Người giúp việc làm thêm ngày lễ phải được hưởng 300% tiền lương

16-08-2014 14:57 | Thời sự
google news

Người giúp việc gia đình làm thêm ngày thường ít nhất được hưởng 150% tiền lương; làm thêm vào ngày nghỉ hưởng ít nhất 200% tiền lương. Nếu làm thêm ngày lễ, Tết hưởng 300% tiền lương.

Người giúp việc gia đình làm thêm ngày thường ít nhất được hưởng 150% tiền lương; làm thêm vào ngày nghỉ hưởng ít nhất 200% tiền lương. Nếu làm thêm ngày lễ, Tết hưởng 300% tiền lương.

Một lớp dạy kỹ năng giúp việc gia đình (ảnh tư liệu)
Một lớp dạy kỹ năng giúp việc gia đình (ảnh tư liệu)

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số điều của NĐ 27/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Thông tư vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố ngày 15/8.

Đa dạng hình thức trả lương

Liên quan tới đặc thù của công việc giúp việc gia đình, Thông tư 19/2013/TT-BLĐTBXH (gọi tắt là Thông tư) quy định chi tiết việc tính lương tháng, tuần, ngày và giờ.

Theo đó, mức lương trả theo tuần được tính bằng cách lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần. Với lương theo ngày, Thông tư quy định lương tính theo cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định pháp luật mà 2 bên xác định, nhưng không quá 26 ngày/tháng.

Lương theo giờ được tính trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày mà 2 bên xác định và ghi trong hợp đồng.

Về thời gian làm thêm, người lao động làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) vào ngày thường ít nhất được hưởng 150% tiền lương tính theo giờ làm việc.

Nếu trong ngày nghỉ hàng tuần, người lao động làm thêm được hưởng ít nhất bằng 200% tiền lương tính theo ngày làm việc. Với ngày làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết thì mức lương bằng ít nhất 300% tiền lương tính theo ngày làm việc…

Trả bảo hiểm xã hội bằng tiền

Thông tư quy định, người sử dụng lao động sẽ thực hiện trách nhiệm bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người lao động thông qua chỉ trả bằng tiền.

Theo đó, số tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc theo tháng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội cho người lao động cùng với kỳ trả lương.

Nhu cầu tuyển người giúp việc gia đình thạo việc rất nhiều (ảnh tư liệu)
Nhu cầu tuyển người giúp việc gia đình thạo việc rất nhiều (ảnh tư liệu)

Bảo hiểm y tế tương đương với mức đóng BHYT bắt buộc theo tháng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế.

Kỳ hạn trả BHXH, BHYT cùng với kỳ lương, có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Về chấm dứt HĐLĐ, người lao động phải báo trước 15 ngày khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, người lao động thì không được nhận trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng.

Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật thì phải nhận người lao động làm việc trở lại theo hợp đồng đã giao kết. Người sử dụng lao động phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng lương theo HĐLĐ.

Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường nói trên còn phải trả trợ cấp thôi việc (nếu có).

- Thời gian làm việc của người lao động từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần.

- Trường hợp không thể bố trí người lao động nghỉ hàng tuần thi người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đảm bảo để người lao động nghỉ 4 ngày/tháng.

- Mức tiền lương hàng tháng dùng làm căn cứ khấu trù tiền lương của người lao động là mức tiền lương (gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) tính theo tháng ghi trong HĐLĐ.

- Trường hợp tiền lương ghi trong HĐLĐ là tính theo tuần, ngày hoặc giờ thì người sử dụng lao động và người lao động thống nhất quy đổi mức tiền lương theo tháng để làm căn cứ thỏa thuận mức khấu trừ tiền lương của người lao động…

(Theo Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH)

 


Ý kiến của bạn