GS. Thụ chăm chú đọc đi đọc lại rồi đánh dấu, rồi tỉ mỉ sửa từng con chữ trên từng trang luận văn của học trò, say sưa như chính công trình nghiên cứu của mình... Suốt nửa thế kỷ qua, ông đã làm người “gieo hạt” cần mẫn như thế cho chuyên ngành Gây mê hồi sức. Người thầy tận tụy ấy là GS. Nguyễn Thụ- Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam.
“Nghề gây mê đã chọn tôi”
Trong căn phòng làm việc của mình, GS. Thụ hào hứng kể cho tôi về công việc của những người làm gây mê hồi sức (GMHS), chia sẻ với tôi những trăn trở của một người thầy. Tôi cảm thấy đối với ông tình yêu dành cho nghề vẫn dào dạt sức trẻ như ngày nào hãnh diện được lựa chọn làm nhiệm vụ “khai hoang” cho vùng đất GMHS Việt Nam...
Năm 1954, ngay khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc được 2 tháng, biết tin ở Hà Nội có trường Đại học Y thế là anh thanh niên Nguyễn Thụ khi ấy mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3, khăn gói từ Can Lộc - Hà Tĩnh lên đường ra Hà Nội, mang theo khát vọng trở thành một bác sĩ chữa bệnh cứu người. Để có tiền cho con ra Hà Nội ăn học, cha mẹ ông đã phải bán trâu và thóc- những tài sản quý giá nhất của một gia đình nông dân. Hành trang vào đời của ông trên con đường vạn lý từ miền Trung nắng gió đến Hà Nội không chỉ có gia sản một đời chắt chiu của cha mẹ mà còn là những hy vọng gửi gắm của cha và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ.
GS. Nguyễn Thụ miệt mài với từng trang luận văn của học trò. |
Sau 7 ngày cuốc bộ ròng rã, ông cũng đến được Trường Đại học y Hà Nội. Vào thời điểm đó trường y vừa mới chuyển về từ chiến khu, chưa có ký túc xá, ông phải đi tìm nhà trọ để ở. Để có tiền vừa ăn học, vừa thuê nhà, sau giờ đi học ông tìm chỗ làm gia sư và xin đi đóng hộp thuốc cho các cơ sở sản xuất thuốc Tây. Dù cuộc sống vô cùng thiếu thốn và gian khổ nhưng ông không bao giờ nghĩ đến viết thư về nhà xin tiền mà luôn tự nhủ mình còn trẻ, có sức khỏe tại sao không thể tự nuôi mình ăn học? Chính những năm tháng gian khổ ấy đã rèn luyện cho ông bản lĩnh, tính tự lập và cả một chữ “Nhẫn”.
Cơ duyên đến với nghề làm GMHS đến với ông vào năm thứ 5 đại học. Lúc đó GMHS chưa hề có bác sĩ đảm nhận mà chỉ là công việc của những y tá phòng mổ. Bộ Y tế có mời được một chuyên gia GMHS của Bungari sang giúp Đại học Y Hà Nội mở lớp đào tạo. Chi bộ nhà trường họp và quyết định chọn ông là một trong 3 sinh viên Y5 học chuyên ngành này. Ông cảm thấy vinh dự vô cùng vì được Đảng lựa chọn là một trong những người đi tiên phong khai phá miền đất còn hoang sơ của ngành GMHS. Kể từ ngày đó anh sinh viên y khoa Nguyễn Thụ háo hức bước vào nghề, giữ lửa niềm đam mê ấy truyền cho bao lớp học trò suốt 50 năm qua.
Đưa GMHS Việt Nam bước ra thế giới
Năm 1972, chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông là nước Pháp. Cơ sở vật chất và quy mô đào tạo chuyên ngành GMHS của họ lúc bấy giờ quá xa vời so với thực tế ở Việt Nam đang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt. Nhưng ông vẫn mơ sẽ đến một ngày chúng ta được như họ. Sau ngày thống nhất đất nước, hợp tác quốc tế về y tế bắt đầu khởi sắc nhiều hơn nhưng vẫn chưa có gì biến chuyển nhiều trong GMHS. Nếu như chuyến xuất ngoại thứ nhất giúp cho ông có được tầm nhìn về sự phát triển của GMHS quốc tế thì chuyến xuất ngoại lần 2 tới Hà Lan (1984) trong thời gian 9 tháng đã cho ông những kiến thức lâm sàng thực tế về GMHS hiện đại. Trên cương vị Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội bấy giờ cho ông có điều kiện bắt tay vào hiện đại hóa ngành GMHS.
Có thể nói lịch sử ngành GMHS bước vào một trang mới khi vào năm 1989, ông đã có công lớn khi đưa GMHS Việt Nam gia nhập Hội GMHS ASEAN, chính thức đưa GMHS bước ra thế giới. Cơ hội phát triển được rộng mở nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách khi mà “gia sản” GMHS của chúng ta lúc bấy giờ quá lạc hậu.
Bước sang những năm 90 của thế kỷ trước, trình độ phẫu thuật được đầu tư mạnh mẽ, ông nhận thấy nếu GMHS không phát triển đồng đều thì rất khó thúc đẩy ngoại khoa phát triển, đặc biệt muốn thực hiện những phẫu thuật lớn, thời gian mổ 7-8 tiếng/ca bệnh như phẫu thuật lồng ngực có máy tim phổi nhân tạo. Năm 1993, trên cương vị Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội (ít lâu sau kiêm Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Việt Đức) ông quyết định thành lập Bộ môn GMHS, tách từ một bộ phận của Bộ môn Ngoại. Bệnh viện Việt Đức cũng bắt tay vào đầu tư mạnh mẽ cho GMHS về thiết bị, thuốc, đào tạo. Bắt đầu từ đây, chuyên ngành GMHS có điều kiện khẳng định vị trí độc lập của mình. GS. Thụ hãnh diện nói rằng, trước đây bác sĩ GMHS của ta đi học nước ngoài thấy cái gì cũng lạ, cũng mới nhưng bây giờ thì đã rất khác, ở các bệnh viện lớn tại Hà Hội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, GMHS của ta cũng đạt 80% đến 90% so với những nước có nền y học phát triển như Pháp.
Chuyên ngành gây mê hồi sức đòi hỏi kiến thức toàn diện. |
Phần thưởng lớn nhất là sự trưởng thành của học trò
Ông bảo cái nghề làm GMHS thật đặc biệt, đặc biệt đến chạnh lòng, bởi thành công luôn thuộc về người khác còn rủi ro khi xảy ra lại dành cho mình. Sau mỗi ca mổ, người ta chỉ chú ý cảm ơn người cầm dao trong cuộc mổ mà chẳng mấy ai quan tâm đến người làm gây mê, thậm chí một lời động viên cũng không có. Đối với người phẫu thuật viên có ca nặng, ca nhẹ nhưng người làm GMHS thì không có khái niệm “nặng, nhẹ” mà mức độ nguy hiểm là như nhau. Duy trì sự sống cho người bệnh suốt quá trình mổ chỉ mới đi được nửa chặng đường, bởi còn đó trọng trách hồi sức sau mổ. Lúc này tính mạng của người bệnh như một sợi tơ, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua cũng có thể đứt. Cái khổ, cái nghèo của nghề GMHS cũng khiến những bạn trẻ không dám lựa chọn và thậm chí không theo nổi nghề. Đây cũng là trăn trở của ông đối với ngành, bởi cho đến nay trong công việc người làm GMHS vẫn chưa được đánh giá xứng đáng, mặc dù trong mỗi ca phẫu thuật họ là người giữ linh hồn cho người bệnh.
Trong câu chuyện với GS. Thụ tôi vẫn nhận ra có sự quyến rũ rất riêng với nghề làm gây mê, đó là kiến thức toàn diện và sự nhạy cảm với từng ca phẫu thuật. Có lẽ vì thế mà dù bao nhiêu thiệt thòi, bao nhiêu vất vả vẫn có lớp lớp những thế hệ học trò tiếp bước ông. Người ta từng so sánh làm GMHS cũng giống như quá trình thực hiện một chuyến bay, từ khâu kiểm tra kỹ thuật trước bay, cất cánh và hạ cánh. Không có sự liên hệ nào về chuyên môn giữa hai lĩnh vực này nhưng mức độ quan trọng thì lại không khác nhau. Bởi theo GS. Thụ thì trước khi phẫu thuật người làm GMHS phải đánh giá đúng được tình trạng bệnh nhân, càng đánh giá đúng càng hạn chế được rủi ro. Họ phải “đọc” được diễn biến của người bệnh suốt quá trình trong và sau mổ. Muốn có được điều này đòi hỏi họ phải học rất nhiều để hiểu rõ nội khoa, ngoại khoa và dược lý.
Suốt nửa thế kỷ miệt mài “gieo hạt”, “vun trồng” cho ngành GMHS, phần thưởng lớn nhất của ông chính là sự trưởng thành của học trò. Gương mặt ông ngời sáng niềm hãnh diện khi kể cho tôi nghe về họ, tôi nhận thấy đối với họ ông không chỉ dành tình cảm yêu thương của một người thầy, mà còn trân trọng họ như những viên ngọc quý của ngành.
Học trò là phần thưởng lớn nhất của sự nghiệp còn gia đình là may mắn lớn nhất trong cuộc đời ông. Ông bảo “tôi có bao nhiêu học trò nhưng con cái lại một tay vợ tôi dạy dỗ, chăm sóc nên người... Nhiều lúc cũng muốn đưa bà ấy đi xem phim, đi chơi nhưng tôi toàn thất hứa, cứ ngồi vào bàn làm việc là không dứt đi được, ngay cả việc đọc sách văn học tôi cũng ít khi tự làm mà toàn bà ấy đọc rồi kể lại cho tôi nghe...”. Cho đến tận bây giờ khi ông đã về hưu, nhà có hai vợ chồng già nhưng đến bữa cơm bà giáo xứ Nghệ vẫn kiên nhẫn đợi chồng dời phòng làm việc.
Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng một ngày làm việc của GS. Thụ vẫn từ 9-10 tiếng, ông vẫn miệt mài với từng trang sách, từng giáo trình, từng luận văn của học trò... Nhìn cách bà giáo xứ Nghệ chăm sóc người bạn đời của mình, tôi càng hiểu vì sao ông có được niềm đam mê và thành công như thế, bởi sau lưng ông gia đình thực sự là một điểm tựa.
Bài, ảnh: Lê Hảo