Người giữ ngọn lửa quốc tế ngữ ở Việt Nam

10-04-2017 08:13 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Người tôi nói đến là ông Nguyễn Xuân Thu, nhà quốc tế ngữ Việt Nam mà tên tuổi không chỉ được biết đến ở trong nước.

Người tôi nói đến là ông Nguyễn Xuân Thu, nhà quốc tế ngữ Việt Nam mà tên tuổi không chỉ được biết đến ở trong nước.

Cách đây ít lâu ông Thu phải nằm Viện Y học Phòng không - Không quân để điều trị bệnh tiền liệt tuyến có dấu hiệu nặng. Một đêm trong bệnh viện trở dậy vào nhà vệ sinh, đôi chân viêm khớp mạn tính khiến ông loạng choạng vấp ngã và gãy xương... Sau khi ở bệnh viện về ông đã nhúc nhắc nhưng cũng chỉ dám quanh quẩn trong phòng và luôn phải có thêm cây gậy trong tay. Hôm tôi đến thăm thì ông không đi lại được nữa, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải làm tại chỗ bởi vì vừa trải qua thêm một ca phẫu thuật nữa.

Nhưng thật lạ, lúc gặp lại không thấy ông nói gì nhiều đến bệnh tình mà chỉ phấn khởi khoe: “Tôi vừa được Nhà xuất bản Thế Giới in cho cuốn Tự điển Việt Nam - Esperanto”. Trước mắt tôi là cuốn sách dày, trình bày rất trang nhã. Trên bìa sách được ghi rõ bằng song ngữ: Granada vorta Esperanto - Vjetnama (Đại từ điển Việt Nam - Esperanto). Đại từ điển ở đây được hiểu là cuốn sách có nội dung chi tiết, kỹ càng, đầy đủ các mục từ... hơn rất nhiều so với các cuốn từ điển thông thường. Tên tác giả biên soạn, thì ngoài ông còn có thêm hai người nữa. Nhưng thực tế, chủ yếu mình ông Nguyễn Xuân Thu làm vì các cộng sự, một là ông Lê Nhiệm, khi đang dở công việc thì chẳng may qua đời. Còn người kia, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, cộng tác được nửa chừng đã xin rút vì công việc riêng chung quá vất vả...

Ông Nguyễn Xuân Thu và cuốn đại từ điển Esperanto - Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thu và cuốn đại từ điển Esperanto - Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Thu, ở Việt Nam cách nay khoảng hơn 50 năm từng đã có ông Đào Anh Kha đứng ra biên soạn một cuốn từ điển Việt Nam - Esperanto nhưng do điều kiện bấy giờ, như chính tác giả sau này thừa nhận, sách còn nhiều hạn chế.  Vậy nên suốt hơn nửa thế kỷ qua, không ít người được động viên để làm, nhưng đều bỏ dở. Sau này ông Nguyễn Xuân Thu được khích lệ và bản thân ông cũng có nhiều trăn trở nên đã mạnh dạn đứng ra lo. Ông đã dành cho cuốn sách rất nhiều tâm huyết nhưng cũng tưởng phải bỏ nửa chừng vì ông đau yếu luôn. Từ khi ông Thu đặt bút soạn những trang đầu tiên cho đến khi sách được xuất bản là đúng 15 năm. Khi cuốn từ điển ra đời, nó đã khiến cộng đồng quốc tế ngữ ngỡ ngàng.

Tôi biết ông Nguyễn Xuân Thu khoảng hơn 60 năm về trước, ngày ông còn là một thanh niên Hà Nội mới khoảng 24, 25 tuổi, tốt nghiệp Đại học Y - Dược Hà Nội ra trường, được phân công lên nhận công tác tại Bệnh viện tỉnh Thái Nguyên. Tuy không phải công việc chính nhưng ngay từ những ngày đó tôi đã thấy ông Thu, trong những lúc trò chuyện cùng bè bạn thân thiết đã không ngừng tranh thủ giới thiệu cho mọi người dần cảm thấy yêu ngôn ngữ quốc tế này và sau đó còn đứng ra tổ chức một lớp học do chính ông trực tiếp hướng dẫn. Vốn dân Albert Saraut, không chỉ giỏi Pháp ngữ mà còn thông thạo cả Anh ngữ, nhưng vì tình yêu và bản tính thích tìm hiểu thêm những kiến thức mới nên ông Thu đã theo đuổi học quốc tế ngữ ngay từ những năm 1956, 1957.

Công tác ở Bệnh viện tỉnh Thái Nguyên một thời gian thì ông Thu được điều động về BV Y học cổ truyền Trung ương nên lớp học quốc tế ngữ do ông tổ chức tan rã. Nhưng về Hà Nội ông Thu vừa hoàn thành công việc của một dược sĩ vừa không ngừng tích cực tham gia nghiên cứu, trau dồi thêm về quốc tế ngữ. Theo ông Thu, đây là ngôn ngữ được du nhập vào Việt Nam đã lâu, từ những năm 30 của thế kỷ trước. Người Việt Nam đầu tiên phải nhắc đến  đó là ông Huỳnh Bá Dưỡng. Ông Dưỡng có công tuyên truyền, rất tích cực mở lớp hướng dẫn quốc tế ngữ ở Việt Nam nhưng đã dần mai một vì ít người đam mê.

Ở Việt Nam mãi những năm 60 -70 của thế kỷ trước, khi các ngoại ngữ khác như Anh và Pháp không được khuyến khích mà thay bằng tiếng Nga và tiếng Trung thì quốc tế ngữ đã có thời kỳ phát triển, nhất là tại Hà Nội. Thời kỳ đó phải nói tới công sức của nhà văn Đào Anh Kha và nhà thơ Nguyễn Hải Trừng. Rồi sau này có thêm một vài người, trong đó đặc biệt có ông Nguyễn Xuân Thu. Suốt thời gian đó rồi cả đến những năm tiếp theo có thể nói, ông Thu là một trong những người rất nhiệt tình trong việc tuyên truyền quảng bá cho việc phát triển quốc tế ngữ. Ngôi nhà riêng của gia đình ông đã biến thành một câu lạc bộ, một trụ sở để những người cùng sở thích quốc tế ngữ ở Hà Nội gặp gỡ bàn bạc, trao đổi công việc. Ông còn đứng ra tổ chức nhiều lớp học và các nhóm nghiên cứu sâu về quốc tế ngữ tại gia đình. Rồi ngay cả khi các ngoại ngữ Anh, Pháp đã được xã hội nhận thức, quan tâm và phát triển mạnh thì ông Thu vẫn kiên trì theo đuổi quốc tế ngữ, cả khi ngôn ngữ này được cho là quá giản đơn, bị xã hội bỏ rơi, số hội viên tham gia học quốc tế ngữ ở Việt Nam khi đó chỉ còn khoảng vài trăm người.

Cũng nên nói thêm, người tham gia hoạt động quốc tế ngữ là việc làm hoàn toàn tự nguyện. Đến với ngôn ngữ này là do tình yêu. Mọi hoạt động của hội hầu hết do người tham gia phải hoàn toàn tự túc, ngay cả các thành viên lãnh đạo. Khi một ai muốn tham dự một hội nghị được tổ chức ở trong nước hay quốc tế cũng đều phải tự bỏ tiền túi.

Sau khi ông Đào Anh Kha mất đi thì ở nước ta hiện nay chỉ có ông Nguyễn Xuân Thu, người Việt Nam duy nhất được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm quốc tế ngữ. Để trở thành viện sĩ được cộng đồng quốc tế công nhận hoàn toàn không đơn giản. Muốn trở thành viện sĩ thì trước tiên phải bắt buộc có ba viện sĩ ở ba quốc gia khác nhau nhất trí giới thiệu, sau đó phải qua vòng bình bầu của tất cả các viện sĩ quốc tế ngữ trên thế giới. Trường hợp ông Thu, khi danh sách được đưa ra trước hội nghị toàn thể đã được sự thống nhất đồng thuận của 33 viện sĩ trong tổng số 35 viện sĩ trên cộng đồng quốc tế ngữ toàn thế giới.

Sau khi trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm quốc tế ngữ, ông Nguyễn Xuân Thu ngoài trách nhiệm chung còn được phân công phụ trách nhóm nghiên cứu các mục từ tên, họ của nhân vật. Ngoài ra ông còn được mời tham gia các tiểu ban nghiên cứu văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ...

Có người hỏi, năm nay ông Thu đã vào tuổi 85 rồi, sức yếu, nhiều bệnh tật đeo đẳng kéo dài sao ông không nghỉ ngơi mà vẫn nhiệt tình theo đuổi công việc mà xem ra cũng không đem lại quyền lợi vật chất? Ông tâm sự, được làm việc là một niềm vui. Có thêm một ngôn ngữ càng giúp cuộc sống của ông thêm ý nghĩa. Vì nó ông đã như quên đi bệnh tật, tuổi tác. Quốc tế ngữ, thứ ngôn ngữ gắn bó với ông đã trên 60 năm luôn là một động lực mạnh mẽ giúp ông vượt qua được những khi mệt mỏi.

Ông Thu cho biết, theo kế hoạch thì Việt Nam sẽ đứng ra đăng cai Hội nghị Quốc tế về quốc tế ngữ dự kiến tổ chức ở  Đà Nẵng vào năm 2020. Một trong những nội dung mà ban tổ chức đã bàn là chuẩn bị để ra mắt một tuyển tập văn học Việt Nam được dịch sang quốc tế ngữ nhằm giới thiệu để bạn bè hiểu biết thêm về nền văn học Việt Nam. Trên đầu giường ông, tôi thấy có cuốn Vượt Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán và cuốn Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố mà ông đang tranh thủ đọc để có thể tham gia chọn dịch.

Có thể nói ông Nguyễn Xuân Thu là một ngọn lửa luôn cháy hết mình  cho quốc tế ngữ ở Việt Nam...


Huy Thắng
Ý kiến của bạn