Múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Lạng Sơn (xứ Lạng) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017. Để có những điệu múa sư tử mèo hấp dẫn, không chỉ là sự khéo léo của người múa, mà phần rất quan trọng tạo nên thành công cho điệu múa là những chiếc mặt nạ của những nghệ nhân. Họ là những người làm ra đạo cụ và người trao truyền cho các thế hệ lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống này.
Gần 80 tuổi nhưng nghệ nhân Hoàng Choóng (dân tộc Tày), xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn vẫn tỉ mẩn miệt mài nhào nặn đất, tô vẽ làm ra những chiếc đầu sư tử mèo độc đáo và đẹp mắt. Đây là sản phẩm thủ công truyền thống, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở xứ Lạng.
Với ông Choóng, bản thân chế tạo ra chiếc đầu sư tử mèo như một cơ duyên. Ngay từ nhỏ, ông được theo các già làng tham gia nhiều hoạt động tại thôn, bản. Lớn hơn, ông được đi biểu diễn cùng đội múa sư tử tại lễ hội lồng tồng ở các địa phương trên địa bàn huyện.
Nghệ nhân Hoàng Choóng chia sẻ, cái độc đáo của đầu sư tử mèo là làm bằng chất liệu đất sét. Để làm ra một đầu sư tử mèo, ông Choóng phải mất hơn một 1 tuần cật lực. Ban đầu phải đi chọn loại đất thó (loại đất sét trắng có ở giữa dòng sông, suối), sau đó mang về giã mịn, sàng sảy đều, cho nước ngâm tới độ mịn, quánh. Tới khi nặn phải tập trung để làm sao đầu sư tử phải đúng nguyên mẫu mà dáng hình ngày càng phong phú, đẹp. Mỗi chiếc đầu sư tử mèo, ông phải tỉ mẩn ngồi nặn, ngắm, chỉnh sửa từng chi tiết.
Sau khi đất se khô thì dán giấy bồi. Công đoạn hưng phấn nhất là việc sơn, vẽ các màu lên các hình thù của sư tử sao cho hợp lý, ấn tượng, bắt mắt. Cuối cùng là gắn các vải đa màu sắc, bông, lông vào đầu và đuôi con sư tử với những dải vải thướt tha. Theo ông Choóng, để làm ra được một chiếc đầu sư tử mèo chuẩn, đẹp đòi hỏi ở người làm phải kiên trì và tỉ mỉ, đường vẽ sắc nét, màu sắc hài hòa, hội tụ đầy đủ thần thái của con sư tử mèo.
Ngoài thực hiện chế tác ra những chiếc đầu sư tử mèo, nghệ nhân Hoàng Choóng còn truyền dạy cách làm cho con cháu trong gia đình để nghề không bị mai một. Không những vậy, ông còn nghiên cứu, bảo tồn các đồ chơi dân gian truyền thống như: Cáy cộc (gà đất gáy), tò he…
Theo lời ông Choóng, người truyền nghề cho ông là cụ Nông Xuân Quyền, một trong những nghệ nhân nổi tiếng trong vùng với những chiếc đầu sư tử mèo sinh động và độc đáo.
Năm 2002, sau khi nghỉ hưu, ông Choóng dành nhiều thời gian để nghiên cứu, chế tác ra những chiếc đầu sư tử mèo, với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng trong những năm qua, nghệ nhân Hoàng Choóng vẫn luôn tích cực tham gia, quảng bá nét độc lạ của những chiếc đầu sư tử mèo và cách biểu diễn. Nghệ nhân Hoàng Choóng luôn có mặt trong các chương trình quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống, triển lãm lãm đặc trưng của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn tại Hà Nội; chương trình Chợ phiên Xứ Lạng, chợ phiên vùng cao tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; tuyến phố đi bộ Kỳ Lừa…