Năm nay, do đại dịch COVID-19, đình, chùa tại Hà Nội đóng cửa không đón khách nhưng người dân Hà Nội vẫn đến cửa đình, chùa vái vọng mong năm mới vạn sự bình an, hạnh phúc...
Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy mấy chj em tôi đều hẹn nhau đi lễ vào sáng mùng 1 Tết, bởi không khí đường phố rất yên bình.
"Mặc dù đã biết năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các đền, chùa sẽ đóng cửa nhưng chúng tôi vẫn hẹn nhau đến để vái vọng", cô Lưu Kế Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết
"Đầu xuân năm mới đi lễ chùa để cầu an cho gia đình, cầu cho năm nay dịch COVID giảm đi, hết đi để cho người dân trở lại cuộc sống bình thường, cuộc sống hội nhập tốt hơn, gia đình cùng mọi người đều yên ấm"...
Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến không chỉ có những danh lam thắng cảnh cổ kính mà còn có nhiều di tích văn hoá, lịch sử nổi tiếng. Đặc biệt, những ngày đầu năm người dân có thói quen đến 4 ngôi đền linh thiêng bậc nhất (Thăng Long tứ trấn), bảo vệ và che chở cho mảnh đất Thăng Long kinh kỳ để cầu Bình An cho gia đình.
Đền Quán Thánh (Trấn giữ phía Bắc của kinh thành) nằm ngay ngã tư đường Quán Thánh với đường Thanh Niên, đối diện Hồ Tây luôn quanh năm mát mẻ và thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần đã có công trừ tà diệt quái.
Kiến trúc trong đền có giá trị nghệ thuật cao với những mảnh chạm khắc trên gỗ vô cùng độc đáo trong một không gian bố cục hài hoà. Nổi bật nhất trong đền là tượng Trấn Vũ uy nghiêm được đúc bằng đồng đen với chiều cao gần 4m và nặng khoảng 4 tấn. Tượng Trấn Vũ đã thể hiện nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng độc đáo cũng như khẳng định sự tài hoa và khéo léo của những nghệ nhân Hà thành cách đây ba thể kỷ. Ngoài ra, lễ hội đền Quán Thánh cũng được diễn ra hàng năm vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch.
Người dân tuân thủ 5K đi lễ đầu năm.
Từ xa xưa cha ông ta đã có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” nhằm nói về tập tục trong năm mới. Vào ngày đầu tiên của năm mới, thậm chí ngay sau khi thời khắc giao thừa kết thúc, nhiều người có thói quen mua muối mang về nhà để lấy may mắn cho cả năm, mong muốn về cuộc sống ấm no.
Người dân vái vọng tại Đền Bạch Mã.
Đền Bạch Mã được xây dựng từ năm 866, nằm trong khu phố cổ ở địa chỉ số 76 Hàng Buồm, đền Bạch Mã là một ngôi đền cổ kính, linh thiêng bậc nhất ở Hà Nội. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, vị thần trấn giữ hướng Đông của kinh thành Thăng Long và từng được dân chúng thời xưa vô cùng kính phục và tôn sùng.
Bên cạnh nhiều lễ nghi thủ tục của người Hà Nội cổ vẫn còn tồn tại mãi như một bản sắc văn hoá truyền thống không thể nào mất đi của vùng đất kinh kỳ hoa lệ. Và tục xin chữ đầu năm, xin câu đối ngày đầu năm cũng thế, nó vẫn còn tồn tại theo cùng năm tháng và theo những thói quen ngày lễ Tết của người Hà Nội.
Theo thông tin từ Bộ Y tế: Đến sáng ngày 1 tết (1/2/2022) đã có hơn 2 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta khỏi bệnh, đặc biệt ngày 31/1 có gần 5.000 người khỏi bệnh, vui đón xuân cùng gia đình; Các chuyên gia y tế tiếp tục khuyến cáo, người dân vui Tết không quên thực hiện nghiêm biện pháp 5K.