Giữa cái nắng oi bức mùa hè khiến ai cũng muốn guồng nhanh vòng xe, tại góc ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), có một người đàn ông tuổi đã xế chiều, vẫn miệt mài ngồi cắt, đan từng cọng lá dừa để tạo hình những con chuồn chuồn, cào cào… vô cùng đẹp mắt.
Người đàn ông đó là chú Nguyễn Văn Nghĩa (nghệ danh Lê Minh), năm nay đã 68 tuổi, quê gốc Tiền Giang, nhưng đến TP Hồ Chí Minh sinh sống được hơn 30 năm.
Chú kể, lúc còn trẻ, chú từng là một họa sĩ, thế nhưng càng lớn tuổi, mắt chú yếu đi, không còn thấy rõ nữa nên chuyển sang đan lá dừa nước, món đồ chơi từng gắn với tuổi thơ. “Chú bán sản phẩm không phải để kinh doanh mà chỉ để giải trí, thỏa mãn niềm đam mê của mình và truyền đạt được tình yêu với những trò chơi dân gian cho thế hệ trẻ sau này. Mỗi ngày, chú cũng bán được vài ba chục con cho khách đi đường”, chú Nguyễn Văn Nghĩa cho biết.
Hằng ngày, hành trình của chú bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Trên chiếc xe đạp đã cũ, phía sau là thùng đồ nghề và một cái cây treo những sản phẩm chú làm ra, chú đi từ quận Bình Tân đến khắp mọi nẻo đường Sài Gòn. Chú hay dừng chân ở những nơi có nhiều người qua lại, thường là trước đèn xanh đèn đỏ ở những ngã tư.
Những người đi qua họ đều tò mò đến những sản phẩm chú làm ra, có người vào hỏi mua, có người hỏi cách làm… và chú tận tình chỉ cho khách tự tay làm những con vật mình ưa thích. Hơn 12 năm qua, với chiếc xe đạp cộc cạch đi khắp thành phố, chú như người giữ lại một phần tuổi thơ trước những thiết bị công nghệ giải trí hiện đại như bây giờ.
Mỗi sản phẩm làm ra tuy cầu kỳ, công phu nhưng giá lại rất rẻ, chỉ 20.000 đồng một con. Theo chú, để làm ra được một sản phẩm, ngoài việc khéo tay của người thợ, còn phụ thuộc vào việc chọn loại lá phù hợp. Chẳng hạn, muốn tạo hình những con vật, những bông hoa thì phải chọn lá dừa non vừa phải, đảm bảo được độ mềm dẻo. Nếu chọn lá quá non sẽ rất khó tạo hình vì quá mềm, còn lá già quá sẽ rất cứng và dễ gãy. Những nguyên liệu này sẽ được chọn lọc bởi người nhà chú ở Tiền Giang rồi gửi lên TP Hồ Chí Minh. Để hoàn thành một sản phẩm, chú phải mất từ 15 đến 20 phút và để đáp ứng thị hiếu của khách, chú phải mày mò, sáng tạo ra nhiều sản phẩm bắt mắt, mẫu mã đa dạng hơn để thu hút khách.
Mặc dù mỗi ngày bán chẳng được bao nhiêu nhưng mỗi lần thấy những nụ cười của những bạn nhỏ hay những lời khen từ những người mua, chú càng có thêm động lực tiếp tục công việc của mình. Chú bảo: “Đi bán gặp nhiều người khách khen, thích thú với những món chú làm ra hoặc là những lời động viên của những người mua thôi. Bán đắt hay ế không quan trọng, miễn còn đi bán được ngày nào là chú vui rồi”, chú cười nói.
“Chú muốn mấy đứa trẻ sau này biết được những món đồ chơi dân gian thân thiện với môi trường, thay vì phụ thuộc vào những trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng hay các loại đồ chơi bằng nhựa có thể làm tổn hại đến sức khoẻ và tiền bạc của ba mẹ”, chú tâm sự.
Mãn nhãn với những tiết mục biểu diễn tại lễ hội đường phố “Sắc màu Văn hóa”