Hà Nội

Người già bị loãng xương nên làm gì?

14-06-2024 10:29 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tình trạng loãng xương ở người cao tuổi không thể điều trị dứt điểm. Phương pháp điều trị chủ yếu sẽ là điều trị tăng cường mật độ xương, giảm biến chứng.

Loãng xương nên bổ sung gì?

Người già, người cao tuổi dễ gặp tình trạng loãng xương bởi quá trình suy giảm nội tiết tố. Khi bị loãng xương, người già nên thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ xác định tình trạng bệnh cũng như đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Vậy khi bị loãng xương người già có nên bổ sung canxi hay không? Bổ sung canxivitamin D là một trong những cách để điều trị loãng xương ở người già giúp tái tạo xương. Tuy nhiên liều lượng sử dụng phải do bác sĩ chỉ định, người bệnh không nên tự ý bổ sung canxi hay vitamin D.

Do tình trạng loãng xương ở người già không thể chữa khỏi hoàn toàn nên phương pháp điều trị chủ yếu sẽ là làm tăng mật độ xương, giúp bệnh không tiến triển nặng lên và giảm biến chứng. 

Người già nên thay đổi chế độ sinh hoạt để cải thiện tình trạng này tốt hơn bằng cách:

  • Bổ sung các thực phẩm có canxi, vitamin D, vitamin C trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Người già có thể uống sữa hoặc các sản phẩm từ sữa. Bên cạnh đó nên lựa chọn các loại hải sản (tôm, cua, cá…) và các loại rau màu xanh đậm, rau nhà họ cải…
  • Lựa chọn các môn thể thao tốt cho xương khớp và duy trì tập luyện hàng ngày với những bài tập nhẹ nhàng, cường độ trung bình. Một số môn thể thao được khuyến cáo tốt cho xương khớp và giúp giảm nguy cơ bị thoái hóa khớp là: yoga, bơi lội, đi bộ, chạy bộ…
Người già bị loãng xương nên làm gì? - Ảnh 1.

Các cơn đau do loãng xương thường gặp ở một số vị trí như thắt lưng, khớp gối, khớp háng...

Dấu hiệu loãng xương ở người già

Nhiều người cho rằng loãng xương không gây ra nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên đối với người già, nếu mắc loãng xương và không được điều trị có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống như:

  • Các cơn đau do loãng xương gây ra có thể khiến người già bị rối loạn giấc ngủ lâu ngày gây trầm cảm.
  • Làm tăng nguy cơ bị chấn thương, gãy xương mặc dù không vận động mạnh hoặc không xảy ra va chạm.
  • Gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày
  • Làm tăng nguy cơ tử vong ở người già

Ở giai đoạn đầu, loãng xương thường không có biểu hiện rõ rệt. Đây là bệnh lý diễn ra âm thầm, tới khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng sẽ có một số biểu hiện như:

  • Khi xảy ra va chạm hoặc bị ngã dễ bị gãy xương
  • Đau nhức: Người bệnh cảm thấy đau nhức ở cột sống và xương khớp. Cơn đau có thể xảy ra nhiều hơn ở một số vị trí như khớp háng, khớp gối, thắt lưng
  • Cột sống bị gù/vẹo
  • Giảm chiều cao
  • Một số trường hợp có thể bị chuột rút nhiều hơn, đổ nhiều mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh…
Người già bị loãng xương nên làm gì? - Ảnh 2.

Loãng xương ở người cao tuổi nếu không điều trị có thể gây ra những nguy hiểm trong sinh hoạt hàng ngày.

Vì sao người già hay bị loãng xương?

Nguyên nhân gây ra tình trạng loãng xương ở người cao tuổi được chia làm 2 nhóm: nguyên phát và thứ phát. Trong đó nguyên nhân nguyên phát là thường gặp nhất.

- Nguyên nhân nguyên phát: Tình trạng loãng xương thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi, nữ giới có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn nam giới. Bởi sau 50 tuổi, nữ giới sẽ xảy ra tình trạng suy giảm estrogen, suy giảm hormone ở tuyến cận giáp… làm tăng quá trình thải canxi niệu. 

Hơn nữa, khi tuổi càng cao xương càng có xu hướng mỏng hơn. Cùng với đó quá trình tái tạo xương cũng suy giảm bởi thói quen ít vận động, ít ra ngoài khiến khả năng tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời giảm theo. Khi tuổi càng cao, các bộ phận trong cơ thể cũng lão hóa và gây ra tình trạng giảm khả năng hấp thu canxi.

- Nguyên nhân thứ phát: Một số người sử dụng các loại thuốc như thuốc corticoid, thuốc tránh thai… ; người có tiền sử chấn thương liên quan đến xương khớp; người có bệnh lý nội tiết liên quan tới tuyến giáp, bệnh thận… dễ có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn.

Xem thêm video được quan tâm:

Loãng xương ở người trẻ nên bổ sung vitamin D và canxi thế nào? l SKĐS


ThS. BS. Nguyễn Thị Bảo Thoa
Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn