưng lại học được cách hòa nhập và thích nghi nhanh chóng với cộng đồng các dân tộc bản địa anh em cùng nhiều vùng miền về tụ hội trên quê hương mới. Đấy là những khía cạnh dễ nhận ra từ một thế hệ người Hà Nội mới, người Hà Nội “ở ngoài Hà Nội”, người Hà Nội biết nối dài những phẩm chất vốn có, biết mở rộng hơn nữa với những gì mình tiếp thu được từ mọi hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của vùng đất hoang sơ mà kỳ vĩ này…”.
THANH DƯƠNG HỒNG