Hà Nội

Người già đột quỵ tăng trong giá rét, nhiều trẻ mắc sởi biến chứng nặng

17-12-2024 20:49 | Y tế

SKĐS - Những ngày qua, khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân đột quỵ vào điều trị tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế) tăng khoảng 20 - 30%, chủ yếu người trên 60 tuổi có bệnh nền tim mạch, xơ vữa mạch máu. Trong khi đó, ở trẻ em có nhiều ca mắc sởi biến chứng nặng.

Bệnh đột quỵ nhập viện tăng

Ngày 17/12, ThS.BS Lê Vũ Huỳnh, Phó trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, những ngày qua, bệnh nhân đột quỵ được đưa vào cấp cứu, điều trị tăng cao so với thời điểm trước đó.

Người già đột quỵ tăng trong giá rét, nhiều trẻ mắc sởi biến chứng nặng- Ảnh 1.

ThS.BS Lê Vũ Huỳnh tiến hành can thiệp cho ca bệnh đột quỵ.

Theo ThS.BS Lê Vũ Huỳnh, bệnh nhân nhập viện tăng rõ rệt ở các thời điểm chuyển mùa và những ngày thời tiết lạnh. Trung tâm có 135 giường bệnh dành cho cả bệnh đột quỵ và bệnh lý nội thần kinh tuy nhiên luôn trong tình trạng kín giường với khoảng 150 - 160 bệnh nhân.

"Những ngày qua, thời điểm thời tiết chuyển lạnh, bệnh đột quỵ vào cấp cứu, điều trị tăng khoảng 20-30%. Trong đó, chủ yếu là người già trên 60 tuổi có các bệnh nền tim mạch, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu...", ThS.BS Lê Vũ Huỳnh nói.

Phó trưởng Khoa Đột quỵ cho biết, để phòng đột quỵ, mọi người cần thường xuyên tập thể dục, ăn uống điều độ, kiêng rượu bia, thuốc lá. Người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường thường xuyên theo dõi, kiểm soát tình trạng.

Người già đột quỵ tăng trong giá rét, nhiều trẻ mắc sởi biến chứng nặng- Ảnh 2.

Theo các bác sĩ, thời tiết chuyển lạnh làm gia tăng ca bệnh đột quỵ.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, liên hệ đơn vị vận chuyển cấp cứu hoặc nếu có phương tiện vận chuyển cá nhân phù hợp lập tức chuyển cấp cứu ngay. Trong đó, ưu tiên chuyển đến các trung tâm có đầy đủ các phương pháp điều trị toàn diện.

ThS.BS Lê Vũ Huỳnh cho hay, đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi tuy nhiên thực tế có thể gặp ở bất cứ độ tuổi, hiện nay tỷ lệ người bị đột quỵ dưới 50 tuổi có xu hướng tăng. Các dấu hiệu thường gặp khi đột quỵ như liệt tay chân một bên, miệng méo, nói khó, rối loạn ngôn ngữ.

Đa phần các bệnh lý đột quỵ thường thầm lặng, ít gây triệu chứng và thường bị bỏ sót bằng những kiểm tra sức khỏe tổng quát thông thường. Khi đột quỵ xảy ra, cần nhận dạng, phát hiện kịp thời và đưa người bệnh bị đột quỵ nhập viện cấp cứu sớm.

Trẻ mắc sởi trở nặng

Theo ngành y tế Thừa Thiên Huế, thời tiết giao mùa, mưa nắng xen kẽ là thời điểm dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Cụ thể, từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.950 ca sốt xuất huyết, tăng 1.351 ca so với cùng kỳ 2023.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế cũng ghi nhận 20 ca sốt phát ban nghi sởi và 10 ca mắc sởi. Ca bệnh sởi tập trung ở các địa phương như TP Huế, thị xã Hương Thuỷ, các huyện Quảng Điền...

Người già đột quỵ tăng trong giá rét, nhiều trẻ mắc sởi biến chứng nặng- Ảnh 3.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi bị sởi, biến chứng.

Từ cuối tháng 11 đến nay, Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế) tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc sởi. Mới đây nhất có 5 ca bệnh sởi có biến chứng, tuy nhiên được điều trị kịp thời.

Đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi, bé L.B.M.Q. (1 tuổi, trú thị xã Hương Thủy) được xác định mắc bệnh sởi và gặp biến chứng nên liên tục ho, khó thở, các ban đỏ xuất hiện khắp cơ thể.

Tuy nhiên, sau quá trình điều trị, bé Q. đang có dấu hiệu đáp ứng điều trị, những ngày tới, sẽ được chuyển ra khỏi khu hồi sức để tiếp tục điều trị chuyên khoa.

PGS.TS Nguyễn Hữu Châu Đức, Phó Trưởng khoa Nhi Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi cho biết, bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi và hay xảy ra vào mùa Đông Xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đầy đủ.

Khả năng lây nhiễm của sởi cao hơn nhiều so với các bệnh lây nhiễm khác, một người có thể lây cho 9 - 12 người tiếp xúc gần mà chưa có miễn dịch. Những trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh tim, có nguy cơ mắc bệnh sởi, sẽ được truyền Immunoglobulin đồng thời tiêm phòng vaccine sớm.

Các bác sĩ cho biết, để phòng bệnh sởi, người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng - 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ, đúng lịch. Khi có trẻ nghi mắc bệnh, không cho con em mình tiếp xúc gần. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng hàng ngày, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Tại các trường học cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần sớm cách ly, đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất.

Thừa Thiên Huế ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc sởiThừa Thiên Huế ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc sởi

SKĐS - Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế ghi nhận 10 trường hợp mắc sởi. Trước tình hình này, ngành y tế yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng…


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn