Một lần tham dự lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp với người bệnh tại Hà Nội, ông Đồng thấm thía câu nói của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, nhưng cũng không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y nếu thiếu đạo đức“. Ông mang theo lời giáo huấn này hàng ngày để vừa tự răn mình vừa truyền đạt đến đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh.
Không chỉ đồng nghiệp mà ngay cả bệnh nhân, dù điều trị thời gian dài hay ngắn qua tiếp xúc với ông đều khâm phục vị giám đốc này ở lòng nhiệt huyết yêu nghề, sự tận tụy với công việc hết mực. Dường như chưa bao giờ Giám đốc Nguyễn Viết Đồng có một giấc ngủ ngon, kể cả việc ngồi ăn cơm đầm ấm cùng vợ con cũng thật hiếm hoi. Ông Đồng thường đi sớm về muộn, bởi bệnh nhân cứ “lần lượt theo nhau suốt tối ngày” buộc ông phải điều hành công việc bắt đầu từ mệnh lệnh trái tim.
Giám đốc Nguyễn Viết Đồng.
Tôi gặp ông trong một buổi sáng, giữa bộn bề của công việc trong đợt khám sức khỏe cho công nhân Khu công nghiệp Vũng Áng. Nhìn dáng ông cao, gầy mảnh khảnh, tất bật đi giữa các buồng khám, vừa chỉ đạo cán bộ, vừa hỏi han công nhân, vừa là người hướng dẫn kiêm đón tiếp. Tôi mạo muội: Việc này đâu cần đến Phó Giám đốc Sở kiêm Giám đốc bệnh viện hả anh? Ông nhìn tôi như sững lại, thoáng có vẻ không hài lòng rồi như chợt hiểu ra, ông cười xòa, bàn tay chắc chắn thô ráp, vỗ lên vai tôi như người anh bảo ban đứa em, chất giọng đặc sệt Hà Tĩnh quê mình: “Không được đâu chú. Những lúc như này cần lắm sự chỉ đạo và có mặt của nhà quản lý”.
Trở lại phòng làm việc của Giám đốc Nguyễn Viết Đồng, tôi bất ngờ khi thấy căn phòng quá nhỏ bé so với cương vị ông đang đảm trách. Trong phòng vừa vặn đủ kê bàn làm việc và bộ bàn ghế để tiếp khách, ngoài ra không có gì hơn. Lại thấy các bác sĩ và bệnh nhân đến trình bệnh án, đơn từ đứng ngoài hành lang hết lượt này tới lượt khác. Người thông báo và trình bày giải pháp điều trị với ông về ca cấp cứu bệnh nhân mới, xin chuyển lên tuyến trên; người trình khoản thu viện phí... Ông Đồng giải quyết việc gì nhanh gọn và dứt điểm việc ấy, đã trở thành thói quen hàng ngày. Có lần một bác sĩ bảo ông: “Thủ trưởng nên cải tạo phòng lại cho rộng rãi đàng hoàng, bàn ghế đắt tiền nó mới tạo được vị thế của một đơn vị lớn”. Ông Đồng cười và bảo: “Phòng to bàn đẹp làm gì khi người bệnh có lúc còn phải nằm chung giường, nhân viên đời sống còn vất vả. Hạnh phúc nhất của tôi là đội ngũ thầy thuốc làm hài lòng người bệnh”. Đã có những lần ông tâm sự rất chân thành với một bằng hữu: “Làm thủ trưởng mà cứ ra oai và bao giờ cũng cứ tính đến lợi ích cá nhân thì đừng làm. Đối với những người như thế dầu là thủ trưởng nhưng cán bộ nhân viên sẽ không khâm phục và sớm muộn cũng sẽ bị ngã ngựa trên đường danh vọng...”.
Là một bác sĩ được đào tạo chính quy từ Trường đại học Y khoa Hà Nội, trưởng thành từ Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, Giám đốc Nguyễn Viết Đồng đã học được nhiều kinh nghiệm quý ở các bậc đàn anh đi trước. Ông thường tâm niệm rằng, khiêm tốn và giản dị mới tạo được mối tổng hòa trong quan hệ xã hội. Nghề thầy thuốc là “nghề làm dâu trăm họ”, cố gắng để trở thành người “dâu hiền” trong sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của người bệnh đâu phải là chuyện dễ. Ngay từ lúc được đề bạt làm giám đốc bệnh viện, ông Đồng đã tiến hành một cuộc cách mạng “chấn chỉnh về y đức và nâng cao trách nhiệm phục vụ người bệnh”.
Vì “những “lỗ hổng” ông Đồng nhìn thấy từ lâu đó là lối làm việc tắc trách của không ít y bác sĩ, hiện tượng tiêu cực vòi tiền bệnh nhân ở một số khoa, làm việc theo kiểu “chân trong chân ngoài”, tư tưởng bảo thủ, tự ti và thủ tiêu đấu tranh để che giấu khuyết điểm. Không nóng vội và cũng không duy ý chí, với nguyên tắc tập trung dân chủ, Giám đốc Nguyễn Viết Đồng đã tổ chức nhiều cuộc họp từ Đảng bộ, công đoàn, từ các khoa phòng đến đơn vị. Qua nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của cán bộ công nhân viên về thực trạng của đơn vị mình, cùng với những quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp đã có từ lời răn dạy của danh y Hải Thượng Lãn Ông, đến mọi nghị quyết, quy chế cụ thể đã được ban hành từ Bộ Y tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh... để cùng nhau xây dựng một quy chuẩn về đạo đức và nhiệm vụ của cán bộ công nhân viên phải thực hiện nghiêm túc nơi công sở.
Ông Nguyễn Viết Đồng thăm bệnh nhân đang điều trị.
Điều bệnh nhân thường hay phàn nàn nhất cũng là điều ông Đồng suy nghĩ sẽ thực hiện sớm nhất đó là phong cách ứng xử. Ông khuyên cán bộ mình: “Phải thấy được hình ảnh khi người bệnh ốm đau, nội tâm dằn vặt tìm thấy nụ cười của bác sĩ trực tiếp chăm sóc mình. Nụ cười đối với bệnh nhân bằng “mười thang thuốc bổ” còn đối với thầy thuốc là nhịp cầu đón bệnh nhân”. Nói đi đôi với làm, ông Đồng siết chặt kỷ cương nền nếp bắt đầu từ các khoa phòng. Hàng ngày, trong các cuộc giao ban, ông thường xuyên nhắc nhở, uốn nắn kịp thời những thiếu sót tồn tại trong quá trình chăm sóc điều trị bệnh nhân. Để giữ nghiêm tính kỷ luật, ông giao nhiệm vụ cho các khoa, phòng phải theo dõi sát cán bộ bằng sổ sách, bảng chấm công, bằng những mặt ưu, mặt khuyết hàng ngày. Ai có thành tích tốt được biểu dương kịp thời, ai vi phạm kỷ luật cũng bị xử lý tùy theo mức độ nặng nhẹ. Nếu trong khoa mình có nhân viên tái phạm khuyết điểm đều phải chịu trách nhiệm. Một cách kiểm tra, giám sát đội ngũ thầy thuốc của mình khá hay nữa là ông thiết lập đường dây nóng, khi nhận được nguồn tin từ phía người bệnh phản ánh, ông Đồng đích thân trực tiếp kiểm tra để làm rõ thực hư. Chưa hết, ông Đồng còn nhập vai “người bệnh” để làm những chuyến vi hành trong những đêm mưa gió, khuya khoắt kiểm tra cán bộ mình có nghiêm túc với phiên trực không? Sau những lần như thế, ông đưa ra trước tập thể một giải pháp: thay đổi cửa sổ hệ thống kính mờ để bệnh nhân thấy được người ở phòng trực. Sáng kiến này được tập thể đồng tình cao và các kíp trực không để bệnh nhân phàn nàn nữa.
Bước sang công việc giám đốc bệnh viện lớn của Hà Tĩnh, ông Nguyễn Viết Đồng đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của một bệnh viện. Bệnh nhân hài lòng khi đơn vị tạo ra được môi trường thân thiện trong giao tiếp. Những người bệnh đến điều trị nội trú đều được quan tâm chu đáo hơn. Người bệnh khi đến khám, phòng đợi có ghế cho bệnh nhân ngồi xem tivi. Thủ tục khám đều được số hóa điện tử, cải tiến quy trình khám nhanh nhất, lựa chọn nhân viên ứng xử tốt nhất. Khi uy tín bệnh viện ngày càng cao thì áp lực bệnh nhân ngày càng lớn, để tạo được sức hút với người bệnh, Giám đốc Nguyễn Viết Đồng cùng tập thể đã xây dựng thành công phòng khám tự nguyện. Với dịch vụ tự nguyện tuy ra đời có muộn hơn so với các tỉnh thành, nhưng chính dịch vụ đã có nhiều tiện ích, dân có quyền lựa chọn người khám, đỡ phải đi xa tốn kém.
Đối với Giám đốc Nguyễn Viết Đồng, mục tiêu điều trị bệnh nhân có hiệu quả và chăm sóc bệnh nhân chu đáo là vấn đề cốt tử. Ông Đồng thường xuyên có nỗi lo thường trực, lo từ việc cung ứng thuốc cho bệnh nhân, lo nguồn máu cấp cứu cho bệnh nhân lúc cần. Ông lo chỉ đạo cải tiến chất lượng các món ăn trong dịch vụ bếp, đến cả sáng kiến làm 2 nhà máy giặt (có máy bơm tự động và đầy đủ thau chậu cho bệnh nhân giặt giũ), làm một nhà phơi để bệnh nhân phơi quần áo. Những sáng kiến tưởng như nhỏ này lại hết sức thiết thực cho những người đang điều trị.
Lãnh đạo tỉnh tín nhiệm, ông Đồng được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc bệnh viện tỉnh. Công việc nhiều hơn. Trách nhiệm lớn hơn. Giờ ông không chỉ đứng mũi chịu sào lo toan chuyện của bệnh viện mà còn phải đảm trách công việc của người quản lý trong ngành. Đi cơ sở nhiều hơn, nắm bắt tâm tư của cán bộ tuyến dưới càng làm dày thêm vốn sống và kinh nghiệm, bồi đắp kỹ năng quản lý cho ông. Nhiều người nhận xét rằng ông Nguyễn Viết Đồng là con người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Ông là người tiên phong trong đổi mới, nhưng sự đổi mới của ông dựa trên cơ sở khoa học và ông đã “cân, đong, đo, đếm” rất kỹ, có sự tham mưu của những người có trí tuệ và đạo đức. Thành tích của ông không chỉ dừng lại ở việc đổi mới phong cách quản lý, đổi mới cơ sở vật chất bệnh viện mà ai gần gũi với ông mới hiểu thêm ông là con người ham học, ham đọc, ham tìm tòi và không bao giờ chịu thỏa mãn với những gì mình làm được. Tuy công việc bận túi bụi, nhưng ông đã trực tiếp thực hiện nghiên cứu 5 đề tài khoa học, những đề tài này đều có tác dụng thiết thực trong việc ứng dụng lâm sàng, nâng cao chất lượng điều trị. Hiện nay ông đang là chủ nhiệm nghiên cứu một đề tài cấp tỉnh.
Chính nhờ bệnh viện có bước “đột phá” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, ông đã tạo được lòng tin đối với các đồng chí lãnh đạo từ Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ngành hữu quan ủng hộ đơn vị “mạnh” về cơ sở vật chất, “vững” về chuyên môn. Các trang thiết bị y tế cũ kỹ, lạc hậu được thay thế dần bằng những trang thiết bị hiện đại, nên khai thác được công suất tối đa. Năm 2013, bệnh viện đã triển khai được 14 kỹ thuật mới, trong đó có nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: thay máu sơ sinh, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, nội soi khớp gối, dẫn lưu não thất, đo huyết áp động mạch xâm nhập liên tục, nút mạch, đẻ không đau, giảm đau sau mổ bằng phương pháp gây tê tủy sống. Từ nghiêm túc trong làm việc, mẫu mực trong sinh hoạt, Giám đốc Nguyễn Viết Đồng đã tạo nên động lực để đồng nghiệp xóa được tư tưởng bảo thủ, không ngừng học hỏi, rèn luyện về nghiệp vụ chuyên môn. Chính ông cũng đã nhận thấy: Muốn bệnh viện tạo được uy tín lớn, càng phải có nhiều thầy thuốc giỏi tay nghề. Hàng năm ông đã lên kế hoạch để tất cả các khoa phòng đều có người đi học, lớp học ngắn hạn, lớp dài hạn tại các trường đại học y khoa có thương hiệu lớn trong nước. Người nào hoàn cảnh khó khăn được đơn vị giúp đỡ thêm về kinh phí, nhờ đó bệnh viện hiện đã có 12 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, 58 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I.
Câu chuyện của chúng tôi thường xuyên bị đứt đoạn giữa chừng bởi những cuộc điện thoại và làm việc chớp nhoáng của cán bộ. Rồi cũng đến lúc phải chào tạm biệt ông giám đốc nhiều lo này để ra về. Thế mà, ra đến cửa rồi, bắt tay tạm biệt nhưng ông vẫn cứ cố níu lại để chia sẻ nỗi lo làm sao để cán bộ y tế của tỉnh yên tâm sống được với nghề, cùng ở lại xây dựng y tế Hà Tĩnh được dân tin, dân yêu hơn nữa...!
Bài, ảnh: Quỳnh Hậu