Ông bật mí về việc đang gấp rút hoàn thiện đề tài về ghép tế bào gốc. Kết quả bước đầu cho thấy rất khả quan sẽ giúp các bệnh nhi bị bại não và tự kỷ có cơ hội trở thành những đứa trẻ hoàn thiện. Đó là Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc - Công nghệ gene Vinmec, người vừa mới được trao tặng Giải thưởng Nikkei châu Á bởi những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nội soi nhi khoa và ghép tế bào gốc.
GS. Nguyễn Thanh Liêm.
Trong câu chuyện về nghề y, về lĩnh vực phẫu thuật nội soi... hay tới những công trình về ghép tế bào gốc cho trẻ tự kỷ, trẻ bị bại não đang được ông và các đồng nghiệp sắp hoàn tất và công bố kết quả, người giáo sư ấy trầm ngâm và giọng chùng xuống. Trong suy nghĩ của ông, những em bé không hoàn thiện ấy cứ ám ảnh, cứ thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục những công trình để mang lại niềm tin, mang lại một thân hình lành lặn, một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.
Ông bảo: Tôi sinh ra có lẽ có mối lương duyên đặc biệt với trẻ em!
Vị giáo sư của những trẻ em...
Vị giáo sư với dáng người cao. Mấy chục năm nay, với các bệnh nhân nhí, ông đều ân cần hỏi han và nở nụ cười hiền hậu. Ông vẫn được nhiều người trong nghề và bệnh nhân gọi là “ông tổ” của mổ nội soi nhi khoa không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới. Ông được mệnh danh là bàn tay vàng phẫu thuật nhi khoa và một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ thế giới.
Quá trình cống hiến suốt hơn 40 năm của giáo sư vừa qua thêm một lần nữa được tôn vinh. Ngày 13/6/2018, tại Tokyo (Nhật Bản), GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nikkei châu Á bởi những đóng góp trong lĩnh vực nội soi nhi khoa và ghép tế bào gốc.
Giải thưởng Nikkei châu Á là giải thưởng uy tín được trao cho những cá nhân, tổ chức có những đóng góp và cống hiến nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân tại châu Á trong 3 lĩnh vực: Kinh tế khu vực và đổi mới doanh nghiệp, Khoa học công nghệ và Văn hóa. Giải thưởng do Tập đoàn truyền thông uy tín hàng đầu Nhật Bản Nikkei Inc., sáng lập và trao tặng.
Mỗi năm có 3 công dân châu Á có đóng góp ở 3 lĩnh vực văn hóa, kinh tế, khoa học và công nghệ được vinh danh.
GS. Nguyễn Thanh Liêm năm nay được chọn vinh danh trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ông được ban tổ chức chọn là cá nhân có nghiên cứu mang tính sáng tạo, đột phá, có đóng góp trong việc phát triển khoa học công nghệ của châu lục cũng như thế giới. Với ghi nhận này, GS. Nguyễn Thanh Liêm là người Việt đầu tiên được vinh danh ở lĩnh vực khoa học công nghệ trong 22 năm từ khi có giải thưởng.
Từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã có 5 cá nhân được trao giải thưởng này trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa.
GS. Liêm chia sẻ: “Với một người làm khoa học, đây là sự ghi nhận vô cùng quý báu và đáng trân trọng, đồng thời là một động lực để tôi và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Vinmec tiếp tục nuôi dưỡng đam mê khoa học, đóng góp cho cộng đồng”.
Một ngày cuối hạ, ở ngoài độ tuổi 60 nhưng vị giáo sư đáng kính ấy lúc nào cũng bận rộn. Ông bảo, 2 công trình nghiên cứu về tế bào gốc của ông đang đến hồi “nước rút” với những bước đầu rất khả quan, chỉ vài tháng thôi là những công trình đó sẽ được công bố.
Tâm sự về nghề y, về những mối trăn trở của mình, GS. Liêm tỏ lòng: “Trong mấy chục năm làm việc, tôi thấy vẫn còn rất nhiều trẻ em bị các bệnh không chữa được hoặc các cháu sẽ mất hoặc các cháu chịu tàn tật suốt đời như bại não, tự kỷ và nhiều bệnh khác. Chính đó là động lực thôi thúc tôi tiếp tục nghiên cứu hết cái này đến cái khác. Và giờ ông đang ngày đêm tiếp tục hoàn thiện, nghiên cứu công trình về ghép tế bào gốc cho trẻ em...”.
Bé Phúc An vừa được ghép tế bào gốc vào đầu năm 2018.
Ông tổ của phẫu thuật nội soi nhi khoa
GS. Nguyễn Thanh Liêm được giới y khoa quốc tế biết tới khi trở thành người đầu tiên nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á tiến hành phẫu thuật nội soi cho trẻ em. Ông đồng thời cũng là phẫu thuật viên hàng đầu thế giới về phẫu thuật nội soi nhi điều trị u nang ống mật chủ. Ông đã có 11 công trình khoa học công bố trong 2 lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật đó trở thành thường quy ở nhiều trung tâm trên thế giới.
Vị giáo sư kể, phẫu thuật nội soi ở người lớn bắt đầu từ năm 1987 nhưng với trẻ em thì đến giữa những năm 1990 mới bắt đầu phát triển. Phẫu thuật nội soi trẻ em khó khăn hơn và nhiều người ngại tiếp cận. Bởi khoang bụng, khoang lồng ngực của trẻ rất bé, thao tác khó khăn. Bên cạnh đó, cơ thể của trẻ chịu đựng việc bơm hơi để làm căng khoang bụng hay khoang ngực lên tiến hành thao tác phẫu thuật trẻ chịu áp lực rất kém, bởi vậy, chức năng hô hấp, chức năng tuần hoàn và nhiều chức năng khác dễ bị rối loạn.
Chính vì vậy, người ta rất e ngại trong việc phát triển phẫu thuật nội soi trẻ em. Do đó, quốc tế đánh giá rất cao những đóng góp của GS. Liêm về việc phát triển, phổ biến kỹ thuật phẫu thuật nội soi trẻ em.
Từ năm 1997, GS. Liêm bắt đầu thực hiện phẫu thuật nội soi cho trẻ em và từ năm 2000, ông phát triển nhiều hơn, đến 2002, những kỹ thuật này được ông triển khai mạnh mẽ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
“Năm 2002, phát triển phẫu thuật nội soi để điều trị thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở trẻ sơ sinh, lúc đó, chúng ta triển khai đầu tiên trên thế giới và cho đến nay, nhiều trung tâm trên thế giới vẫn còn ngần ngại thì lúc đó mình làm phải nói là bước đột phá”, GS. Liêm nhớ lại.
Sau đó, ông có 6 công trình nghiên cứu về lĩnh vực này, về phát triển kỹ thuật nội soi cho điều trị thoát vị cơ hoành bẩm sinh cho trẻ em.
Những đóng góp của ông khuyến khích không chỉ riêng Việt Nam mà còn khuyến khích các đồng nghiệp của châu Á và cả thế giới để tiến hành phẫu thuật này thường xuyên hơn.
Chẳng hạn như với phẫu thuật nội soi u nang ống mật chủ - một trong những phẫu thuật khó nhất cho trẻ em, nhiều người ngần ngại không muốn làm, bởi họ cho rằng nó không an toàn.
Trong lĩnh vực này, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu để phát triển làm cho phẫu thuật dễ tiến hành, an toàn hơn, hiệu quả, ít biến chứng, tỷ lệ thành công cao hơn. Chính vì thế cũng có thể nói ông là một trong những người góp phần làm cho phẫu thuật này phổ biến không những ở châu Á mà trên thế giới.
Hay như những phẫu thuật khác, ông là người đóng góp 9 phẫu thuật, kỹ thuật mổ mới hoàn toàn trong kỹ thuật nội soi trong kho tàng về mổ trẻ em và được mời đi mổ trình diễn ở nhiều nước từ châu Âu, Pháp, Italy, Hà Lan, châu Á...
Anh Nguyễn Hồng Phúc bế bé Phúc An trong một lần đi khám lại.
Ngỡ như một ước mơ rất xa vời
Nói về mối lương duyên với trẻ em, GS. Liêm nhớ lại: “Mình đến với trẻ em như một cơ duyên. Tốt nghiệp bác sĩ nội trú tại Đại học Y Hà Nội, khi đó quyết định theo chuyên khoa gì rất khó khăn. Tôi làm ngoại khoa, năm 1976, tốt nghiệp bác sĩ và tốt nghiệp bác sĩ nội trú vào năm 1979. Sau đó, có người giới thiệu tôi đến chuyên ngành phẫu thuật nhi. Qua trao đổi, tôi thấy rất thích, vì đó là chuyên ngành mới, lúc đó trên cả nước chỉ có trên đầu ngón tay về phẫu thuật nhi và còn nhiều thách thức nên mình lựa chọn, càng làm càng thấy nhiều đam mê”.
Kể lại những ngày đầu của hành trình đầy gian nan và thử thách ấy, vị giáo sư trầm ngâm, những ngày đầu khó khăn, lúc đó mình không có trang thiết bị. Năm 1993, ông được cử đi học tại Pháp và có cơ hội bắt đầu tiếp cận vấn đề này. Khi đó, ở Pháp cũng đang bắt đầu triển khai phẫu thuật nội soi. Đến năm 1997, khi GS. Liêm quay lại Pháp và đã thấy họ tiến hành cho nhiều loại bệnh.
“Mình cũng muốn học kỹ thuật mang về nước nhưng mang kỹ thuật về nước mình không có dụng cụ, trang thiết bị. Giàn máy nội soi bây giờ mấy tỷ đối với Việt Nam không phải cái gì lớn nhưng khi đó nó là một ước mơ rất xa vời”, vị giáo sư nhớ lại.
“Khi đó, tôi khắc phục bằng cách mượn của các hãng, mỗi tháng mượn chỉ được 1 hay 2 lần dụng cụ, thứ hai, dụng cụ vô cùng đơn giản. Chẳng hạn như dụng cụ cầm máu, bây giờ thì có nhiều loại cầm máu cho phẫu thuật nội soi nhưng hồi đó chỉ có duy nhất một dụng cụ là cái móc. Màn hình thì chất lượng cũng không tốt, mình làm với hình ảnh cũng không thật tốt”, GS. Liêm cho hay.
Ông bộc bạch, ngày đầu mò mẫm ấy, những người giúp việc không ai được đào tạo một cách chính thống. Người cầm camera cho ca mổ cũng không biết cầm cứ rung, giật rất khó làm. Điều dưỡng cũng vậy, họ không được đào tạo nên phối hợp ban đầu có thể nói không tốt. Khi đó, kinh phí rất hạn hẹp, vì vậy, ông và những người đồng nghiệp đành vừa làm vừa phải mò mẫm, tự dạy nhau, tự giúp đỡ nhau phát triển.
Giai đoạn mò mẫm của ông mất khoảng 2 năm. Ông kể, có những ca phẫu thuật nội soi khi đến ngày phẫu thuật bất ngờ bệnh nhân đột nhiên biến mất.
“Mình nhớ có nhiều lần chứ không phải một lần, bệnh nhân được tôi chỉ định mổ nội soi sau đó sáng mai không thấy bệnh nhân đâu. Bệnh nhân lấy lý do nào là ốm, người nhà ốm và nhiều lý do khác rồi họ xin ra viện. Sau này, tôi tìm hiểu kỹ mới biết được chính nhân viên của mình xui bệnh nhân không nên mổ nội soi, không nên thử nghiệm vì có nhiều nguy hiểm... Ngay cả việc thuyết phục các đồng nghiệp của mình cũng là vấn đề rất khó khăn. Sau này, bằng thực tế thì tự nhiên họ thấy thuyết phục”, vị giáo sư kể.
Nhớ lại chặng đường ban đầu ấy, ông không thể nào quên bởi phẫu thuật nội soi cho bệnh nhi những ngày khởi đầu thiếu thốn đủ thứ, bản thân phẫu thuật viên vất vả vì chưa có kinh nghiệm nên mỗi ca mổ kéo dài đến 5-6 tiếng, những người tham gia kíp mổ cũng mệt và nản. Từ buổi ban đầu mò mẫm như vậy, đến bây giờ, hầu hết, đến gần 90% các phẫu thuật Viện Nhi bây giờ đã làm phẫu thuật nội soi.
Những thành quả ấy giờ như trái ngọt lan tỏa khắp muôn nơi. Hiện nay, ở nhiều nước Đông Nam Á mà ông đến trình diễn đã áp dụng, không những các nước Đông Nam Á mà cả các chuyên gia của Ấn Độ, Mỹ, Italy sang học và áp dụng rộng rãi. Có thể nói có nhiều nước áp dụng kỹ thuật của Việt Nam.
Đó là một đánh giá rất cao của cộng đồng các nhà khoa học, phẫu thuật nhi thế giới đối với những kỹ thuật của Việt Nam.
Viết tiếp những câu chuyện thần thoại...
Khép lại chặng đường phẫu thuật nội soi nhi khoa với nhiều kỹ thuật khó và được các nước áp dụng rộng rãi, từ năm 2014, GS. Liêm lại tiếp tục nghiên cứu ở một lĩnh vực mới, đó là ghép tế bào gốc.
Thời gian gần đây, ông tập trung nghiên cứu vào tế bào gốc, như ghép tế bào gốc cho trẻ bại não. Đây là lĩnh vực mà ông và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Vinmec đang tiến hành và là một trong những đơn vị có thể nói là số ít trên thế giới đi đầu và đạt được những thành công.
Nói về tương lai của tế bào gốc, GS. Liêm nhắc lại lời của một nhà khoa học Mỹ: “Những câu chuyện tế bào gốc hiện nay hấp dẫn ly kỳ hơn truyện thần thoại viễn tưởng trước đây, tế bào gốc làm thay đổi cả tương lai của nhân loại, đây là kết luận có cơ sở khoa học, tế bào gốc có cơ sở để làm thay đổi quan niệm của chúng ta về bệnh tật cũng như về sức khỏe con người từ trước đến nay”.
Bởi lẽ đó, trong suốt gần 2 năm trở lại đây, ông nghiền ngẫm với công trình nghiên cứu ghép tế bào gốc điều trị cho trẻ bị bại não, trẻ tự kỷ hay những kế hoạch giúp đỡ trẻ em nghèo khuyết tật, dự án sách dành cho trẻ có rối loạn tự kỷ.
GS. Liêm nhớ lại, mối duyên này đến với ông khi vào cuối năm 2013, có một bé 2 tuổi bị nhiễm trùng máu và hậu quả bị suy đa phủ tạng. Các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã cố gắng cứu được tính mạng của bé nhưng do bé nhiễm trùng não nặng, thiếu ôxy trong não nên bé sống trong tình trạng thực vật, không thể vận động, liệt hoàn toàn.
“Tôi còn nhớ, khi đó, bố mẹ bé đã bế bé đến gặp tôi để nhờ xem có cách gì giúp được không. Khi đó tôi chỉ nói: Hiện nay, bác chưa nghĩ ra cách gì, các con cứ về đi, bác sẽ nghĩ xem có phương pháp nào khác không”.
Rồi trong đêm đó, tôi cứ miên man suy nghĩ rất nhiều và chợt nghĩ ra liệu ghép tế bào gốc có giúp ích được bé hay không, vì bé bị tổn thương thần kinh rất nặng như vậy. Rồi những ý tưởng, những dòng suy tư đó cứ miên man theo ông suốt một thời gian. Sau đó, GS. Liêm đã quyết định triển khai và thảo luận với gia đình bé gái đó và tiến hành ghép tế bào gốc.
Như có một phép màu, rất may, khi ca ghép lần đầu tiên này an toàn, sau ghép mấy tháng, bé đã có những thay đổi tích cực như người từ gồng cứng, tay chân bé đã mềm hơn.
Khởi đầu thuận lợi đó tạo cho ông niềm tin để tiếp tục làm. Sau đó, GS. Liêm và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Vinmec đã xin đề tài cấp Nhà nước, vừa rồi đã nghiệm thu xong về đề tài ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bại não.
Chia sẻ về lĩnh vực ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bại não, GS. Liêm phấn khởi bởi ông và những người đồng nghiệp tự hào khi Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong vấn đề này, cùng với Ấn Độ và Trung Quốc.
“Nếu như trước kia, các nghiên cứu người ta chỉ nói ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bại não nói chung và tỷ lệ thành công khoảng 75-80%, tỷ lệ thành công của chúng ta cao hơn nhiều - trên 90%, bởi vì chúng tôi đã tìm ra được chỉ định phù hợp, không phải bại não nào cũng có thể ghép. Chúng tôi đã nghiên cứu và chỉ lựa chọn những trường hợp bại não do một số nguyên nhân mắc phải như thiếu ôxy, quanh hay sau khi đẻ, não bị tổn thương hay vàng da ở giai đoạn sơ sinh... làm cho não một phần bị tê liệt”.
Vì bại não là vấn đề bế tắc trong điều trị từ trước đến nay nên khi thấy có nơi nào đó, có ai đó có một phương pháp điều trị mở ra một hướng mới, họ rất quan tâm.
GS. Liêm hồ hởi tự hào, hiện nay, tại Trung tâm Tế bào gốc của Bệnh viện Vinmec đã nhận được nhiều đề nghị từ bệnh nhân ở Mỹ, Anh, Australia và một số nước khác xin phép đến Việt Nam để điều trị.
GS. Nguyễn Thanh Liêm thăm bệnh nhân sau ghép tế bào gốc.
Nặng tình với trẻ tự kỷ
Nhắc đến GS. Nguyễn Thanh Liêm, trong rất nhiều năm qua, phụ huynh của trẻ em mắc chứng tự kỷ đều nhớ ông là người đồng hành thân thiết với những bệnh nhân nhi mắc bệnh này.
“Tôi vẫn nói mình có duyên nợ với trẻ tự kỷ. Từ hồi ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi đã thành lập trung tâm của trẻ tự kỷ và đến nay chương trình vẫn tiếp tục. Năm 2014, tôi bắt đầu ghép tế bào gốc cho trẻ tự kỷ, đây cũng là một chặng đường đầy gian nan và thử thách”.
GS. Liêm chia sẻ, có thể nói, đây là đề tài nghiên cứu công phu nhất không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Ông và những người đồng nghiệp không chỉ nghiên cứu về tế bào gốc mà kết hợp với giáo dục can thiệp cho trẻ. Các chuyên gia sẽ đo chuyển hóa não trước và sau ghép, phân tích gene của trẻ tự kỷ và bố mẹ xem có đột biến gene hay không và sự đáp ứng tế bào gốc với trẻ có đột biến gene hay không. Đây là một nghiên cứu công phu được triển khai từ tháng 7/2017, kết quả sẽ có đóng góp quan trọng trên thế giới.
“Với những trẻ tự kỷ, việc giáo dục can thiệp, chuyên biệt là cơ bản. Nó kéo dài xuyên suốt từ lúc bé đến vị thành niên. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trẻ tự kỷ không đáp ứng được hoặc đáp ứng rất kém, đó là lý do vì sao các nhà khoa học trên thế giới vẫn phải tiếp tục tìm kiếm các phương pháp khác bên cạnh giáo dục can thiệp để điều trị cho trẻ tự kỷ”, GS. Liêm phân tích.
Hiện nay, ông và những người đồng nghiệp đang làm đề tài cấp Bộ. Đến nay, đã có 30 trường hợp trẻ tự kỷ được ghép tế bào gốc cùng việc can thiệp giáo dục chuyên biệt. Kết quả bước đầu của công trình rất khả quan và đang tiếp tục theo dõi để trong nửa năm tới đánh giá.
Gác lại những dự án to tát, hàng ngày, ông vẫn miệt mài, kiên nhẫn dành một tình cảm đặc biệt cho trẻ em tự kỷ. Ông là người khởi xướng và đồng hành trong dự án viết sách, can thiệp giáo dục chuyên biệt, dạy một cách đặc biệt cho trẻ tự kỷ.
Trong mấy chục năm làm việc ấy, vị giáo sư hàng ngày bắt gặp nhiều cảnh ngộ trẻ em bị các bệnh không chữa được hoặc các cháu sẽ mất hoặc các cháu chịu tàn tật suốt đời như bại não, tự kỷ và nhiều bệnh khác. Chính đó là động lực thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu hết công trình này đến công trình khác về trẻ em.
Tại Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gene Vinmec, bé trai 2 tuổi mặc bộ quần áo hình quả dưa hấu lăng xăng chạy nhảy khắp nơi. Người bố đi theo sau bé vui đùa tại khu hành lang bệnh viện.
Nhìn đứa trẻ 2 tuổi không ai nghĩ bé trước kia là một đứa trẻ bị bệnh... Bé Phúc An vừa được ghép tế bào gốc vào đầu năm 2018.
Anh Nguyễn Hồng Phúc (34 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) - bố bé Phúc An tâm sự: “Tôi ngỡ cứ như một giấc mơ, chúng tôi không nghĩ con mình như vậy được”.
Anh Phúc kể, bé sinh ra bình thường, khi bé 1 tháng tuổi thì cháu có triệu chứng bỏ ăn, ly bì, cho đi khám được chẩn đoán xuất huyết não, phải phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật, tình trạng của bé không khả quan hơn. Trước thời điểm ghép tế bào gốc, phía bên phải bé hoạt động kém, tay không cầm nắm được mọi thứ. Bác sĩ chẩn đoán An bị liệt co cứng nửa người. Sau khi ghép tế bào gốc, tình trạng của bé tiến triển tốt hơn.
Anh Phúc kể lại: “Trước khi ghép, bé vào đây khám, bé chỉ đứng vịn được, đi men, không tự đi, tự chạy được. Sau khi ghép cùng với tập phục hồi thì bé tiến triển tốt, nói được, nhận thức tốt, nói nhiều, hoạt động tốt. Trước đó, bé đi lại khó khăn, hầu như không đi được. Trước khi ghép, bé vận động chỉ được 3-4 phần, giờ bé hoạt động được 7-8 phần”.
Hiện nay, còn rất rất nhiều bệnh nhân nữa đang ngày đêm được GS. Liêm trăn trở làm sao để những em bé đó được lành lặn, được phát triển bình thường và vui chơi như bao trẻ em khác. Vị giáo sư ấy không chỉ là một người thầy thuốc, một người ông mà như lời rất nhiều bậc phụ huynh yêu mến gọi là một “ông tiên” giữa đời thường đang tạo nên những câu chuyện thần thoại có thực cho những em nhỏ không may mắn trong cuộc sống này. Bởi, nhờ những công trình, những kỹ thuật của ông trong phẫu thuật nội soi nhi khoa hay tế bào gốc, biết bao em nhỏ đã trở lại cuộc sống bình thường.