Người già ngủ bao nhiêu tiếng mỗi đêm là đủ?

24-10-2024 20:18 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Người già thường gặp vấn đề về giấc ngủ. Vậy với người già mỗi đêm ngủ bao nhiêu tiếng là đủ?

Người già ngủ bao nhiêu tiếng là đủ?

Giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người già, người cao tuổi. Tuy nhiên, những vấn đề về sức khỏe dễ khiến người già gặp tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc… Vậy mỗi ngày người già ngủ bao nhiêu lâu là đủ? Người trưởng thành nên ngủ đủ giấc từ 6-8 tiếng mỗi ngày. Với người già, người cao tuổi cũng vậy. Thời gian ngủ tốt nhất để đảm bảo sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần cho người già là từ 6-8 tiếng mỗi ngày. Nếu trong trường hợp người già gặp các vấn đề về sức khỏe và không thể đảm bảo ngủ đủ giấc vào buổi đêm, người già nên chia thời gian ngủ vào buổi tối từ 5-6 tiếng và buổi trưa từ 1-2 tiếng. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo được tổng thời gian ngủ trong ngày khoảng 6-8 tiếng. Bên cạnh đó, người già cần lưu ý không nên ngủ quá nhiều vào ban ngày để tránh việc buổi tối bị mất ngủ.

Người già ngủ bao nhiêu tiếng mỗi đêm là đủ?- Ảnh 1.

Mất ngủ kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của người già.

Chữa bệnh mất ngủ ở người già không dùng thuốc

Hầu hết những người khỏe mạnh sẽ có thể ngủ tự nhiên đủ 6-8 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu người già gặp các vấn đề về giấc ngủ không nên sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ mà có thể áp dụng những biện pháp tự nhiên sau:

- Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Do người già, người cao tuổi hay gặp các vấn đề về tiêu hóa dẫn đến hấp thu kém cũng như ảnh hưởng đến giấc ngủ. Việc thay đổi chế độ dinh dưỡng vừa giúp người già cải thiện thể trạng vừa có lợi cho giấc ngủ. Người già nên thay đổi chế độ ăn hàng ngày bằng cách tăng cường các loại rau, củ quả, trái cây trong thực đơn. Một số thực phẩm giàu trytophan sẽ có lợi cho giấc ngủ của người già như sữa và các chế phẩm từ sữa, gạo lứt, các loại đậu, socola, thịt trắng, các loại hạt, các loại thịt trắng… Các khoáng chất, vitamin có trong thực phẩm sẽ giúp người cao tuổi ngủ ngon hơn, nâng cao thể trạng.

Người già cần uống đủ nước mỗi ngày, việc uống từ 2-3 lít nước mỗi ngày sẽ giúp cơ thể trao đổi chất và hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, nên hạn chế việc uống nhiều nước vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ để tránh tình trạng tiểu đêm gây mất ngủ. Bên cạnh đó, những thực phẩm nhiều gia vị, đồ ăn nhiều dầu mỡ cần được hạn chế. Người già cần duy trì thói quen không nên ăn mặn hoặc nhiều đường để tốt cho sức khỏe cũng như giấc ngủ. Không sử dụng các chất kích thích và không uống rượu bia.

Người già ngủ bao nhiêu tiếng mỗi đêm là đủ?- Ảnh 2.

Việc dùng điện thoại, xem tivi trước khi đi ngủ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.

- Duy trì các thói quen có lợi cho giấc ngủ: Người già có thể tạo cho mình một số thói quen trước khi đi ngủ như ngâm chân nước ấm, thiền… và ghi lại nhật ký giấc ngủ. Để không bị mất ngủ và giấc ngủ được ngon hơn, sâu hơn người già nên lựa chọn không gian ngủ thoáng mát, hạn chế âm thanh cũng như tiếng ồn. Người già nên đi ngủ sớm và dậy sớm, điều này sẽ có lợi hơn so với việc đi ngủ muộn và dậy muộn.

- Thay đổi các thói quen xấu: Nhiều người trước khi đi ngủ thường xem điện thoại, tivi, ăn quá no hoặc tập luyện sát giờ đi ngủ… Những điều này thường tác động không tốt đến giấc ngủ cũng như sức khỏe của người già.

- Duy trì tập luyện: Việc tập thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn không chỉ giúp ích cho sức khỏe của người già mà còn giúp người già ngủ ngon hơn. Tập thể dục thể thao là cách để người già thư giãn, hạn chế stress. Người già nên lựa chọn những môn thể thao phù hợp với sức khỏe hoặc những bộ môn giúp thư giãn đầu óc như: đi bộ, thiền, yoga… Nhiều người cho rằng việc tập với cường độ cao sẽ giúp người già ngủ ngon hơn tuy nhiên điều này có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

- Một số bệnh lý mắc phải có thể khiến người già bị mất ngủ như: xương khớp, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh… Do vậy, nếu có bệnh lý kèm theo, người già cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ.

Tốt nhất, người già nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về chế độ ăn, tập luyện và sinh hoạt phù hợp với từng người để cải thiện tình trạng mất ngủ. Bởi nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, ngủ không đủ giấc có thể gây ra những hệ lụy cả về thể chất lẫn tinh thần.

Xem thêm video được quan tâm:

Cải thiện tình trạng chán ăn ở người cao tuổi | SKĐS


Ths.BS Nguyễn Thị Kim Oanh
Phó Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn