Quỹ Văn hóa Hà Nội (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) vừa phát động cuộc thi làm video ngắn với chủ đề “Người Hà Nội”, tạo sân chơi thiết thực để người dân chia sẻ quan điểm về các vấn đề đời sống xã hội của Hà Nội theo cách của riêng mình. “Người Hà Nội” sẽ tập trung đề cập đến những ứng xử tại Thủ đô hiện nay như việc người dân tham gia giao thông; hoạt động ăn uống; môi trường công sở; các di sản văn hóa cộng đồng...

Nữ sinh ở Hà Nội tươi tắn, gần gũi với một du khách quốc tế. (Ảnh: HQ)
Thực tế phản ánh, với bề dày về lịch sử và văn hóa, Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng cho mọi người thể hiện sự sáng tạo trong các tác phẩm nghệ thuật. Không khó để nhận ra đất và người, cảnh vật Hà Nội đã xuất hiện trong hầu hết các loại hình như văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh... từ xưa đến nay. Hơn nữa, Hà Nội trước đây và hiện tại vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè, du khách quốc tế bởi đất Thăng Long còn đó những con người mến khách, phố cổ rêu phong, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử có giá trị đặc biệt...
Nhưng bên cạnh những vẻ đẹp mà Hà Nội đã tạo nên cảm hứng sáng tác với các văn nghệ sĩ, làm đắm say bạn bè năm châu thì trong thời đại mới, Hà Nội cũng như bao thành phố lớn khác tại Việt Nam (và nhiều nước trên thế giới) phải chịu những tác động nhất định dẫn đến những xê dịch... tiêu cực. Thời gian qua tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng và công chúng thấy rõ sự thay đổi về văn hóa ứng xử của người dân ở Thủ đô ở mức báo động.
Chẳng hạn, nhiều du khách quốc tế đến với Hà Nội từng bị “chặt chém” khi họ mua một món đồ, đi một chiếc taxi để tham quan, ngắm cảnh. Cũng có khách quốc tế sửa đôi dép, đánh đôi giầy ở hè phố Hà Nội bị hét với giá hàng trăm đô la và du khách quốc tế vẫn phải rút “hầu bao” để tránh những phiền toái không đáng có. Cũng nhiều khi, khách nước ngoài dạo ở bờ hồ Hoàn Kiếm, người bán hàng rong lao tới và tự tay đội lên đầu du khách chiếc nón lá, nhét vào tay họ một món quà lưu niệm... rồi bắt họ trả tiền khiến họ bàng hoàng, ngẩn ngơ. Những cách ứng xử thiếu văn hóa ấy ở Hà Nội khiến không ít du khách quốc tế đến phải... sợ. Tuy rằng cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý quyết liệt nhưng đến nay, cách ứng xử thiếu văn hóa trên vẫn tồn tại và diễn ra manh mún tại một số điểm du lịch ở Hà Nội.
Ngoài cách ứng xử thiếu văn hóa với du khách quốc tế ở trên trong hoạt động du lịch, ở Hà Nội nhiều năm qua còn xảy ra hiện tượng xâm hại di tích, di sản. Điển hình là ở Văn miếu Quốc Tử Giám - một địa danh đã trở thành biểu tượng của Hà Nội, mỗi dịp vào kỳ thi tuyển đại học, hàng vạn sĩ tử và phụ huynh lại đổ về đây cầu may. Nhưng không chỉ có dâng hương, các bạn trẻ còn vượt qua hàng rào bảo vệ, bỏ qua sự nhắc nhở của những người có trách nhiệm để vào khu vực văn bia Tiến sĩ để sờ đầu rùa, sờ các văn bia. Chính những hành động thiếu văn hóa này, các bạn trẻ đã làm cho các bia Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám bị bào mòn, làm ảnh hưởng đến di sản cũng như công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cha ông đã để lại.
Trong cuộc sống hằng ngày, Hà Nội vẫn còn đó những cảnh “bún mắng, cháo chửi” khiến không ít người phải lắc đầu ngao ngán. Hoặc khi tham gia giao thông, một số người không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, khi ách tắc thì cố tình đi xe máy lên vỉa hè... Có lẽ, từ những thực tế đó, năm 2012, các cơ quan chức năng hữu quan ở Hà Nội đã lập “Đề án Xây dựng Bộ quy tắc Ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Được biết, tháng 11 tới đây Đề án này sẽ hoàn thiện và sau đó được áp dụng trong thực tế.
Rõ ràng, việc tìm lại hoặc khơi dậy tinh thần trong mỗi người dân về một nếp sống văn minh, thanh lịch và giàu bản sắc văn hóa ở Hà Nội là điều cần thiết. Và Quỹ Văn hóa Hà Nội đã mở ra cuộc thi “Người Hà Nội” với việc đặt ra tiêu chí nội dung tác phẩm dự thi phải đảm bảo việc phản ánh hiện trạng của đối tượng mà tác giả lựa chọn trong tác phẩm và đưa ra quan điểm, suy nghĩ, giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề mà tác giả đề cập. Tham gia cuộc thi này, mọi người thực hiện tác phẩm dưới hình thức video ngắn (Vlog). Việc chọn lựa hình thức Vlog đã đánh trúng lợi thế của nhiều người hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Bởi lẽ Vlog là một công cụ chia sẻ thông tin đang dần trở thành trào lưu thu hút mọi đối tượng sử dụng internet, những nội dung tin tức thể hiện qua Vlog vô cùng đa dạng, mang tính chất sáng tạo cá nhân, tính thời sự về những hiện trạng của đời sống xã hội.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội chia sẻ, khi tham gia cuộc thi “Người Hà Nội”, người chơi không chỉ được thể hiện tài năng, quan điểm sống theo cách sáng tạo riêng, mà còn được giao lưu học hỏi với những người bạn có chung suy nghĩ để góp phần hoàn thiện hình ảnh con người Thủ đô đẹp, thanh lịch, văn minh...
Hoa Quỳnh