Nước ngập làm nhấn chìm nhà cửa, hoa màu, tài sản, kéo theo đó là môi trường sống bị ô nhiễm, giao thông chia cắt, thiếu thốn thực phẩm và nước sạch diễn ra trong thời gian dài khiến sức khỏe người dân bị suy giảm nghiêm trọng. Nước rút, đường giao thông xói lở, đất đá, cây cối, xác động vật ngổn ngang khắp nơi, người dân phải đối diện với nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng. Đồng hành chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người dân trước, trong và sau những ngày lũ lụt đó, bên cạnh lực lượng đội ngũ chính quyền sở tại và ngành y tế địa phương thì cái tên được người dân vùng rốn lũ Nam Phương Tiến nhắc đến nhiều nhất đó là tấm gương người nữ y sĩ luống tuổi Phùng Thị Hậu...
Y sĩ Phùng Thị Hậu chăm sóc người dân vùng lũ.
Chúng tôi tiếp cận được vùng rốn lũ Nam Phương Tiến của huyện Chương Mỹ vào những ngày cuối cùng của đỉnh lụt lịch sử và có mặt tại hộ gia đình cuối cùng còn bị nước lũ chia cắt. Thấy chúng tôi xắn quần, bơi mủng và lội qua cánh đồng mông mênh nước để vào thăm nhà, người phụ nữ đang nhặt nhạnh những mảnh ngói vừa lộ ra sau làn nước đang rút, rưng rưng cảm động: “Tôi là Nguyễn Thị Đưng, ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Nhà tôi bị cô lập ở cái gò giữa cánh đồng mênh mông nước này, không điện, không nước sạch tắm giặt, ăn uống. Để ra vào được nhà đều phải di chuyển bằng thuyền thúng. Ngập lụt trắng nhà đến hôm nay vừa tròn một tháng. Nước ngập qua sang cầu cửa sổ nhà trên, nhấn chìm nhà bếp. Chuồng trâu, bò, lợn gà đều ngập lút mái. Trong xóm nước đã rút cả tuần nay nhưng ngoài này chiều qua nước mới rút khỏi sân. Cả tháng trời đi lại dầm mình trong nước nên cả nhà ai cũng bị nước ăn chân, tay đau rát lắm. Nhiều lúc cũng tủi thân, nghĩ nhà mình bị cô lập ngoài gò sẽ chẳng có ai quan tâm hỏi thăm gì. Nhưng đúng hôm nước to nhất thì có chị Hậu ở bên trạm y tế bơi thuyền ra hỏi thăm, cấp thuốc khử trùng nước, cho thuốc bôi khỏi đau, khỏi ngứa. Hôm nước vừa rút thì chị ấy lại ra hướng dẫn cách vệ sinh nhà cửa, phun thuốc phòng muỗi, phòng dịch bệnh. Chị Hậu nhiệt tình lắm. Có chị mà gia đình tôi bớt bệnh đấy”. Ông Nguyễn Văn Tuế, chồng bà Đưng bơi chiếc mủng vào đến sân, thấy chuyện nên cũng góp lời: “Mưa to, gió lớn, lũ về gây ngập lụt, dân hoảng hốt bận chằng chống nhà cửa để chạy lên chỗ cao tìm đường tránh lũ, vậy mà chị ấy lại làm ngược lại. Mấy ngày đầu thấy chị bì bõm lội nước đi đến nhà tôi và những hộ khác phát thuốc chữa bệnh và cấp thuốc khử trùng. Thấy chị “vác tù và hàng tổng” nên tôi cũng thương cảm. Bữa nào không bận đưa gia đình, tài sản đi chạy lũ thì dùng cái thuyền nhỏ chở chị ấy đi cấp thuốc. Các anh, chị nhìn xem, cái thuyền bé tẹo này, tôi là đàn ông quen đi trên sông nước lúc mưa to, nước mạnh còn sợ lật. Vậy mà thấy chị ấy chả sợ gì”.
Đi khắp các thôn vùng trũng Nhân Lý, Nam Hài Hạnh Bồ, Hạnh Côn của vùng rốn lũ xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ ngay sau khi nước rút, ở đâu chúng tôi cũng gặp cảnh người dân và chính quyền địa phương, cán bộ y tế đang nỗ lực các hoạt động vệ sinh môi trường, tẩy uế nhà cửa, khử trùng nguồn nước. Ngôi nhà của gia đình cựu chiến binh Phùng Văn Khương ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, một trong những ngôi nhà mà chỉ 2 ngày trước còn chìm sâu dưới làn nước lụt, giờ đây cùng với quang cảnh môi trường xung quanh nhà đã được dọn dẹp sạch sẽ thì tiếng máy phun thuốc khử trùng cũng làm niềm vui của người cựu binh già ở cái tuổi thất thập cổ lai hy thêm phấn chấn: “Ông bà già rồi không làm được gì, việc dọn dẹp vệ sinh môi trường đều do cán bộ, chính quyền ở trên về giúp đấy. Như phun thuốc khử trùng này cũng được cán bộ trạm y tế đến phun hôm nay là lần thứ 2 rồi. Lần trước là lúc nước vẫn còn ở trong sân. Lần này là lúc nước đã rút ra ngoài đồng, nhà cửa đã dọn dẹp sạch sẽ. Không được phun thuốc kịp thời thì muỗi nhiều lắm, đốt khắp người ấy. Phun xong thì muỗi hết, nấm mốc cũng bớt mùi. Còn mấy cái gói thuốc khử trùng nước giếng này cũng vừa được cháu Hậu đem xuống cho đấy. Mọi việc đều được cháu ấy xuống tận nơi thông báo, cắt cử người làm chu đáo lắm. Có kiểm tra, giám sát hẳn hoi. Đấy, cháu nó kia kìa”. Nghe lời chia sẻ thân mật và nhìn theo cánh tay người cựu binh già chỉ, ở cuối con ngõ hẹp nước đang rút dần, tôi thấy một người phụ nữ trùm kín mình bằng chiếc khẩu trang và áo chống nắng đang cong lưng đỡ chiếc bình phun lên vai đồng nghiệp. Theo chân 2 người cán bộ y tế, tiếng máy phun công suất lớn và mùi cloramin B khử trùng bay khắp ngõ ngách và từng ngôi nhà, góc vườn, khoảnh sân trong xóm nhỏ, nơi nước lũ vừa rút để lại những ngấn nước chưa khô hẳn vẫn còn hằn rõ trên mỗi bức tường nhà, gốc cây. Một người nông dân đang quét dọn con ngõ đầy nước, thấy tiếng máy phun đi qua, anh ta vừa nhìn theo, vừa chép miệng: “Chị Hậu lại dẫn mấy người cán bộ đi phun thuốc tẩy uế môi trường và diệt muỗi đấy. Hơn 20 ngày lũ lụt, dân khổ một phần đội ngũ đấy cũng khổ 10 phần. Trước lũ cả tháng trời, ngày nào cũng phát thanh trên loa của thôn về phòng chống dịch bệnh, tai nạn, đuối nước, rồi mời bà con lên trạm lĩnh thuốc dự phòng. Trong lũ thì trạm y tế ngập, các chị ấy lại thành lập nhiều tổ y tế ngay tại nhà dân giữa vùng nước lũ. Còn khi lũ rút đến đâu thì lại đi cấp phát thuốc, hướng dẫn người dân tẩy uế, khử trùng nguồn nước, nhà cửa đến đấy. Tôi thấy ngày nào các chị cũng khoác những cái bình to đi phun khắp đường làng, ngõ xóm, tới từng hộ gia đình. Phun lần một, rồi vài ngày lại quay lại phun lần hai. Vì phun nhiều nên muỗi hầu như không có. Thấy họ tận tình vậy nên chúng tôi cũng được nâng cao ý thức, tự giác dọn dẹp vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh”.
Tò mò về người phụ nữ có cái tên Phùng Thị Hậu, được người dân nhắc đến nhiều, tôi tìm đến Trạm Y tế Nam Phương Tiến A. Tiếp chúng tôi là y sĩ Nguyễn Thị Uyên, Phó Trạm trưởng. Vừa chỉ ra ngoài sân, nơi có gốc nhãn đã chết khô do ngập lâu trong nước lũ, chị vừa kể: “Đợt mưa lũ, úng lụt làm 4/10 thôn với 831/2.150 hộ dân của xã Nam Phương Tiến ngập sâu trong làn nước lũ. Nhà sâu nhất thì lút mái, nhà nông nhất cũng lội ngang bắp chân. Ngay cả trạm y tế có nền móng cao thế này mà nước vẫn ngập đến lưng tường tầng một. Rút kinh nghiệm từ nhiều mùa lũ trước, nên ngay đầu năm chúng tôi đã có kế hoạch và phương án phòng chống nên mọi trang thiết bị, thuốc men đều để trên tầng 2, chỗ cao ráo, khô thoáng nhất trạm. Trước hôm đài báo cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc, chị Hậu đã chủ động phân công anh em trong trạm cấp thuốc men phòng bệnh, thuốc khử trùng nguồn nước cấp trước đến từng hộ dân. Do xã có đặc thù riêng, địa hình rộng, nên trạm chúng tôi chia làm 2 trụ sở làm việc cho người dân thuận lợi trong công việc khám chữa bệnh, 2 trụ sở cách nhau hơn 5 cây số nên nhân lực 8 người cũng phải chia đôi. Chị Hậu phụ trách cơ sở B, trên đó là gò đồi cao nên không bị ngập lụt. Nhưng những ngày xảy ra lũ chị đã xuống đây ăn, ngủ tại trạm cùng chúng tôi để điều hành mọi công việc. Những đêm đầu nước về, chị Hậu cùng anh em thức trắng tại trạm để lo cứu chữa người bị thương. Sau đó, suốt gần một tháng ngập lụt, anh em trực còn được thay nhau về với gia đình chứ chị thì công việc gần như 24/24 giờ. Hết tham mưu cho xã, gửi thông báo cập nhật tình hình hàng giờ cho thôn đến việc lội nước cấp cứu bệnh nhân, khám bệnh, cấp phát thuốc men, phun thuốc khử trùng... chị đều làm tất. Nhìn chị làm việc mà bản thân chúng tôi thấy mình cần học hỏi, nỗ lực nhiều hơn để san sẻ công việc với chị, để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân vùng lũ”.
Chị Hậu đi về trước cổng trạm, cái dáng nhỏ nhắn với bước đi thoăn thoắt. Xếp chiếc bình phun vào góc phòng, cởi bỏ chiếc khẩu trang và áo khoác chống nắng, trước mặt tôi là một người phụ nữ luống tuổi với mái tóc đã có nhiều sợi bạc, khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn và quầng mắt trũng sâu. Chị cười: “Chị không còn trẻ đâu em ơi, hơn 50 tuổi đời và 27 năm tuổi nghề rồi đấy. Chị cũng là dân xã này, ngày trước chị ở nhà bố mẹ đẻ giữa cái thôn ngập úng kia. Hơn 20 năm nay lấy chồng về ở thôn trên gò cao nên không phải chịu cảnh ngập úng nữa. Nhưng do sinh ra đã ở vùng rốn lũ, phải trải qua nhiều trận lũ lụt rồi nên cũng hiểu nỗi khổ của người dân vùng lũ: đuối nước, dịch bệnh, đau yếu. Thiệt hại tài sản thì còn có thể làm ra chứ hao tổn tính mạng, sức khỏe, tinh thần thì không dễ khắc phục được. Do đó, chị quyết tâm đi học nghề y và trở về trạm y tế xã nhà phục vụ người dân xã mình cho đến bay giờ”.
Trạm không có bác sĩ, nên là người có uy tín với nhân dân lại nắm rõ đặc thù mô hình bệnh tật của xã, tích cực, chủ động trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, nên chị được bầu giữ chức trạm trưởng. Hiện giờ nữ Trạm trưởng Phùng Thị Hậu cũng là người nhiều tuổi nhất trạm nên vừa là người chị, người cô, đồng thời cũng là người thầy của chính đội ngũ cán bộ trẻ trong trạm. Kinh nghiệm cấp cứu người dân bị nạn do đuối nước, phòng chống dịch bệnh tại những hộ gia đình ngập chìm giữa mênh mông nước trắng cũng được chị chia sẻ tận tình cho từng đồng nghiệp. Bởi chị biết, đối với những cán bộ trẻ không sinh sống trong vùng lũ, chưa tiếp cận với việc phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ thì không có bài giảng trên ghế nhà trường nào tốt bằng bài học từ kinh nghiệm thực tế. Do đó, chị không nề hà vệc khó, luôn sát cánh cùng đồng nghiệp ở từng địa bàn khó khăn nhất.
Y sĩ trẻ Đặng Thị Huyền chia sẻ: “Không chỉ hướng dẫn chúng em những kỹ năng phòng chống dịch bệnh một cách sát thực tế, đem lại hiệu quả cao nhất. Mà những kỹ năng chị dạy đó chúng em cũng không được thấy trên sách vở hay học từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, nó rất thiết thực với nhiệm vụ chuyên môn gắn với công việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh tại một vùng thường xuyên xảy ra bão lũ, úng ngập như nơi này. Đặc biệt là đối với những việc khó khăn chúng em chưa có kinh nghiệm, thì chị đều nhận lấy về phần mình, như bơi thuyền giữa dòng nước giữ đến cấp thuốc cho người dân bị cô lập giữa biển nước...”.
Chị Hậu cười: “Ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì mình còn là con, là cháu của người dân trong xã. Vậy nên chỉ cần hắt hơi, sổ mũi là họ gọi mình. Còn khi họ bị cô lập giữa dòng nước lớn thì mình lại nhớ đến cuộc sống của gia đình mình ngày trước, cũng từng bị cô lập giữa dòng nước lớn, cũng thiếu nước, khát thuốc, cũng đau yếu, bệnh tật. Vậy nên những ám ảnh đó lại thôi thúc mình làm việc tốt hơn”.
Trong 27 năm chị Phùng Thị Hậu nhận công tác tại Trạm Y tế xã Nam Phương Tiến đến nay xã đã xảy ra 5 trận lũ lịch sử và cả 5 trận chị đều là người tham gia mọi công việc phòng chống dịch bệnh cho người dân tại vùng lũ.
Do đó, sau mỗi trận lũ đi qua, cùng với những nỗ lực của bản thân được người dân, đồng nghiệp và chính quyền địa phương ghi nhận, thì những kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh cho người dân vùng lũ cũng được chị đúc rút, bổ sung để tham mưu kế hoạch cho lãnh đạo ngành y tế địa phương và chính quyền thôn, xã mỗi năm một hoàn thiện và đầy đủ hơn.
Trong chuyến kiểm tra đột xuất, lật từng bản kế hoạch hoạt động, đánh giá từng kỹ năng trong công tác phòng chống dịch bệnh ngay tại vùng lũ Nam Phương Tiến, PGS.TS. Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội nhận định: “Dù là xã ngập sâu, ngập nặng nhất huyện Chương Mỹ, nhưng Nam Phương Tiến đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không có trường hợp tử vong, không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Việc làm tích cực, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh này có vai trò rất lớn và sự gương mẫu, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của người nữ Trạm trưởng Phùng Thị Hậu”.
Đánh giá về những nỗ lực của người nữ trạm trưởng có mái đầu điểm bạc này, BS. Dương Viết Tài - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao về sự trách nhiệm của đồng chí Phùng Thị Hậu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhất là đối với việc chủ động phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau lũ cho nhân dân. Trong những ngày xảy ra lũ lụt, đồng chí lăn lộn đi từng nhà vận động nhân dân dùng cloramin B, phèn chua xử lý nguồn nước. Lúc đầu không có thuyền, đồng chí phải lội nước, có lúc lội đến ngang ngực. Nhiều lần đi kiểm tra cơ sở được tận mắt chứng kiến, rồi nghe đồng nghiệp tuyến dưới và người dân phản ánh lại. Cảm kích trước hành động đẹp của đồng chí và nhận thấy công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro và mức độ nguy hiểm cao nên chúng tôi trích kinh phí thuê những chiếc thuyền thúng nhỏ để đồng chí chủ động tiếp cận các hộ bị ngập lụt một cách an toàn và thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, công việc xây dựng rồi triển khai kế hoạch phòng chống lũ lụt ngay từ đầu mùa mưa bão cũng được đồng chí thực hiện chu đáo, cẩn thận, bám sát với thực tiễn. Do đó khi xảy ra mưa lũ, ngập úng chính quyền địa phương và ngành y tế cũng giảm được rất nhiều nhân lực, vật lực so với yêu cầu và tăng hiệu quả phòng chống dịch bệnh lên gấp nhiều lần. Hơn nữa, chúng tôi đánh giá rất cao về mức độ tham mưu cho chính quyền xã. Tôi thấy trong bối cảnh hiện nay đây là tấm gương cần nhân rộng. Trung tâm cũng đã có hình thức khen thưởng đột xuất và tới đây đề xuất với Hội đồng Thi đua của huyện đưa đồng chí vào gương người tốt việc tốt năm 2018”.
Chia tay vùng rốn lũ, bên cạnh những hình ảnh một Chương Mỹ đầy đau thương do ngập úng được chia sẻ trên các mặt báo, các trang thông tin cá nhân, thì tôi còn biết đến một Chương Mỹ có rất nhiều tấm gương xả thân vì cộng đồng, sẵn sàng vượt lũ để mang đến sự bình an cho người dân vùng ngập lụt. Một trong những tấm gương cao đẹp đó có người nữ lương y với mái tóc điểm bạc Phùng Thị Hậu.