Hà Nội

Người già muốn khỏe mạnh hãy thực hiện 3 nguyên tắc này

28-07-2023 06:42 | Sức khỏe tâm hồn

SKĐS - Khi về già sức khoẻ thường suy giảm, bệnh tật cũng bắt đầu tìm đến. Để những năm tháng tuổi già được khỏe mạnh, bình yên, hãy thực hiện 3 nguyên tắc dưới đây.

3 nguyên tắc sau sẽ giúp cho người lớn tuổi khỏe khoắn và bình yên, gồm:

1. Storage of Experiences - Trải nghiệm sống (Kho kinh nghiệm)

2. Simplicity - Giving up/ Giản đơn - Buông bỏ

3. Slow Living - Sống chậm

Những lưu ý sức khỏe khi về giàNhững lưu ý sức khỏe khi về già

SKĐS - Hầu như ai lớn tuổi cũng muốn luôn được khỏe khoắn và yên bình mỗi ngày trôi qua. Muốn vậy, trước tiên, bạn cần học cách chấp nhận - Acceptance, bạn cần đối mặt không né tránh những gì tuổi tác mang lại, cả bề ngoài lẫn bên trong cơ thể bạn.

1. Trải nghiệm sống (Kho kinh nghiệm)

Trải nghiệm sống phải đi liền với yếu tố thời gian, bạn phải trải qua nhiều năm tháng trong cuộc đời, trải qua nhiều công việc, trải qua nhiều mối quan hệ xã hội, qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, có cả niềm vui và khổ đau… mới rút ra được những kinh nghiệm sống trong tất cả hoạt động hàng ngày. Và thường chỉ tích lũy được kinh nghiệm khi bạn lớn tuổi.

Nói như vậy, một người trẻ tuổi, dù giỏi giang đến mấy, cũng khó có những trải nghiệm sống đầy đủ, do chưa đủ yếu tố thời gian mà bạn từng trải qua.

Nguồn tích lũy trải nghiệm sống hay kho kinh nghiệm có được, sẽ cho những người lớn tuổi một số lợi thế nhất định sau:

+ Chọn cách lắng nghe và thấu hiểu hơn

Qua những vô thường trong cuộc đời, người lớn tuổi đã thấm thía với những thăng trầm của chính mình, của các gia đình, của các số phận con người. Vì vậy, đối với bạn bè và người thân, người lớn tuổi thường chọn cách lắng nghe và thấu hiểu "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh".

Hãy chọn cách sống tử tế, quan tâm nhau và vui vẻ; cho đi mà không bận tâm đến nhận lại; chia sẻ và hỗ trợ khi cần; tha thứ thay vì trách cứ và giữ đúng lời hứa… Và kết quả, người lớn tuổi dễ chạm đến một tâm trạng an nhiên tự tại, khỏe khoắn và yên bình.

Thực hiện 3 nguyên tắc sau giúp người già khỏe khoắn và bình yên - Ảnh 2.

Người lớn tuổi nên để sức khỏe và tâm trí tận hưởng quỹ thời gian vàng còn lại của chính mình.

+ Chọn cách không làm hài lòng hết tất cả mọi người

Bằng sự trải nghiệm sống của cả cuộc đời, khi lớn tuổi thường chọn cách không cố gắng để làm hài lòng tất cả mọi người. Cũng không vội vàng đối phó ngay khi nghe một nhận xét không hài lòng về mình; bởi bạn biết sẽ không bao giờ làm hài lòng được tất cả mọi người.

Thay vào đó, người lớn tuổi để sức khỏe và tâm trí tận hưởng quỹ thời gian vàng còn lại của chính mình; với cách tư duy biện chứng như vậy, làm cho người lớn tuổi không phải suy nghĩ nhiều trong các mối quan hệ, và tất nhiên sẽ dễ khỏe khoắn và yên bình hơn.

+ Chọn cách thận trọng và trầm tĩnh hơn, khi đưa ra một nhận xét đúng sai

Bằng trải nghiệm sống, người lớn tuổi rút ra kinh nghiệm trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đúng sai khó có thể nói rõ ràng, thậm chí căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Chính chọn cách thận trọng và trầm tĩnh khi đưa ra một nhận xét, làm cho người lớn tuổi ít vướng vào các câu chuyện thị phi, sai lầm… và kết quả bạn sẽ khỏe khoắn và yên bình, ít nhất có một giấc ngủ ngon sau mỗi ngày trôi qua.

+ Chọn cách tránh so sánh hơn thua vật chất của cải và chức quyền

Trải qua bao nhiêu câu chuyện vô thường và trải nghiệm sống, người lớn tuổi thường tránh câu chuyện so sánh hơn thua liên quan các nội dung như quyền chức, giàu nghèo... Vì đối với người lớn tuổi, sống giản đơn, yên bình và hạnh phúc mới là đích họ muốn hướng đến.

Thực hiện 3 nguyên tắc sau giúp người già khỏe khoắn và bình yên - Ảnh 3.

Người lớn tuổi biết chọn gần với những người lạc quan, vui vẻ, suy nghĩ giản đơn và tử tế, chân thành. Ảnh minh họa

+ Biết chọn gần với những người có cảm xúc hay năng lượng tích cực và tránh gặp những người có năng lượng tiêu cực

Bằng trải nghiệm sống, người lớn tuổi biết chọn gần với những người lạc quan, vui vẻ, suy nghĩ giản đơn và tử tế, chân thành và hài hước. Bằng cách này, người lớn tuổi sẽ nhận được năng lượng tích cực từ những người tiếp xúc và đem lại cho họ cảm giác bình yên và hạnh phúc.

Cũng bằng trải nghiệm sống, người lớn tuổi biết nên tránh gặp những người suốt ngày chỉ biết phàn nàn, bi quan, suy nghĩ tiêu cực sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của họ; những người lắm chuyện, chuyên soi mói đố kỵ, hả hê với thất bại người khác và tính toán hơn thiệt với bạn bè người thân, đầy toan tính vụn vặt...sẽ khiến thêm căng thẳng và mệt mỏi. Tránh những người như vậy, rõ ràng làm cho người lớn tuổi dễ đạt khỏe khoắn và bình yên hơn.

2. Giản đơn - Buông bỏ

Sống giản đơn và buông bỏ, chắc ai cũng đã được nghe nhiều lần, nhưng để thực hành được không dễ chút nào. Nhiều bằng chứng y học cho thấy, khi bạn sống đơn giản và buông bỏ, các hormone chịu trách nhiệm tạo ra căng thẳng và bệnh tật giảm xuống, và các hormone tạo ra hạnh phúc và sức khỏe tăng lên.

Thực tiễn cuộc sống cũng cho thấy, sống đơn giản và buông bỏ là nền tảng của mạnh khỏe, bình yên và hạnh phúc cho mọi người.

Sinh thời, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có câu nói sau: "Cuộc sống sẽ bình yên nếu bạn biết tối giản hóa suy nghĩ phức tạp thành giản đơn". Thống kê cho thấy, thực hành tốt cách sống giản đơn và buông bỏ thường chiếm tỷ lệ cao chủ yếu ở người lớn tuổi, và chính điều đó đã mang lại một số lợi thế nhất định cho người lớn tuổi.

+ Chọn cách suy nghĩ đơn giản hơn, nghe thấy thuận tai hơn

Cũng là cùng một câu chuyện, nhưng người trẻ tuổi, dễ cảm thấy vô lý, khó chịu và không kiềm chế được cảm xúc. Nhưng cũng câu chuyện đó, những người lớn tuổi chọn cách suy nghĩ giản đơn hơn, dễ thông cảm và khoan dung hơn, nghe thuận tai hơn. Chính do suy nghĩ giản đơn hơn, nên người lớn tuổi dễ thấy bằng lòng, bình yên và khỏe khoắn hơn.

+ Chọn sống riêng và giản đơn hơn, ít trách cứ con cháu

Xu hướng hiện nay, người lớn tuổi thường chọn sống riêng, sống gần nhưng không sống chung với con cháu, chỉ cần giữ mối quan hệ với con cháu, yêu thương và giúp đỡ khi cần.

Người lớn tuổi cũng có xu hướng không quá đặt nặng việc con cháu phải phụng dưỡng đối với cha mẹ cho bằng được. Họ tin tưởng con cháu biết chăm lo cho cuộc sống riêng tư của chúng. Họ tôn trọng và hạn chế can thiệp sâu vào gia đình riêng tư con cháu.

Họ chỉ mong con cháu mạnh khỏe và bình yên để tiếp tục đồng hành với họ những ngày tháng vui vẻ. Chính cách tư duy như vừa nêu trên, làm cho người lớn tuổi dễ đạt được khỏe khoắn và bình yên hơn.

Thực hiện 3 nguyên tắc sau giúp người già khỏe khoắn và bình yên - Ảnh 4.

Khi bạn lớn tuổi sẽ có lúc bạn thích sống chậm lại, nói ít hơn và chỉ quan tâm đến những điều đơn giản.

+ Chọn cách luôn thấy đủ là đủ đối với vật ngoài thân

Trải qua một hành trình dài cuộc đời, đến khi lớn tuổi, họ thường chọn cách sống tối giản, không quá vội vàng hay quá tham lam vật dụng ngoài thân. Họ thường cho rằng, có nhà để ở, có xe để đi, có tài chính ổn phòng thân... vậy là hạnh phúc may mắn rồi. Không nhất thiết phải tốn công so bì, biết đủ là đủ, miễn luôn cảm nhận được khỏe khoắn và bình yên, vậy là đã đạt đích muốn hướng đến!.

3. Sống chậm

Khi bạn lớn tuổi, bạn đã trải qua một chặng đường dài thăng trầm của cuộc đời, tự nhiên sẽ có lúc bạn thích sống chậm lại, nói ít hơn và chỉ quan tâm đến những điều đơn giản. Bạn sẽ bỏ ngoài tai những điều không hay và chỉ quan tâm đến thế giới nội tâm bình yên hạnh phúc đích thực của chính mình.

Sinh thời, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có câu nói sau: "Nếu cuộc sống khiến bạn mệt mỏi, hãy bước chậm lại để cảm nhận thế giới nhiều hơn. Chỉ cần bạn suy nghĩ đơn giản thì mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng."

Chọn cách sống chậm thường khó thực hiện ở giới trẻ, nhưng cho thấy thực hiện tốt và dễ dàng hơn ở người lớn tuổi, và chính điều đó sẽ mang lại một số lợi thế nhất định cho người lớn tuổi.

+ Chọn cách sống chậm để cảm nhận thời khắc hiện tại

Người lớn tuổi ý thức rõ rằng, quá khứ là khoảng thời gian họ không thể quay trở lại, tương lai là nơi họ chưa thể đặt chân đến, mà cuộc đời thì quá vô thường, nên hãy chọn ngay cách sống chậm, tận hưởng những thời khắc trong hiện tại.

Sáng mai thức dậy, họ cảm ơn đời cho thêm một ngày nữa để yêu thương, qua một ngày sống chậm lại và tận hưởng mọi duyên lành xung quanh. Cảm giác được sống chậm, thong thả và tận hưởng mọi thứ tốt đẹp trong khoảnh khắc hiện tại; im lặng để lắng nghe tiếng của thiên nhiên, tiếng của cỏ cây, của gió, của nắng, của mưa bão...đều mang lại những cảm xúc của cuộc đời, làm cho người lớn tuổi dễ chạm đến một tâm trạng yên bình và khỏe khoắn hơn.

+ Chọn cách sống bình thản, không thích ồn ào náo nhiệt

Người lớn tuổi, thường không còn thích những gì ồn ào náo nhiệt, chọn lấy cách sống tâm thái bình thản. Đi du lịch đây đó, đi đến những thành phố sôi động để cảm nhận sự phát triển nhưng rồi cũng muốn quay về nhà, về đúng căn phòng mình hay nghỉ ngơi và làm việc. Chính việc giữ được nội tâm bình thản và sống trong môi trường không ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn… giúp cho người lớn tuổi có cơ thể khỏe mạnh, yên bình và có thể kéo dài tuổi thọ.

+ Chọn cách tư duy "lơ đễnh" một chút

Có những chuyện, người lớn tuổi không phải không biết, nhưng họ vẫn chọn cách làm chậm lại tư duy của chính mình và việc thấy không quá nặng nề và qua được thì cho qua, cần hờ hững thì hờ hững, điều gì thấy không làm cần làm rõ thì không nhất thiết phải cố làm rõ, người nào cần lướt qua thì cứ âm thầm cho lướt qua.

Người lớn tuổi vẫn chọn cách: "nước trong thì không có cá, người thẳng thắn quá thì không có ai chơi"; việc gì cũng để vào đầu, không biết quên, chỉ biết tính toán mà không biết cho qua, việc gì cũng có ý kiến…chỉ làm cho cuộc sống thêm rối rắm, nặng nề, phiền não. Đó là một trong những lợi thế của người lớn tuổi, chính kiểu cố ý tư duy chậm lại, làm cho người lớn tuổi tránh được các xung đột trong quan hệ, và tất nhiên sẽ mang lại cho họ khỏe khoắn và yên bình!.

Thật ra, mỗi giai đoạn tuổi tác của đời người đều có hai mặt, gồm các mặt lợi thế và các mặt yếu thế. Để có được khỏe khoắn và yên bình, cần chấp nhận các điểm yếu thế của tuổi tác bạn đang có, nghĩa là chiến thắng được bản thân; biết tận dụng các lợi thế của tuổi tác bạn đang có, cho thấy được sự khôn ngoan của chính bạn.

Xem thêm video đang được quan tâm

Suy Giảm Trí Nhớ Ở Người Cao Tuổi Cần Lưu Ý Gì? | SKĐS

TS.BS Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn