Không khí lạnh tăng cường mang theo mưa rét, đặc biệt là vào sáng sớm, buổi tối và ban đêm, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người già. Theo ghi nhận của phóng viên tại Khoa Tim mạch lão học, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, nếu như ngày thường trung bình có từ 10-15 bệnh nhân vào viện, nhưng đợt này do thời tiết lạnh, bệnh nhân đã tăng lên mỗi ngày có từ 25-30 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não chiếm 60%. Theo chỉ tiêu Khoa chỉ có 50 giường bệnh, nhưng dịp này Khoa phải kê thêm 60 giường bệnh mới đủ cho bệnh nhân nằm mỗi người một giường.
Bệnh nhân Nguyễn Trọng Quang, 54 tuổi, Thôn Tây Nguyên, Xã Cẩm Nam, Cẩm Xuyên vào bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng hôn mê, được các bác sĩ chẩn đoán bị tai biến mạch máu não. Người nhà bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân Quang có tiền sử bị cao huyết áp, tiểu đường cách đây 5 năm. Trước đây, ông đã bị tai biến mạch máu não một lần, được các bác sĩ của bệnh viện cấp cứu nên ông đã khỏi bệnh. Đợt này do thời tiết lạnh, sau khi đi làm về ông đã bị ngất. May mà người nhà phát hiện sớm, đưa đi cấp cứu kịp thời nên ông đã qua cơn nguy kịch.
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Loan
Bác sĩ Lê Văn Dũng, Trưởng Khoa Nội tim mạch lão học, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Cơ thể người già dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch đã suy giảm. Trong thời tiết lạnh, người già thường mắc phải một số bệnh như: bệnh hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, mạch vành, suy tim các loại, các bệnh lý về van tim và bệnh mạch máu ngoại vi.
Để phòng bệnh ở người cao tuổi trong mùa lạnh, cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa. Hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý.
Những trường hợp dùng răng giả cần vệ sinh răng giả thật sạch sẽ không để bám dính nhiều cặn, thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật cho đường hô hấp. Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào nhất là những người cao tuổi đã bị các bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang. Thể dục khoa học, buổi sáng nên xoa tay, xoa chân cho ấm rồi mới bước xuống giường, có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà chứ không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh, nhất là lúc đang có gió mùa. Theo dõi các chỉ số tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường… ngăn ngừa huyết khối. Tăng cường rau quả chứa nhiều vitamin C thiên nhiên như cam, chanh, bưởi, cà chua, quýt, su hào, xà lách, giá đậu... nhằm làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Có thể uống một ly sữa ấm trước lúc lên giường để khỏi hạ đường huyết trong đêm gây rối loạn giấc ngủ...
Trang bị lò sưởi phục vụ bệnh nhân châm cứu tại Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Loan
Được biết, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường các biện pháp phòng chống rét cho bệnh nhân. Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh. Nơi xếp hàng chờ khám, các buồng khám bệnh, buồng điều trị người bệnh đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm, phương tiện bảo đảm cho người bệnh được giữ ấm trong thời gian khám chữa bệnh tại bệnh viện. Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh.
Thanh Loan