Hà Nội

Người giữ gìn, phát triển cây dược liệu, bài thuốc quý ở Thanh Hóa

18-09-2023 11:24 | Y học 360

SKĐS - Lương y Hoàng Văn Hùng đã quy nạp nhiều cây giống thuộc hàng danh sách cây thuốc quý hiếm của Việt Nam về trồng tại vườn thực nghiệm nuôi cấy mô ở Quảng Thắng (TP. Thanh Hóa).

Nhiều loài dược liệu quý có nguy cơ mai mộtNhiều loài dược liệu quý có nguy cơ mai một

SKĐS - Chưa quy hoạch vùng trồng rộng rãi, khai thác tự phát, nhận thức về giá trị một số loài dược liệu không đúng… khiến không ít loài dược liệu quý ở Việt Nam đứng trước nguy cơ biến mất.

Nói đến người nối nghiệp tiền nhân và phát huy y học cổ truyền dân tộc ở Hội Đông Y TP. Thanh Hóa không thể không kể đến lương y Hoàng Văn Hùng và cha của ông là lương y Hoàng Văn Thâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông y.

Lương y Hoàng Văn Hùng đã quy nạp nhiều cây giống thuộc hàng danh sách cây thuốc quý hiếm của Việt Nam về trồng tại vườn thực nghiệm nuôi cấy mô Quảng Thắng (TP. Thanh Hóa).

Nối nghiệp tiền nhân

Sinh ra trong dòng họ khoa giáp, nho y lương y Hoàng Văn Hùng đã bị áp lực bởi cái bóng quá lớn của cha ông mình, đồng thời cũng chứng kiến hết sự vất vả, cực nhọc của họ. Bố là cụ Cử Thâm, lương y Hoàng Văn Thâm - nguyên Viện trưởng Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương. Cụ cũng là một trong những sáng lập viên đầu tiên Trung kỳ Y học hội - tiền thân của Hội Đông y Việt Nam.

Ông nội là Hoàng Văn Cư, đậu phó bảng khoa Giáp Thìn, năm Thành Thái 16 (1904) làm đến quan Đốc học Nghệ An. Năm 25 tuổi cụ đậu cử nhân Hán học, nhưng không làm quan mà theo cách mạng và làm nghề thuốc chữa bệnh cứu người. Ông cố nội là Hoàng Nguyên Lễ - Giải Nguyên khoa thi Thái ngự y năm Tự Đức 4 (1851) làm quan đến Chánh ngự y, từng được đi sứ sang nhà Thanh... Cuộc đời và sự nghiệp của họ gắn liền với nền y học nước nhà.

Người giữ gìn, phát triển cây dược liệu, bài thuốc quý ở Thanh Hóa - Ảnh 2.

Lương y Hoàng Văn Hùng đã quy nạp nhiều cây dược liệu quý.

Là truyền nhân của những "cây đa, cây đề" trong lĩnh vực y học vi lượng đồng căn (liệu pháp chữa bệnh an toàn và tự nhiên để làm giảm các triệu chứng, giúp cơ thể tự phục hồi và cải thiện sức khỏe tổng thể). Chính vì lẽ đó, ông Hùng cũng gặp nhiều áp lực bởi cái bóng quá lớn của cha ông mình.

Vì thế, ngay từ nhỏ ông Hoàng Văn Hùng đã không mặn mà với nghề y. Ông phóng khoáng, năng nổ, thích hoạt động chân tay, khác hoàn toàn với ông và bố - những con người nho nhã, cả ngày chỉ biết vùi đầu vào sách vở, cây cỏ. Ông Hùng thích thể thao nên đã nộp đơn vào Trường Đại học Thể dục thể thao. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành một thầy giáo dạy thể thao.

Ấy thế mà cái nghiệp của gia đình vẫn quấn lấy ông, bằng cách này hay cách khác. Nói là không quan tâm, nhưng tuổi thơ của ông lớn lên bằng cốc nước lá rừng, tắm bằng nồi lá xông quanh nhà, gối đầu bằng chiếc gối nhét đầy dược liệu... chẳng biết từ lúc nào thuốc nam đã ngấm vào da thịt, vào hơi thở của ông.

Vì thế, ông cũng biết được ít nhiều kiến thức đông y. Chuyển công tác sang Liên đoàn Bóng đá tỉnh, ông có nhiều cơ hội phát huy "tài lẻ" của mình. Trong quá trình "tác nghiệp", ông nhận thấy cây thuốc nam của mình vốn rất hay. Bằng chứng là những cây cỏ quanh nhà, mười cây thì chí ít cũng có phân nửa hữu ích trong chữa trị. Thế nhưng vị thế của cây thuốc nam lại không bằng thuốc bắc, vốn được nhập về từ Trung Quốc với chất lượng phập phù, chứ đừng nói đến thuốc tây.

Vì vậy, ông đã đăng ký học lớp chuyên khoa y học cổ truyền do Bộ Y tế tổ chức, khi đã gần 50 tuổi. Cứ mày mò tìm kiếm, cóp nhặt như đứa trẻ đi tìm con chữ, ông Hùng say mê với nghề gia truyền từ lúc nào không hay.

Theo ông kể lại, những chuyến bỏ phố đi ăn núi ngủ rừng tìm cây thuốc, cùng ăn cùng ngủ với bệnh nhân đã trở thành "cơm bữa". "Con nhà nòi nhưng mình lại không học hành bài bản, "tay ngang" bước vào nghề nên phải cố gắng hơn người khác gấp nhiều lần. Dần dà rồi nghề lại dạy nghề, mình cũng đã đúc rút, sáng tạo thêm được nhiều bài thuốc phù hợp với thể trạng, đặc tính bệnh của người Việt khi cùng sinh sống trên vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa", ông Hùng bộc bạch.

"Gia sản" 30 năm lội núi băng rừng của ông là đề tài khoa học cấp tỉnh đạt loại khá: Nghiên cứu lựa chọn cây dược liệu quý, xây dựng mô hình vườn dược liệu và xây dựng xưởng bào chế thuốc 5.000m2 tại vườn thực nghiệm nuôi cấy mô Quảng Thắng, nghiệm thu năm 2012 và nghiên cứu sản xuất 3 loại thuốc, 4 loại thực phẩm chức năng, nghiệm thu năm 2015. Từ năm 2017 đến nay, lương y Hoàng Văn Hùng cùng các dược sĩ đã và đang thực hiện Dự án Xây dựng và phát triển thương hiệu Rượu Tỏa Dương Cụ Cử Thâm.

photo-1694683856718

Ngoài việc sản xuất thuốc, ông Hùng còn triển khai mô hình sản xuất và khôi phục một số cây dược liệu.

Khát vọng vươn xa

Với thế mạnh gia đình, nhu cầu sử dụng cây dược liệu chữa bệnh đang không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, thế hệ trẻ dần dà không còn "mặn mà" với việc theo học nghề làm thuốc nam cổ truyền, nhiều bài thuốc hay cũng bị thất truyền, vì không có người giữ gìn và phát huy. Trăn trở trước nguy cơ nghề bị mai một, năm 1994 ông Hoàng Văn Hùng đã đứng ra thành lập Hãng thuốc Thể thao - Đông y gia truyền Cụ Cử Thâm, xin giấy phép để có thể sản xuất các loại thuốc theo tiêu chuẩn của ngành y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu và điều kiện điều trị bệnh của các bệnh nhân.

Ông chia sẻ: "Nếu vẫn giữ quy mô là một nhà thuốc gia truyền, thì với số lượng bệnh nhân đông, cả trong nước và nước ngoài, rất nhiều người sẽ không có điều kiện đến tận nhà thuốc để khám bệnh, lấy thuốc. Hơn nữa, việc chuẩn hóa các bài thuốc gia truyền, sản xuất khép kín trên dây chuyền hiện đại, chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời việc hãng thuốc đi vào hoạt động đã tạo thu nhập cho người dân địa phương, thông qua việc thu mua các sản phẩm dược liệu khô do người dân cắt, hái trong tự nhiên".

30 năm thành lập với sự năng động, nỗ lực và tâm huyết của Đông y gia truyền Cụ Cử Thâm đã góp phần gìn giữ, phát triển và quảng bá nhiều bài thuốc nam cổ truyền. Điều đáng nói, các bài thuốc vẫn giữ nguyên vẹn tinh chất và tác dụng phương thuốc cổ truyền của gia tộc, tạo sự tiện dụng cho người dùng, có thể mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi.

Hiện nay, ngoài việc sản xuất thuốc ông còn triển khai mô hình sản xuất và khôi phục một số cây dược liệu, được Sở Khoa học và Công nghệ phân bổ cho các xã miền núi trồng, với các loại dược liệu như: Kim ngân hoa, hà thủ ô, đinh lăng, ba kích, sâm cau, cát sâm, nghệ, riềng, sa nhân, xạ đen... để đánh giá khả năng thích nghi, từ đó, tạo thêm đối tượng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Được biết, ngoài việc trực tiếp đến từng vùng nguyên liệu quý rải từ Bắc vào Nam để tìm kiếm những cây thuốc hiếm, lương y Hoàng Văn Hùng đã quy nạp nhiều cây giống thuộc hàng danh sách cây thuốc quý hiếm của Việt Nam về một mối. Với việc chủ động tạo ra một hệ thống nguồn nguyên liệu ngay tại Thanh Hóa, ông đã và đang góp phần vào việc bảo tồn nguồn gốc các dược liệu quý hiếm của Việt Nam.

Đến nay, nhiều năm liền lương y Hoàng Văn Hùng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, bằng chứng nhận của các cấp từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt, năm 2013 ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông cao quý, được Hội Đông Y Việt Nam vinh danh là thầy thuốc tiêu biểu của toàn quốc.

Mời độc giả xem thêm video:

Thực Hư Uống Nước Lá Và Hoa Đu Đủ Trị Được Bệnh Ung Thư? |SKĐS

Tăng Thúy
Ý kiến của bạn