Suy cho cùng, con diều nghiên cứu dù có bay cao đến đâu, vẫn phải gắn với lợi ích của con người bằng một sợi dây vững chắc...”, TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản ÐH Y Dược TP.HCM tâm niệm.
20 năm - một lời hứa
Gặp TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan vào một buổi trưa tháng 9, sau khi chị vừa hoàn thành xong ca chọc hút trứng cho bệnh nhân của mình. Bắt đầu câu chuyện, chị khẽ mỉm cười: “Gần 20 năm rồi, nhanh quá!”.
Chị nhớ lại, ngày nhận được thông tin mình sẽ là một trong số những đại diện được trao giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 1999” của Trung ương Đoàn, cũng là những ngày đầu tiên chị biết mình mang trong người một sinh linh bé nhỏ.
Buổi chiều mưa cách đây gần 20 năm tại Phủ Chủ tịch, chị được tận tay cố Thủ tướng Phan Văn Khải trao bằng khen cùng lời dặn dò trìu mến: “Gắng làm sao để trình độ y học của nước mình có thể sánh ngang với các nước trong khu vực, con nhé!”. Chị bảo lời dặn dò ấy không chỉ là sự giao phó, là nghĩa vụ, mà còn là cả niềm tin.
Chị kể, thời ấy mới bắt đầu bước vào lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm, hành trang duy nhất của người bác sĩ chỉ có lòng yêu nghề. Những năm 1998-1999, lúc ấy danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế không hề có danh mục chọc hút trứng hay kỹ thuật chuyển phôi. “Đồng nghĩa với việc mình có làm cũng không được trả lương, trong khi một ca thụ tinh phải theo đuổi tận hàng tháng trời, từ khi nhận bệnh, tư vấn... đến lúc thực hiện.Phác đồ điều trị ngày ấy kéo dài đến 1 tháng, không chỉ 2 tuần như hiện tại”, BS. Ngọc Lan nhớ lại.
Tốn nhiều thời gian, vất vả, tỷ lệ thất bại cao, ngày nào cũng chứng kiến cảnh bệnh nhân khóc vì thụ tinh không thành, nhiều bác sĩ thời ấy thẳng thừng từ chối công việc vì họ không chịu nổi áp lực. Ấy thế mà cô gái trẻ cùng 2 đồng nghiệp - mà một trong số đó sau này trở thành người bạn đời của mình, trong suốt vài năm trời đã quyết tâm theo đuổi công việc thụ tinh ống nghiệm bằng tất cả lòng đam mê.
20 năm trước, theo lời BS. Ngọc Lan, nhiều người cho rằng chuyện “thụ tinh ống nghiệm” là một kỹ thuật xa xỉ, không cần thiết trong tình trạng dân số còn nghèo như hiện tại. Ngày trở về sau chuyến tu nghiệp thạc sĩ tại Singapore, chị gói ghém cẩn thận, chăm chút từng quyển sách, xếp gọn gàng vào chiếc vali. Chị tâm sự, lúc ấy chúng không chỉ là những quyển sách vô hồn, mà với chị đó còn là cả kho báu. Người phụ nữ với chiếc vali đầy sách trở về quê hương với quyết tâm phát triển một kỹ thuật mới, làm sao để có thể nói thật nhiều với bệnh nhân - những mảnh đời khát hạnh phúc, khát niềm tin đến cùng cực, hai chữ “thành công”.
Năm 2000, một năm sau khi nhận được giải thưởng, bài báo cáo của BS. Ngọc Lan được chọn để trình bày tại báo cáo quốc tế của Hiệp hội Phôi học và Sinh sản người châu Âu. Câu chúc mừng kèm câu hỏi vô tình của một đại biểu nước bạn: “Việt Nam cũng có thụ tinh ống nghiệm nữa à?” khiến nữ bác sĩ bất chợt “tự ái”. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, chị cho rằng, nỗi niềm ấy đã chuyển thành tự hào, vì ít ra, Việt Nam đã ghi được tên mình vào bản đồ thụ tinh ống nghiệm của thế giới.
“Lời hứa ngày ấy, chị thực hiện được rồi!”. Nói đến đây, chị dừng lại vài giây, tận sâu trong ánh mắt người phụ nữ ấy dâng tràn bao xúc cảm.
Sau khi công trình nghiên cứu về chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm của nhóm bác sĩ Việt Nam được chọn công bố, rất nhiều hãng thông tấn lớn của thế giới đã đưa tin về sự việc, đây là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực tuyệt vời của nhóm bác sĩ Việt Nam. “Tôi không phủ nhận sự may mắn, thế nhưng chúng tôi cho rằng mình xứng đáng với thành quả này. May mắn chỉ đến một lần rồi sẽ không bao giờ đến nữa. Vì vậy, may mắn không tạo nên thành công. Chính sự đầu tư nghiêm túc, bền bỉ, không bỏ cuộc mới là con đường vững chắc dẫn đến vinh quang”, câu trả lời mạnh mẽ của vị nữ bác sĩ khiến tôi nghĩ nhiều hơn đến con số 95% thất bại mà người phụ nữ mảnh khảnh ấy vẫn chấp nhận đương đầu.
20 năm, nhìn lại về chặng đường đã qua, nữ bác sĩ cho biết, đó là một quãng thời gian thử thách. Và hiện tại trái ngọt đã bắt đầu đơm hoa. Việc bài nghiên cứu của nữ bác sĩ này được đăng trên tạp chí NEJM, một tạp chí đứng hàng đầu về y khoa thế giới được xem là một thành tích “chấn động” giới y khoa Việt Nam, là câu trả lời đầy đủ cho những khó khăn, là cái kết có hậu cho những nỗ lực.
20 năm, đó không chỉ là hành trình theo đuổi miệt mài ước mơ, là chặng đường để thực hiện cho tròn đầy, đúng nghĩa một lời hứa, mà còn là cả thanh xuân, là tuổi trẻ, là tình yêu trọn vẹn của một người dành cho lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm - mà nói như chị, đó là sản sinh những yêu thương.
Tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan và gia đình.
“Bà mụ” của yêu thương
Mạnh mẽ, bản lĩnh, nhẫn nại... đó là những gì mà mọi người vẫn nhắc đến nữ BS. Ngọc Lan. Hàng chục giải thưởng danh giá và mới đây là công trình nghiên cứu trên NEJM chính là những gì BS. Lan có được trong nghề nghiệp. Thế nhưng trở về cuộc sống gia đình, gia tài của chị chỉ là tình yêu thương.
Người phụ nữ ấy bật khóc khi nói về mẹ, GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người mẹ và cũng chính là người thầy của chị trong nghề. Chính câu chuyện mà cô bé Ngọc Lan nghe lỏm được khi lên 10 tuổi là chất xúc tác tuyệt vời để tạo nên một TS.BS. Ngọc Lan tài năng và tình cảm của hiện tại.
Ngày ấy, mẹ chị - một GS.BS đầu ngành và nổi tiếng trong lĩnh vực phụ sản đã không chọn con đường ra nước ngoài để lập nghiệp mà chọn ở lại Việt Nam, lăn xả đến từng huyện lỵ xa xôi để chữa bệnh cho người nghèo. Chính câu trả lời lý giải về điều đó của người mẹ thân yêu đã khắc sâu vào tâm khảm cô bé 10 tuổi: “Thứ tôi để lại cho các con không phải là tiền, mà chính là tình yêu thương”.
Ngôi nhà nhỏ với cánh cổng màu xanh, nơi ba chị em cô bé Ngọc Lan đã phải tự lập từ nhỏ mỗi khi mẹ đi công tác xa, chính là nơi ươm mầm cho những ước mơ và nuôi dưỡng những điều tuyệt vời trong tâm hồn non trẻ. Những bộ quần áo cũ được đồng nghiệp mẹ mang đến cho, những thiếu thốn vô vàn trong cuộc sống và cả những dư dả tình thương mà người mẹ trẻ cố vun vén cho các con, những sự quan tâm chắp vá và ngắt quãng trong những ngày nghỉ ít ỏi mà mẹ được ở nhà, hết thảy những điều đó đã phát họa nên bức tranh tuổi thơ đầy tươi đẹp của người bác sĩ mang tên loài hoa ngọc lan.
Những lặng im trên môi, những rưng rưng trên mi mắt ngày càng dồn dập khi người phụ nữ ấy kể về bệnh viện - nơi mà chị bảo đã in dấu cả tuổi thanh xuân của mình. Lễ cưới ngày ấy của chị chỉ diễn ra 4 ngày, không có cả tuần trăng mật vì số cặp vợ chồng chờ đợi tại BV để thụ tinh ngày một nhiều.
Chị kể về cô con gái năm nay lên 7 tuổi đã ghi vào sổ nhật ký những dòng chữ còn chưa ngay ngắn: “Con ước mẹ con có nhiều thời gian hơn để dành cho mẹ và con muốn mẹ ở nhà với con nhiều hơn”. Hóa ra, trong ngôi nhà ba thế hệ ấy, những đứa con luôn tự chấp nhận việc người mẹ dành thời gian cho nghề và sống trọn với đam mê, mặc dù không dành được nhiều thời gian hơn cho gia đình như một điều vốn dĩ.
Chị tâm sự rằng mình học được ở mẹ bản lĩnh đương đầu và nhiều nhất là cái tâm và trách nhiệm với bệnh nhân. Không biết bao nhiêu lần người bác sĩ ấy đã rơi nước mắt một mình bên góc hành lang vì câu chuyện của những người phụ nữ không con. “Có những người tìm đến tôi khi hôn nhân đang ở trên bờ vực thẳm, họ tin tưởng và giao phó cả cuộc đời họ cho tôi”, chị tâm sự.
Điều quý giá nhất mà người phụ nữ ấy nhận được trong suốt 20 năm làm nghề chính là hơn 10.000 đứa trẻ được ra đời trong niềm hạnh phúc tột cùng của cha mẹ, là tình yêu thương mà bệnh nhân trao tặng, là việc những nỗ lực, cống hiến và tình yêu y học của mẹ, của vợ chồng chị đã được ghi nhận, đáp đền xứng đáng.
Con gái đầu lòng của chị - người đã được nhận thưởng cùng mẹ vào năm 1999 khi còn là một bào thai, trả lời ngô nghê: “Con muốn sau này làm bác sĩ ống nghiệm” khi được hỏi về ước mơ khi còn nhỏ. Vậy là giờ đây cô bé đã nhìn thấy, cảm nhận và yêu cả những vất vả, nhọc nhằn của ba mẹ, của bà ngoại. Điều đó cũng giúp cô bắt đầu nhập học tại Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM. “Vậy là gia đình 3 thế hệ đều mang duyên, mang nợ với nghề bác sĩ”, chị khẽ mỉm cười...